Chật vật tìm nguồn cung năng lượng
Ngày 6/10, BNetzA - cơ quan quản lý thị trường điện, khí đốt, viễn thông, bưu chính và đường sắt tại Đức - cho biết, các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ của nước này tuần trước đã sử dụng lượng khí đốt nhiều hơn gần 10% so với mức trung bình cùng kỳ trong 4 năm qua.
Theo đó, mức tiêu thụ đạt 618 gigawatt giờ mỗi ngày (GWh/ngày), so với mức trung bình trong cùng tuần cho các năm từ 2018 đến 2021 là 564 GWh/ngày.
Trước tình hình này, ông Klaus Mueller, Chủ tịch BNetzA - cơ quan có nhiệm vụ phân phối khí đốt trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung - đã nhắc lại lời cảnh báo đưa ra cách đây 1 tuần rằng mức tiêu thụ hiện tại là quá cao.
Theo người đứng đầu BNetzA, Đức có nguy cơ xảy ra khủng hoảng khí đốt vào mùa đông tới nếu không cắt giảm mạnh lượng tiêu thụ.
“Đức sẽ khó tránh khỏi tình trạng khẩn cấp về khí đốt trong mùa đông này nếu không dự trữ được ít nhất 20% lượng khí đốt để phục vụ tiêu thụ tại các hộ gia đình, doanh nghiệp và các ngành công nghiệp”, ông Mueller nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm tình hình có thể trở nên rất nghiêm trọng nếu Đức không cắt giảm đáng kể lượng tiêu thụ khí đốt.
Các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ chiếm 40% lượng tiêu thụ khí đốt tại Đức, trong khi các ngành sản xuất lớn cần 60% lượng khí đốt toàn quốc. Ngược lại với tiêu thụ trong các hộ gia đình, các ngành công nghiệp lớn tại Đức đã chứng kiến mức tiêu thụ giảm nhẹ trong tuần trước, với 1.370 GWh/ngày, so với mức trung bình 1.402 GWh/ngày trong 4 năm qua.
Đầu tàu kinh tế châu Âu đang ở giai đoạn 2 của kế hoạch khẩn cấp 3 giai đoạn, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt giảm mạnh từ Nga, nhà cung cấp khí đốt chính cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Trong nỗ lực tìm cách tránh phụ thuộc vào Moscow về cung cấp nhiên liệu, Đức đã quyết định thay thế toàn bộ nguồn cung năng lượng nhập khẩu từ Nga, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, ngay từ giữa năm 2024. Đây được đánh giá là kế hoạch đầy thách thức trong bối cảnh thị trường năng lượng hiện tại.
Vào năm 2021, Nga chiếm 55% lượng khí đốt nhập khẩu của Đức, nhưng mức này đã giảm xuống còn 26% vào cuối tháng 6/2022, do lưu lượng vận chuyển đã giảm đáng kể qua đường ống Dòng chảy phương bắc 1 từ Nga sang châu Âu.
Không chỉ riêng Đức, các quốc gia khác trên khắp châu Âu đang chật vật với kế hoạch dự trữ khí đốt cho mùa đông tới, trong bối cảnh gián đoạn dòng chảy khí đốt từ Nga do ảnh hưởng từ xung đột ở Ukraine. Điều này có thể dẫn đến việc châu Âu phải áp đặt hạn mức phân bổ khí đốt và hạn chế xuất khẩu năng lượng sang các nước khác.
Người dân Anh có thể phải đối mặt với việc bị cắt điện thường xuyên vào mùa đông tới nếu không thể nhập khẩu đủ điện từ châu Âu, trong bối cảnh nước này cũng đang phải chật vật để bảo đảm đủ nguồn cung khí đốt nhập khẩu cho các nhà máy điện hoạt động. Trong ảnh, đường dây điện cao thế ở Ratcliffe-on-Soar, miền trung nước Anh. (Nguồn: Reuters) |
Đối với Anh, tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu, cũng như các vấn đề liên quan bảo trì tại một số nhà máy điện hạt nhân của Pháp, đã làm tăng nguy cơ nước này không thể bảo đảm đủ lượng khí đốt cần thiết, hoặc ảnh hưởng tới kế hoạch nhập khẩu điện từ các quốc gia khác như Pháp, Bỉ và Hà Lan.
Trong bối cảnh đó, Cơ quan Vận hành hệ thống điện lưới quốc gia Anh (ESO) cảnh báo, các hộ gia đình và doanh nghiệp nước này có thể phải đối mặt với việc bị cắt điện thường xuyên khoảng 3 giờ/ngày trong mùa đông tới, nếu nước này không thể nhập khẩu đủ điện từ châu Âu và không bảo đảm đủ lượng khí đốt nhập khẩu cần thiết cho các nhà máy điện hoạt động.
Trong khi nguồn cung khí đốt Nga chỉ đáp ứng khoảng 4% nhu cầu của Anh, trên tổng thể, gián đoạn nguồn cung từ Nga sang châu Âu đã góp phần đẩy giá khí đốt tại Anh tăng cao, đồng thời khiến nước này khó bảo đảm nguồn cung khí đốt từ các nước khác.
Báo cáo Triển vọng thị trường khí đốt mùa đông của Cơ quan truyền dẫn khí đốt Anh (NGGT) cũng cảnh báo, khả năng thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ lục địa châu Âu có thể gây ra một loạt các tác động trực tiếp ở Anh, kéo theo rủi ro liên quan khả năng nhập khẩu khí đốt của Anh từ châu Âu.
Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ Anh khẳng định, nước này có thể bảo đảm đủ nguồn cung điện cho mùa đông tới và đã lên kế hoạch ứng phó với các kịch bản, nhờ 1 hệ thống năng lượng an toàn và đa dạng, với trữ lượng khí đốt dồi dào ở Biển Bắc, cùng các nguồn nhập khẩu được bảo đảm từ các đối tác như Na Uy và các nguồn năng lượng sạch.
Sau cảnh báo của ESO, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề khí hậu Anh, ông Graham Stuart ngày 7/10 cho biết, chính phủ nước này hiện không yêu cầu người dân giảm tiêu thụ năng lượng, đồng thời cho biết Chính phủ Anh đã lên kế hoạch cho tất cả các trường hợp có thể xảy ra.
Châu Âu vẫn chia rẽ về áp trần giá khí đốt
Để kiềm chế giá năng lượng và lạm phát tăng vọt, các quốc gia châu Âu gồm Ba Lan, Italia, Bỉ và Hy Lạp đã cùng soạn thảo và đề xuất lên Liên minh châu Âu (EU) về 1 "hành lang giá khí đốt linh hoạt", với mức giá được xác định bằng và thấp hơn giá thị trường và áp dụng cho tất cả các giao dịch bán buôn, không giới hạn nhập khẩu từ các khu vực pháp lý cụ thể, cũng như không giới hạn đối với việc sử dụng bất kỳ loại khí đốt tự nhiên cụ thể nào.
Theo tài liệu về đề xuất trên mà hãng tin Reuters có được, đề xuất trên thiết lập hành lang giá ở mức đủ cao để vẫn cho phép thị trường khí đốt hoạt động, và đủ linh hoạt để bảo đảm các nước châu Âu vẫn có thể thu hút nguồn cung với giá cạnh tranh từ các thị trường khí đốt trên toàn cầu. Nếu cần thiết, đề xuất này cũng cho phép giao dịch khí đốt trên mức giá hành lang.
Brussels cũng đang xem xét ý tưởng tương tự để áp trần mức giá khí đốt nhưng vẫn chưa đưa ra đề xuất chính thức. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trước đó đã đề xuất các biện pháp giới hạn giá khí đốt để các nhà lãnh đạo EU thảo luận, sau khi Pháp, Italia, Ba Lan và 12 quốc gia khác hồi tuần trước thúc giục Brussels sớm đưa ra mức trần giá khí đốt.
Trong tài liệu gửi các nhà lãnh đạo EU ngày 5/10, bà von der Leyen cho biết, EU nên xem xét mức trần giá tạm thời, trong bối cảnh khối đang nỗ lực đưa ra mức giá chuẩn thay thế cho mức giá khí đốt theo Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu Hà Lan (TTF).
Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu khác, trong số đó có Đức - quốc gia nhập khẩu khí đốt lớn nhất châu lục, và Hà Lan đã phản đối đề xuất này, cảnh báo giới hạn về giá có thể làm suy yếu an ninh năng lượng tại châu Âu trong mùa đông tới.