Dưới tán rừng Trường Sơn

Trường Sơn là xã biên giới của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, có diện tích rừng nguyên sinh rộng lớn và ẩn bên dưới là hệ thống suối, hang động với nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trên địa bàn còn có lưu vực thượng nguồn sông Long Đại có nhiều thác gềnh phù hợp cho phát triển du lịch mạo hiểm. Hiện nay, tiềm năng du lịch ở Trường Sơn đang dần được đánh thức.
0:00 / 0:00
0:00
Hang Sơn Nữ vừa được phát hiện ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Hang Sơn Nữ vừa được phát hiện ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trường Sơn Hoàng Trọng Đức cho biết, nằm bên nhánh tây đường Hồ Chí Minh, Trường Sơn có nhiều hệ thống khe suối, hang động rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Tiêu biểu là suối Chà Rào, Chà Cùng và các hang động rất đẹp cùng phong cảnh hữu tình ở thượng nguồn sông Long Đại.

Suối Chà Rào và Chà Cùng cách nhau khoảng 2 km. Trong khi Chà Rào nằm ngay trên tuyến đường từ trung tâm xã dẫn vào bản Cây Cà, thì muốn đến bãi tắm và thác Chà Cùng, du khách phải đi bộ men theo con suối chừng vài trăm mét dưới tán cây mát rượi. Ở suối Chà Cùng, dòng nước bị các gờ đá chắn lại, tạo thành những dòng thác tung bọt trắng xóa. Ngoài ra còn có các tràn đá tự nhiên bằng phẳng, làn nước nhẹ nhàng chảy qua. Đến đây, du khách cảm nhận được không khí trong lành của núi rừng, ngắm nhìn những rạn đá phủ đầy rêu dưới mặt nước trong veo. Bạn có thể tắm tại các hồ nước tự nhiên, hay trượt nhẹ trên đá. Cũng có thể nằm trên tràn đá thư giãn cho nước chảy qua người, bạn lắng nghe tiếng nước róc rách, tiếng hót líu lo của các loài chim, tiếng gió khẽ lùa qua tán lá cây.

Ở một vài đoạn suối sâu, du khách có thể thử cảm giác đu dây thả từ trên cao rơi xuống suối, chèo SUP, chèo bè nứa hoặc thỏa sức bơi lội. Suối Chà Cùng không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp tự nhiên mà còn là một địa điểm giúp khám phá và trải nghiệm văn hóa địa phương. Du khách có thể thăm bản làng đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều để tìm hiểu về phong tục, tập quán và cuộc sống của người dân bên mái Trường Sơn và thưởng thức những món ăn đặc sản đậm hương vị bản địa độc đáo.

Ở khu vực rừng thuộc bản Đìu Đo, xã Trường Sơn, mới đây người dân địa phương đã phát hiện ra một hang động có hệ thống thạch nhũ và dòng suối ngầm có nhiều bí ẩn. Hang động dài hơn 1,5 km, nơi cao nhất của cửa hang khoảng 30m, trong hang có nhiều thạch nhũ đẹp, kiến tạo kỳ lạ. Thạch nhũ tràn chảy xuống tựa như vô số bức rèm buông và lấp lánh mỗi khi chiếu đèn vào. Có đoạn, thạch nhũ trắng chảy xuống, tràn ra như tấm lụa trắng khổng lồ mềm mại, lấp lánh.

Vào mùa hè, trong hang nước không nhiều, người dân có thể chèo xuồng cao-su hoặc SUP từ đầu hang đến cuối hang, từ đó đi ra suối Khe Mây với khu rừng nguyên sinh hùng vĩ. Người dân gọi tên hang này là Sơn Nữ. Phong cảnh hùng vĩ và đẹp đến mê hoặc ấy tuy mới phát lộ song đã hấp dẫn các bạn trẻ thích khám phá, dù biết đây là địa bàn biên giới. Vì thế, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cho phép chính quyền địa phương phối hợp với chủ rừng khai thác thử nghiệm sản phẩm “Khám phá thiên nhiên khe Kiều, hệ thống hang động Sơn Bồi và tìm hiểu văn hóa người Bru-Vân Kiều” và khai thác tạm thời sản phẩm du lịch “Khám phá thiên nhiên Chà Rào-Chà Cùng”.

Chủ tịch xã Trường Sơn Hoàng Trọng Đức cho biết, chính quyền địa phương đã phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh giao cho đơn vị khai thác du lịch phải phục vụ tốt nhu cầu của khách đến tham quan, bảo đảm an ninh, trật tự và bảo vệ môi trường. Dù mới đưa vào khai thác thử nghiệm nhưng từ tháng 4 đến cuối tháng 8/2023, có hàng nghìn lượt khách đến tham quan, sử dụng các dịch vụ. Mong muốn của chính quyền cũng như doanh nghiệp du lịch ở đây là được cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng đường vào khu du lịch và dựng cột phát sóng điện thoại di động để phục vụ nhu cầu khách du lịch tốt hơn.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình Đặng Đông Hà, Trường Sơn là địa bàn giàu tiềm năng về tài nguyên du lịch sinh thái, là địa chỉ mà giới trẻ trong và ngoài tỉnh muốn khám phá. Tuy nhiên, cái khó ở Trường Sơn hiện nay là địa bàn thuộc khu vực biên giới cho nên việc khách du lịch đến được đây còn khó khăn, nhất là khách quốc tế vào khu vực biên giới cho đất liền cần nhiều thủ tục và phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Bên cạnh đó, nhiều diện tích rừng chưa xác định rõ chủ rừng; và Ban Quản lý rừng phòng hộ Quảng Ninh chưa có kinh nghiệm làm du lịch, việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chưa thực hiện được. Các lưu vực thượng nguồn vùng sông Long Đại có thể phát triển du lịch mạo hiểm hấp dẫn nhưng thuộc khu vực biên giới, chưa có quy hoạch bến, chưa được cấp phép vùng vui chơi giải trí dưới nước theo quy định.

Để tiềm năng du lịch Trường Sơn phát triển tương xứng, trong chuyến khảo sát mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình Trần Hải Châu đề nghị, các ngành của tỉnh nghiên cứu “mềm hóa’ các quy định có tính nguyên tắc giúp xã biên giới này tạo ra sự đột phá để phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch. “Chúng ta có thể nghiên cứu cho phép thí điểm phát triển du lịch cộng đồng mà trong đó chủ thể là đồng bào dân tộc thiểu số để vừa khai thác thế mạnh về cảnh quan nhằm phát triển du lịch sinh thái, vừa tạo nguồn thu nâng cao đời sống cho người dân” đồng chí Trần Hải Châu gợi ý.