Theo chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH một thành viên (Samco), trên cơ sở công trình đã được nghiệm thu đủ điều kiện khai thác vận hành, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận cho BXMĐ mới đi vào hoạt động từ ngày 10-10-2020. Trước mắt, Công ty TNHH một thành viên BXMĐ, đơn vị được giao quản lý vận hành, sẽ đưa 24 tuyến xe đi 16 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra bắc có cự ly tuyến 1.100 km trở lên vào BXMĐ mới hoạt động trong thời điểm này. 24 tuyến này thuộc 71 tuyến nằm trong danh mục được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) công bố hoạt động tại BXMĐ mới.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên BXMĐ Nguyễn Hoàng Huy cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho DN vận tải và tạo thói quen đi lại của người dân, trong thời gian ba tháng kể từ ngày 10-10, các đơn vị vận tải tạm thời được tiếp tục lưu đậu và đón trả khách tại BXMĐ cũ trước khi đến bến xe mới hoàn tất các thủ tục xuất bến theo quy định. BXMĐ cũ tổ chức bán vé ủy thác cho các tuyến đường có đầu bến tại BXMĐ mới. Các đơn vị vận tải phải xây dựng phương án trung chuyển phù hợp trên cơ sở kết hợp với các loại xe vận chuyển khách như xe trung chuyển, xe buýt, ta-xi, xe hai bánh.
Một số DN vận tải đề nghị thành phố cần sớm hoàn chỉnh hạ tầng chung quanh để bảo đảm khả năng kết nối, trung chuyển khách, khai thác hiệu quả BXMĐ mới. Liên quan việc vận hành các tuyến xe tại BXMĐ mới, nhiều DN vận tải còn băn khoăn, nhất là phương tiện di chuyển của hành khách từ thành phố ra ngoại vi trung tâm; tình trạng "xe dù, bến cóc" vẫn còn tồn tại chung quanh khu vực các bến xe. Ông Đinh Thanh Hồng, DN vận tải Hiền Phước, có xe chạy tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh dẫn chứng, thành phố không thiếu những xe đội lốt hợp đồng hoạt động khắp thành phố chứ không riêng gì khu vực BXMĐ. Các loại xe này đáp ứng nhu cầu đưa đón tận nơi cho hành khách trong khi xe của DN vận tải khác phải ra, vào bến, chạy theo giờ, chi phí đều cao hơn. Sở GTVT thành phố và các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp xử lý triệt để nhằm giúp DN vận tải an tâm hoạt động.
Đại diện Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã thực hiện công tác duy tu, sửa chữa đối với tuyến đường Hoàng Hữu Nam, D400 và đường số 13 để phục vụ hành khách ra, vào của các tuyến xe khách. Riêng việc xây dựng hầm chui trước BXMĐ mới, công trình quan trọng giúp kết nối giao thông đi lại của hành khách từ Xa lộ Hà Nội vào bên trong và ngược lại, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn tất vào cuối năm nay.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh, sắp tới sẽ tổ chức các tuyến xe buýt kết nối đến BXMĐ mới như tuyến xe buýt số 55 (Công viên phần mềm Quang Trung - Khu công nghệ cao quận 9); tuyến 76 (Long Phước - Suối Tiên - Đền Vua Hùng) để phục vụ hành khách. Để kết nối vận chuyển hành khách có nhu cầu đi lại từ BXMĐ mới về tỉnh Đồng Nai; từ BXMĐ mới đi Bến xe Miền Tây, thành phố sẽ tổ chức một số tuyến buýt trợ giá như tuyến số 150 (Bến xe Chợ Lớn - Tân Vạn). Đồng thời, tổ chức các tuyến không trợ giá, gồm: Tuyến số 5 (Bến xe Chợ Lớn - Biên Hòa); tuyến 601 (Bến xe Biên Hòa - Bến xe Miền Tây); tuyến 602 (Bến xe Phú Túc - quốc lộ 20 - ngã tư Dầu Giây); tuyến 603 (Bến xe Miền Đông - Nhơn Trạch); tuyến 604 (Bến xe Hố Nai - Bến xe Miền Đông)…
BXMĐ mới nằm trên địa bàn phường Long Bình, quận 9 (TP Hồ Chí Minh) và phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An (Bình Dương), có tổng diện tích hơn 16 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. Kinh phí đầu tư cho giai đoạn 1 khoảng 740 tỷ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ bảy triệu lượt khách mỗi năm. Ngoài chức năng chính là cung cấp dịch vụ vận tải, BXMĐ mới còn là trung tâm thương mại, khu vui chơi cho trẻ em, khu giải trí, rạp chiếu phim, nhà hàng.