Sáng chủ nhật hằng tuần, tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai, khu vực Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku, người dân địa phương và du khách có thể đến đây để thưởng thức, trải nghiệm văn hóa các dân tộc Việt Nam đang sinh sống trên vùng đất Gia Lai. Mỗi tuần có một đoàn nghệ nhân trình diễn, khắc họa đời sống sinh hoạt, truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc, như trình diễn nhạc cụ dân tộc, diễn tấu cồng chiêng, dệt vải, đan lát, tạc tượng, giã gạo, hát dân ca, dân vũ… Tại đây, còn có không gian để khách cùng tham gia các trò chơi dân gian, như kéo co không dây, nhảy lò cò cùng nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa khác được các nghệ nhân tái hiện và hướng dẫn mọi người cùng trải nghiệm.
Chứng kiến dàn nhạc cụ truyền thống từ tre, nứa như đàn T’rưng, Kni, Ting ning… được các chàng trai, cô gái người Gia Rai trong trang phục truyền thống trình diễn, người xem thích thú trước sự tài hoa của những con người sinh ra từ buôn làng.
Chị Pyui, thành viên Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Phung (xã Biển Hồ) cho hay: “Trước đây mình chỉ ngồi dệt cùng các chị em ở trong làng và đem sản phẩm đi bán, nay được trực tiếp đưa khung cửi ra đây ngồi dệt để mọi người cùng trải nghiệm kỹ thuật và hoa văn dệt, mình thấy rất vui và tự hào”. Ngồi dệt cạnh bên, chị Rơ Lan Han góp chuyện: “Tôi là một trong những thành viên trẻ mới gia nhập Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Phung. Lần đầu được trải nghiệm trình diễn dệt thổ cẩm trước du khách, lúc đầu tôi cũng ngại ngùng, nhưng khi được mọi người cổ vũ, khen ngợi, muốn tìm hiểu và ngồi thử vào khung dệt, tôi thấy rất vui”.
Được hòa mình vào không gian văn hóa độc đáo với âm thanh của cồng chiêng, cùng điệu xoang uyển chuyển và sắc mầu kỳ thú của thổ cẩm, chị Nguyễn Thị Nhật Hạ đến từ tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Lần đầu đặt chân đến Pleiku, tôi và mọi người trong đoàn được hòa mình vào không gian của lễ hội. Người dân nơi đây rất thân thiện, cởi mở”. Chị Mai Thị Ánh Nguyệt, du khách đến từ thành phố Đà Nẵng, vừa trải nghiệm dệt thổ cẩm vừa nói: “Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, mình và nhóm bạn quyết định chọn du lịch phố núi Pleiku. Khi tới vùng đất này, thú vị hơn cả vẫn là hoạt động trải nghiệm cùng văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Mọi người còn được mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương ngay tại điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP”.
Anh Hồ Hoàn Vũ (thành phố Pleiku) cho biết: “Bình thường, các hoạt động văn hóa như thế ở các thành phố khác có thể phải trả phí mới được thưởng thức. Còn ở đây là hoàn toàn miễn phí. Các hoạt động diễn ra rất tự nhiên, trong không gian mở, ai cũng có thể tham gia. Ngoài thưởng thức sắc mầu văn hóa độc đáo, du khách còn có thể tương tác với các nghệ nhân, tìm hiểu cách chơi nhạc cụ và những gì quan tâm… Đây cũng là cách quảng bá, đưa văn hóa đến gần với mọi người”.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Trần Ngọc Nhung cho biết, sau một thời gian duy trì, chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm” đã thành công trên hai phương diện là bảo tồn, phát triển văn hóa của người Ba Na, Gia Rai; đồng thời, thúc đẩy các hoạt động du lịch. Từ kết quả mô hình này, Sở tiếp tục tổ chức mô hình mới “Sắc mầu văn hóa Gia Lai - Bảo tồn và phát triển” để đa dạng hoạt động hơn, có sự tham gia của đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh. Mới đây, ban tổ chức đã hoàn thiện và bổ sung một số cơ sở vật chất, như dựng mô hình nhà rông, sân khấu… để hỗ trợ hoạt động trình diễn của các đoàn nghệ nhân và giúp người xem cảm nhận được không gian thực của làng.
“Những mô hình này nhằm để giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số địa phương, qua đó đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên; đồng thời, góp thêm hoạt động mới lạ, hấp dẫn cho du lịch phố núi Pleiku, tỉnh Gia Lai”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết.