Triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững trong bối cảnh dịch Covid-19
Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình).
Chương trình được thiết kế với 7 dự án, cùng tổng nguồn lực tối thiểu 75.000 tỷ đồng.
Việc triển khai Chương trình đã chịu những tác động đáng kể trong bối cảnh của đại dịch Covid-19.
Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được thành lập do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, Bộ trưởng các bộ chủ quản chương trình.
Tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025.
Về phía Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cơ quan này đã ban hành kế hoạch truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông thực hiện Chương trình thông qua Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Tổ chức thực hiện với nhiều hình thức, nội dung phong phú như bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp về công tác giảm nghèo, sản xuất các ấn phẩm truyền thông, tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại,...
Về xây dựng, ban hành các văn bản triển khai thực hiện Chương trình, Chính phủ trình Quốc hội đã ban hành 4 nghị quyết; Chính phủ ban hành 1 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định; các Bộ ban hành 8 thông tư. Đồng thời, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 2 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 quyết định; các bộ ban hành 4 quyết định.
Toàn bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 12/10/2021 thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ đã được ban hành đầy đủ.
Tại các tỉnh, thành phố, cũng đã đạt được một số kết quả tích cực.
Cụ thể, 48/48 địa phương được hỗ trợ từ ngân sách trung ương ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Cùng với đó, 5/13 địa phương tự cân đối ngân sách ban hành quy định phân bổ vốn ngân sách địa phương. 31/48 địa phương đã ban hành quy định về cơ chế lồng ghép. 24/48 huy động các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. 28/48 địa phương đã ban hành văn bản thực hiện cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư đối với dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp. 34/48 địa phương đã ban hành cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất.
Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 cũng được thành lập do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, Bộ trưởng các bộ chủ quản chương trình.
Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành Quy chế hoạt động quy định trách nhiệm của Trưởng ban, các phó trưởng ban, các thành viên và phối hợp giữa Ban với các ngành, địa phương. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Ở cấp địa phương, theo quy định của Quốc hội, 63/63 địa phương đã hoàn thành kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, trong đó lãnh đạo cấp tỉnh là Trưởng Ban chỉ đạo, thường trực Ban Chỉ đạo về Chương trình là lãnh đạo Sở Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. 30/63 địa phương kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, 28/63 địa phương kiện toàn, thành lập Ban quản lý xã.
Hết năm 2022, còn hơn 4% hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, kết quả thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu của Chương trình năm 2022 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 là 4,03%, giảm 1,17%, đạt chỉ tiêu của Chương trình do Quốc hội, Chính phủ giao (từ 1-1,5%).
8 địa phương đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, cao hơn chuẩn nghèo đa chiều quốc gia là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Quảng Ninh.
Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 là 21,02%, giảm 4,89% . Con số này của năm 2021 là 25,91%), đạt mục tiêu của Chương trình (giảm hơn 3%/năm).
Tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo là 38,62% (giảm 6,35%) đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao (4%).
22/74 huyện nghèo đang được hỗ trợ đầu tư để bảo đảm mục tiêu “30% huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo” cuối năm 2025.
Một xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (sau đây gọi là xã) đã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Dự kiến cuối năm 2023 thêm 9 xã được công nhận. Con số này sẽ nâng lên tổng cộng 10/54 xã, chiếm khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Tính đến hết tháng 3 năm nay, có 8 địa phương đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, cao hơn chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Đó là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Quảng Ninh.
Theo quy định hiện hành về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều gồm tiêu chí thu nhập và tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Cụ thể, tiêu chí thu nhập với khu vực nông thôn 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng.
Về tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, các dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ), gồm: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin.
Chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022-2025 với khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Còn với khu vực thành thị, mức chuẩn hộ nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.