Hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách giảm nghèo
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra.
Trong năm 2022, ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí khoảng 23 nghìn tỷ đồng để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, một trong những trọng tâm chỉ đạo, điều hành được chú trọng trong năm 2023 là xây dựng hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, bảo đảm các đối tượng yếu thế được trợ giúp ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Thông tin từ Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết, trong năm 2022, ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí khoảng 23 nghìn tỷ đồng để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung. Nguồn kinh phí này tập trung vào các chính sách cụ thể như: hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm; về giáo dục và đào tạo; về y tế; về nhà ở; về trợ giúp pháp lý; về văn hóa, thông tin…
Hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, tạo điều kiện cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững, hạn chế tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh.
Đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được bảo đảm; hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn không ngừng được tăng cường, khoảng cách phát triển giữa các vùng đang từng bước được thu hẹp.
Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2%, đạt mục tiêu được Quốc hội giao. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm hơn 3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Chính phủ đã phối hợp Trung ương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện hỗ trợ người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, khuyến khích người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.
Về chính sách tín dụng ưu đãi, đến thời điểm 31/12/2022, tổng dư nợ đạt hơn 283 nghìn tỷ đồng với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2%, đạt mục tiêu được Quốc hội giao. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm hơn 3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Trong năm 2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình), phối hợp tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên năm 2023.
Cơ quan này cũng chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2023.
Ngoài ra, sẽ tiếp tục nâng cao năng lực và kiểm tra, giám sát thực hiện giảm nghèo và huy động thêm nguồn lực cho công tác giảm nghèo.
Thông qua đó, hướng tới mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều cả nước bình quân duy trì mức giảm 1-1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm hơn 3%. Tỷ lệ nghèo đa chiều của các huyện nghèo giảm khoảng 4%.
Còn hơn 1 triệu hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều
Vừa qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 trên toàn quốc. Kết quả cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước của năm 2022 là 4,03%. Tổng số hộ nghèo là 1.057.374 hộ.
Xếp theo vùng, trung du và miền núi phía bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất (14,23%), với tổng số hộ nghèo là 455.271 hộ.
Ở vị trí thứ hai là vùng Tây Nguyên, với tỷ lệ hộ nghèo là 8,39%; tổng số hộ nghèo là 129.160 hộ.
Tiếp đó là vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, với tỷ lệ hộ nghèo là 4,99%; tổng số hộ nghèo là 284.137 hộ.
Theo sau đó là vùng đồng bằng sông Cửu Long, với tỷ lệ hộ nghèo là 2,26%; tổng số hộ nghèo là 109.767 hộ.
Tiếp nữa là vùng đồng bằng sông Hồng, với tỷ lệ hộ nghèo là 1%; tổng số hộ nghèo là 69.239 hộ.
Vùng có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước là Đông Nam Bộ, với tỷ lệ hộ nghèo là 0,21%; tổng số hộ nghèo là 9.710 hộ.
Nếu tính theo tiêu chí nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo), tỷ lệ nghèo chung toàn quốc là 7,52%. Tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là hơn 1,9 triệu hộ.
Ở 74 huyện nghèo của giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ nghèo đa chiều là 55,45%. Tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo là 538.737 hộ.
Cụ thể, tại 74 địa bàn này, tỷ lệ hộ nghèo là 38,62%, với tổng số hộ nghèo là 375.141 hộ. Tỷ lệ hộ cận nghèo là 16,84%, với tổng số hộ cận nghèo là 163.596 hộ.
Theo Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 sẽ diễn ra vào quý II năm nay.
Trước đó, một trong 14 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề cập trong Kế hoạch hành động của ngành lao động-thương binh và xã hội năm 2023 là tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.
Trong đó, chú trọng tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách "cho không", phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Đồng thời, triển khai quyết liệt và hiệu quả kế hoạch năm 2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành. Cụ thể như: chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, chính sách trợ giúp pháp lý.
Hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp hỗ trợ các hộ nghèo không còn khả năng lao động từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn huy động xã hội hóa.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, huy động tối đa nguồn lực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu về giảm nghèo đã đề ra.
Bên cạnh đó, việc tập trung cho công tác giải ngân vốn thực hiện các chương trình, dự án năm 2023 bảo đảm tiến độ, chất lượng cũng được quan tâm.
Cụ thể, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023. Triển khai quyết liệt giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo đúng quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Hướng dẫn, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công; các chủ đầu tư lập kế hoạch chi tiết thực hiện các công việc, gói thầu theo từng tháng, từng quý, khẩn trương thực hiện các biện pháp quyết liệt để đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm 2023; cập nhật tiến độ thực hiện, giải ngân theo từng tháng để báo cáo Bộ những tồn tại, khó khăn trong công tác giải ngân vốn đầu tư và đề xuất các biện pháp khắc phục.
Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Chương trình được thiết kế với 7 dự án, cùng tổng nguồn lực tối thiểu 75.000 tỷ đồng.