Năm nay, cuộc thi thu hút sự tham gia của rất nhiều dự án với ý tưởng góp phần cải thiện chất lượng môi trường.
Mong muốn cung cấp thêm giải pháp hỗ trợ chống ngập lụt cục bộ khi mưa lớn kéo dài hoặc triều cường dâng cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự án “Nhựa đường tái chế thông minh” được nhóm sinh viên đến từ Trường đại học Nguyễn Tất Thành nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên các điều kiện thực tế. Một thành viên trong nhóm cho biết:
Dự án hướng đến việc tạo ra loại nhựa đường với thành phần chính là cao-su tái chế từ lốp xe, các chất liên kết là phụ gia trong vỏ xe hơi, có khả năng kết dính không kém gì nhựa đường bình thường nhưng chi phí sản xuất thấp hơn nhiều lần. Bên cạnh đó, nhựa đường của nhóm còn có khả năng giảm tiếng ồn và chống được tia UV, thấm nước tốt. Nhóm đã làm các bài kiểm tra khả năng của loại nhựa đường do mình tạo ra.
Theo đó, mỗi mét vuông nhựa đường thân thiện với môi trường này có thể thấm 11.000 lít nước/ngày. Bạn Trần Gia Hân, Trưởng nhóm “Nhựa đường tái chế thông minh” cho biết: Nếu được đánh giá cao về tính khả thi, các thành viên sẽ tập trung nghiên cứu sâu và hoàn thiện sản phẩm dựa trên các yêu cầu về mặt kiểm định. Nếu được sẽ thi công ở một khu vực nhỏ nào đó của Thành phố Hồ Chí Minh để thử nghiệm và khảo sát ý kiến người dân.
Khi thu về kết quả khả quan sẽ rút kinh nghiệm, điều chỉnh và tiến hành triển khai mở rộng. “Nếu được thi công, sản phẩm nhựa đường của dự án có khả năng thay đổi và bảo vệ một phần cơ sở hạ tầng tại Thành phố Hồ Chí Minh, giúp hạn chế lượng nước ngập, giảm khả năng nước ô nhiễm mạch nước ngầm”, bạn Gia Hân chia sẻ.
Dự án “Sàn giao dịch tín chỉ carbon Việt Nam” của nhóm sinh viên đến từ Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh lại cung cấp giải pháp giúp doanh nghiệp thể hiện rõ trách nhiệm với môi trường thông qua việc quản lý nguồn phát thải trong quá trình sản xuất, hoạt động. Đây là sàn giao dịch tự nguyện, tập hợp những cá nhân, tổ chức có nhu cầu trao đổi tín chỉ các-bon. Theo đó, mỗi tín chỉ các-bon sẽ tương đương với lượng khí các-bon đi-ô-xít nhất định mà doanh nghiệp được phép thải ra môi trường. Trưởng nhóm Trần Thị Na cho rằng:
Mục tiêu chính của dự án là tạo trách nhiệm cho doanh nghiệp với môi trường khi tình trạng ô nhiễm nhiều nơi đã ở mức báo động. Đây là xu thế của tương lai và điều bắt buộc với doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Theo kế hoạch của nhóm, giai đoạn 2023-2024 sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, chuẩn bị các thủ tục cần thiết, khảo sát thị trường tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận cũng như huy động vốn, xây dựng đội ngũ nhân sự.
Năm 2025, nhóm sẽ bắt đầu hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh tìm kiếm đối tác, mở rộng mạng lưới. Từ năm 2027 trở đi sẽ tập trung mọi nguồn lực vận hành hiệu quả Sàn giao dịch kinh doanh tín chỉ các-bon.
Với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở và chuyển đổi số”, cuộc thi “Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” năm 2023 đã tiếp nhận hơn 100 bài thi từ hơn 30 trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Các dự án đa lĩnh vực, hướng đến việc giải quyết nhiều vấn đề nan giải trong cuộc sống hằng ngày.
Tại vòng sơ loại, Ban giám khảo đã chọn ra 60 đội thi bước tiếp vào vòng bán kết và có 27 đội thi xuất sắc vào vòng chung kết. Các dự án vào vòng chung kết tiếp tục được Ban tổ chức tổ chức các buổi huấn luyện về kỹ năng hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh, tài chính khởi nghiệp, gọi vốn đầu tư… để nâng cao chất lượng cho từng dự án.
Tại vòng chung kết, 27 đội thi được chia thành ba bảng với hai vòng thi. Vòng 1, các đội thi trưng bày sản phẩm và khung treo quảng cáo (standee) tại bàn và Ban giám khảo sẽ chấm thi theo bảng. Tại đây, các nhóm có năm phút thuyết trình về dự án của mình và có bảy phút để trả lời câu hỏi. Sau đó, Ban giám khảo sẽ chọn ra 10 đội thi xuất sắc vào vòng 2.
Ở vòng 2, 10 đội thi sẽ thuyết trình trên sân khấu. Mỗi đội thi có ba phút thuyết trình và ba phút để trả lời câu hỏi của Ban giám khảo. Kết quả, quán quân của cuộc thi năm nay là dự án “Aquabetle Plus-Sản phẩm gia tăng hiệu quả từ dịch chiết lá bàng” của nhóm sinh viên đến từ Trường đại học Nguyễn Tất Thành.
Hai giải nhì thuộc về “Gel gội đầu và dưỡng tóc từ cây ngải xanh” của Trường Trung học phổ thông Đức Trọng (Lâm Đồng) và “LOTUSLEEP-Phim ngậm hỗ trợ giấc ngủ tự nhiên từ tim sen và thảo mộc Việt Nam” của sinh viên Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. Điều quan trọng là bên cạnh các giải thưởng, các nhóm dự thi có dự án thiết thực, mang tính cộng đồng cao còn được hỗ trợ ươm tạo để sớm đưa sản phẩm ra thị trường. “Tín hiệu vui là phần lớn các dự án đều được sinh viên phát triển trên cơ sở nhằm tác động tích cực đến xã hội. Điều tôi nhận thấy rõ ở các đội thi là tinh thần đam mê đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp.
Thế nhưng, để tăng thêm tính khả thi, các bạn cần được hỗ trợ nhiều hơn, nhất là từ các trường đại học và các quỹ đầu tư. Khi có sự hướng dẫn tốt từ đầu, cộng với tinh thần không ngừng sáng tạo, các bạn sẽ biết cách gia tăng tính khả thi, tăng hiệu quả cạnh tranh”, ông Nguyễn Lê Kha, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân IPO SIHUB, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi năm nay đánh giá.