Đơn hàng quay trở lại, doanh nghiệp dệt may vẫn gặp nhiều thách thức

NDO - Đơn hàng đã dần quay trở lại với doanh nghiệp dệt may, song doanh nghiệp ngành này vẫn đang đối diện với không ít thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu dệt may có tín hiệu sáng.
Xuất khẩu dệt may có tín hiệu sáng.

Đơn hàng dần quay trở lại

Tại Tổng Công ty May 10, từ sau Tết đến nay, việc làm của người lao động ổn định khi đủ đơn hàng trong quý I và đơn hàng chính vụ đến tháng 8.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ, xác định thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn, trong năm 2024, May 10 đã tận dụng những cơ hội dù là nhỏ nhất từ thị trường, mở rộng tệp khách hàng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm và giữ chân lao động.

Với những diễn biến từ thị trường, May 10 quyết tâm đạt mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 4.500 tỷ đồng, vượt 6,6% so với năm 2023. Lợi nhuận đạt 130 tỷ đồng, vượt 5,7% so với năm 2023.

Một doanh nghiệp khác là Công ty Dệt may, Đầu tư, Thương mại Thành Công cũng đang có hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều khả quan khi đơn hàng quý I/2024 đã vượt kế hoạch và đơn hàng quý II/2024 đạt 80% kế hoạch. Năm 2024, công ty đặt mục tiêu lãi ròng tăng 20% so với năm trước, lên đến 161 tỷ đồng, trên cơ sở thị trường dệt may dần ấm lại.

Đây là 2 minh chứng cho thấy xuất khẩu dệt may đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc, khả quan. Theo số liệu của Bộ Công thương, sau năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn, quý I/2024, xuất khẩu hàng dệt và may mặc tăng 7,9%. Dệt may cũng là một trong 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong quý I.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam chỉ rõ, bắt đầu bước vào năm 2024, ngành dệt may có nhiều tín hiệu khởi sắc bởi các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng.

Trên thế giới, đặc biệt là các thị trường truyền thống, nhu cầu hàng dệt may hồi phục trở lại. Bên cạnh đó, các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là một động lực mới cho đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam tốt hơn. Kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) cao hơn 2023.

Việt Nam hiện vẫn giữ vị trí thứ 3 thế giới trong xuất khẩu dệt may, do đó, những tín hiệu này cho thấy triển vọng cho ngành dệt may Việt Nam trong năm 2024.

Đối diện nhiều thách thức

Tín hiệu vui là vậy, song các chuyên gia vẫn khuyến cáo, bài học kinh nghiệm từ năm 2023 cho thấy, thị trường thế giới hiện nay biến động rất khó lường. Đặc biệt, những căng thẳng ở Biển Đỏ, hay tỷ giá neo ở mức cao là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp dệt may.

Cụ thể, tỷ giá USD/VND đang dao động ở mức 25.000 đồng/USD khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Ông Phan Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, đối với các đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ hay Hàn Quốc, doanh nghiệp phải nhập khẩu 40-60% nguyên liệu. Tỷ giá ở mức cao khiến chi phí sản xuất tăng cao. Dù chênh lệch tỷ giá được bù đắp phần nào khi có ngoại tệ thu về từ xuất khẩu, song tỷ giá tăng nhanh khiến phần lợi thu về nhờ tỷ giá ngày càng giảm.

Đặc biệt, doanh nghiệp dệt may vẫn còn phải đối diện với những khó khăn hiện hữu từ việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như Chiến lược "thời trang bền vững" thay cho "thời trang nhanh", Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...

Đơn hàng quay trở lại, doanh nghiệp dệt may vẫn gặp nhiều thách thức ảnh 2

Sản phẩm sợi và vải làm từ than xơ dừa góp phần giúp xuất khẩu dệt may hướng tới xanh hóa.

Ở châu Âu, hiện cũng đã có Thỏa thuận Xanh (EGD) với các mục tiêu đề ra từ nay đến 2030 và tầm nhìn 2050, trong đó có thỏa thuận riêng về phát triển dệt may bền vững với rất nhiều yêu cầu về nguyên vật liệu tái chế, tuổi thọ của sản phẩm. Dự kiến trong năm 2024, EU cũng đưa ra quy định Ecodesign trong ngành dệt may để hạn chế rác thải dệt may. Các quy định này đều đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu phải có sự chuẩn bị và chuyển đổi sản xuất tương ứng.

Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, việc xanh hóa trong sản xuất đã không còn là việc muốn hay không, mà đến nay đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Việc dần thích ứng của doanh nghiệp Việt sẽ giúp xuất khẩu hàng hóa bền vững.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, EU là thị trường xuất khẩu lớn hàng dệt may của Việt Nam. Song, dệt may cũng là ngành hàng có thể bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận Xanh EU. Theo đó, kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn sẽ yêu cầu các sản phẩm dệt may phải được sản xuất bằng các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt. Vì vậy, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đón đầu làn sóng chuyển đổi xanh, điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh, đồng thời tiến xa hơn trên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thách thức là vậy, nhưng nếu tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn xanh hóa trong ngành sản xuất sẽ giúp việc chuyển đổi sang sản xuất xanh được thực hiện một cách chủ động, đồng bộ và toàn diện.

Đây chính là cơ hội lớn cho doanh nghiệp và cũng là cách thức tốt nhất để doanh nghiệp có thể đi trước một bước, tiếp cận sớm thị trường các sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU với tệp khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang gia tăng mạnh mẽ của khu vực này. Đồng thời, thích ứng sớm với các yêu cầu xanh ở EU cũng mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp đi các thị trường phát triển khác như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia…