Ngành dệt may chờ hồi phục

Ngành dệt may vừa trải qua một năm khó khăn khi tăng trưởng âm tới 9%, tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng, thị trường đã có dấu hiệu phục hồi. Song, cần thực thi nhiệm vụ mới khi việc chuyển đổi sang sản xuất xanh không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, là mệnh lệnh của thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Phân xưởng may xuất khẩu Công ty May Đức Giang. Ảnh: NAM ANH
Phân xưởng may xuất khẩu Công ty May Đức Giang. Ảnh: NAM ANH

Một năm nhiều áp lực

Năm 2023, xuất khẩu dệt may đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhấn mạnh, ngành dệt may trải qua một năm quá nhiều bất lợi.

Báo cáo về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - đơn vị chiếm thị phần chính trong ngành dệt may, thể hiện rõ “một năm chưa từng có trong tiền lệ” ngành dệt may.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, nếu không tính năm 2020 đại dịch Covid-19 khiến cho toàn thế giới “đóng cửa” thì năm 2023 là năm đầu tiên kể từ khi ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, kim ngạch xuất khẩu giảm gần 10%.

Năm 2023, Vinatex có doanh thu hợp nhất ước đạt 17.225 tỷ đồng, đạt 104,4% so với kế hoạch (tăng 4,4%), lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỷ đồng (đạt 101,9% so với kế hoạch). Đây là mức thấp so với tăng trưởng hai con số những năm trước đây.

Ông Cao Hữu Hiếu cho biết, năm 2023, đơn vị đã chuẩn bị các kịch bản, tuy nhiên, tất cả đều bị đảo ngược, bởi lẽ, doanh nghiệp chịu áp lực lớn từ cạnh tranh giá và tổng cầu giảm…

“Tập đoàn đã dự báo sát diễn biến thị trường, đưa ra những kịch bản nhưng không nghĩ rằng kịch bản xấu nhất đã diễn ra, dù chúng tôi đã có nhiều biện pháp”, ông Hiếu nói.

Năm 2023, tổng cầu dệt may suy giảm, giá đặt hàng sản xuất có xu thế giảm mạnh, bình quân giảm hơn 30%, cá biệt có mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%. Các quốc gia tập trung cạnh tranh về giá để lấy được đơn hàng.

Các yếu tố vĩ mô như tỷ giá, lãi suất, lương tối thiểu tác động lớn đến sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Chi phí tiền lương nhân công chiếm tỷ trọng trên 55% giá thành và lãi suất tại Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2023, cao hơn trung bình các quốc gia cạnh tranh khoảng 3% là những yếu tố bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cạnh tranh về giá với các đối thủ ở tốp đầu như Bangladesh, Ấn Độ, dù năng suất và chất lượng của doanh nghiệp nước ta có thể cao hơn bình quân 10-15%.

Trước những khó khăn đó, Vinatex cho biết, đã chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ chân được 62.000 lao động với thu nhập bình quân của người lao động ước đạt 9,45 triệu đồng/người/tháng (đạt 96% so với năm 2022) nhưng số giờ làm giảm xuống 15%. Mức thu nhập này cao hơn 11% so với mức lương bình quân người lao động cả nước nhận được năm 2023 (khoảng 8,5 triệu đồng/người).

Thị trường sẽ phục hồi trong năm 2024

Dù vậy, lãnh đạo Vinatex cho rằng, các dự báo đều cho thấy những hy vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện, nhất là tại thị trường Mỹ với tín hiệu có thể có ba đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%. Đây là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại.

Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là một thuận lợi cho các đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam.

Mục tiêu xuất khẩu ngành này năm 2024 là 44 tỷ USD, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, ngành dệt may Việt Nam nhìn chung vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi, với sự suy giảm về giá trị xuất khẩu thu hẹp dần trong nửa cuối năm 2023, hướng đến một năm 2024 cùng hy vọng phục hồi, với dự báo về sự “ấm dần” của thị trường, bởi lẽ “chưa năm nào dệt may xuất khẩu vào nhiều thị trường như vậy, với 104 thị trường”.

Tương tự, ông Phạm Xuân Hồng (Chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP Hồ Chí Minh) cũng kỳ vọng sự phục hồi của thị trường sẽ bắt đầu trong năm nay. “Theo quy luật, sau thời gian giảm chi tiêu, các thị trường sẽ dần phục hồi, người dân sẽ có nhu cầu mua sắm trở lại. Đây là cơ hội để doanh nghiệp dệt may tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu, ngành dệt may cũng tăng trưởng”, ông Hồng phân tích.

Thực tế, Công ty May 10 cho biết, đã có những đơn hàng cho quý I/2024. Công ty này đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 4.500 tỷ đồng, vượt 6,6% so với năm 2023. Công ty CP Dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công cũng đạt khoảng 90% kế hoạch cho quý I. Còn Công ty CP Sợi Phú Bài đã có đủ đơn hàng hết tháng 1/2024 để chạy đủ công suất của ba nhà máy…

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp nhận định, năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sẽ đặt hy vọng vào hai thị trường là Mỹ, Trung Quốc. Việc thúc đẩy hợp tác với Mỹ thời gian qua đã giúp cánh cửa vào thị trường này của hàng hóa Việt Nam mở rộng hơn. Do đó, doanh nghiệp cần tập trung tận dụng nhưng ưu thế để khai thác hai thị trường nêu trên và tìm kiếm ở các thị trường ngách. Song, ông lưu ý cần chú trọng sản xuất xanh.

Bước sang năm 2024, nhiều chuyên gia nhận định, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng lên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước…

Nhìn vào những thay đổi của thị trường, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, là mệnh lệnh của thị trường.

“Xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… yêu cầu ở các nhà cung cấp”, đại diện Tổng cục Thống kê nói và cho hay, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại phải vượt qua bài toán này. Ngoài ra, vấn đề hàng tồn kho tại nhiều quốc gia cũng đang dần được khắc phục, mang đến tín hiệu tích cực cho năm 2024. Theo Tổng cục Thống kê, xuất, nhập khẩu năm nay có nhiều cơ hội để phục hồi và tăng trưởng, tuy nhiên phụ thuộc vào việc nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…