Đổi mới ở các tiệm tạp hóa truyền thống

Bài trí hàng hóa hoành tráng, đẹp mắt không kém gì kênh phân phối hiện đại; từng mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ cụ thể, niêm yết giá rõ ràng để người mua dễ dàng lựa chọn, chính là cách đổi mới của nhiều tiệm tạp hóa truyền thống hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Tiệm tạp hóa Huyền Anh (Quận 12) hiện đại, chỉn chu và luôn đông khách.
Tiệm tạp hóa Huyền Anh (Quận 12) hiện đại, chỉn chu và luôn đông khách.

Trong tháng 9, nhất là dịp nghỉ lễ 2/9, tiệm tạp hóa Huyền Anh nằm trong chung cư Hưng Ngân (đường Dương Thị Mười, phường Tân Hưng Thuận, Quận 12) tấp nập, nhộn nhịp hơn hẳn do lượng khách liên tục đến mua hàng.

Cầm chiếc giỏ hàng được đặt sẵn ngay trước cửa, chị Thanh Tâm (26 tuổi) mua nào bún, nào thịt heo, cà chua, rau sống, và không quên chọn thêm bịch bánh cho con gái. Tại quầy thanh toán, các món hàng chị Tâm lựa chọn đều được xuất hóa đơn đầy đủ.

"Mua hàng ở tiệm tạp hóa nhưng hiện đại không kém gì ở siêu thị, hàng hóa đều được cân điện tử chính xác, hóa đơn mua hàng rõ ràng chứ không tính tiền bằng miệng; từng món hàng còn được giảm giá cho nên tôi rất hài lòng", chị Tâm nói.

Chủ tiệm tạp hóa Huyền Anh Ðặng Thị Oanh chia sẻ: Do có con nhỏ cho nên chị tận dụng căn hộ chung cư của mình để mở tiệm tạp hóa, vừa có việc làm lại kết hợp trông con. Với diện tích rộng 70 m2 được lắp máy lạnh mát rượi, tạp hóa Huyền Anh có hơn 1.000 mặt hàng thuộc nhiều nhóm như thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm… và đều được bố trí trên từng quầy, kệ riêng biệt.

"Lúc đầu tôi làm cửa hàng nhỏ, chủ yếu bán mì gói, nước tương, bánh kẹo…, nhưng sau đó, tôi thấy rằng cần phải làm bài bản hơn. Thực phẩm phải có nguồn gốc, niêm yết giá cả rõ ràng; đồng thời, có thêm các chương trình khuyến mãi đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. Vì vậy, tôi đã liên hệ với nhiều đầu mối để có nguồn hàng chất lượng, giá cả phải chăng. Tuy bán tạp hóa truyền thống nhưng theo cách hiện đại, khách hàng rất ủng hộ và tiệm bán rất đông khách; đặc biệt, trong những ngày lễ, Tết", chị Oanh vui vẻ nói.

Hình ảnh về những tiệm tạp hóa chật chội, hàng hóa bày lộn xộn, treo móc khắp nơi, người bán cũng không có cử chỉ đon đả… gần như đã không còn tồn tại trong giai đoạn hiện nay, bà Võ Thị Thu (ngụ Quận 10) có hơn 10 năm kinh doanh tiệm tạp hóa nhìn nhận.

Tại tiệm tạp hóa của bà Thu, hàng hóa không chỉ bày biện ngăn nắp, khoa học, có khu riêng biệt dành cho hàng tươi sống và hàng chế biến, mà bà còn nắm bắt tâm lý, thói quen của khách hàng để phục vụ tốt hơn.

"Với khách quen, chỉ cần họ đến trước cửa tiệm là tôi biết họ muốn mua gì. Khách chỉ cần nói về món hàng, tôi sẽ lấy đúng và mang đến tận nơi. Khách mua hàng ở tiệm tạp hóa hầu hết đều là người dân ở chung quanh, vì vậy, tôi còn bán thiếu nếu họ quên mang hoặc mang thiếu tiền; tặng thêm nhánh hành, trái ớt; mang hàng đến tận nhà…, đó là những điều mà các cửa hàng tiện lợi, siêu thị không thể có được", bà Thu khẳng định.

Dạo qua nhiều tiệm tạp hóa trên địa bàn thành phố, nhiều chủ tiệm đã đầu tư máy tính, phần mềm để quản lý hàng hóa, thanh toán không tiền mặt khi khách có yêu cầu. Chị Mai Thanh (48 tuổi) chủ tiệm tạp hóa ở đường Bà Hom (quận Bình Tân) cho biết: Nhờ đầu tư bài bản mỗi sản phẩm bán ra, chị đều nắm rõ giá, thời điểm bán, số lượng bao nhiêu. Cuối ngày, chỉ cần một cú nhấp chuột, toàn bộ số liệu thống kê trong ngày, trong tuần, trong tháng… đều hiện ra. Ngoài ra, chị còn nắm được hàng nào bán chạy, hàng nào bán chậm để lên kế hoạch nhập hàng.

"Ngoài hàng hóa chất lượng, tôi còn nhắc nhân viên phải tư vấn tận tình, niềm nở với khách", chị Thanh chia sẻ.

Với cách phục vụ chu đáo, chị Thanh tin rằng các cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn có thể cạnh tranh về giá cũng như cách phục vụ với những cửa hàng tiện lợi hiện đại hoặc các siêu thị lớn.

Nắm bắt những thế mạnh của tiệm tạp hóa truyền thống trong khu dân cư, hiện nay nhiều siêu thị lớn đã "bắt tay" với mô hình tạp hóa, cải tiến để tiểu thương kinh doanh một cách hệ thống hơn.

Cụ thể, MM Mega Market Việt Nam triển khai mô hình Giá tốt, nhằm giúp các chủ cửa hàng tạp hóa truyền thống muốn xây dựng cửa hàng mới hoặc chuyển đổi từ mô hình tạp hóa truyền thống sang mô hình bán lẻ hiện đại. Siêu thị này còn giúp chủ tiệm tạp hóa tiếp cận chuỗi cung ứng chuyên nghiệp về thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, được bảo đảm nguồn gốc từ các nhà cung cấp lớn hoặc được thu mua trực tiếp từ nông dân, các vùng nguyên liệu lớn trên cả nước.

Saigon Co.op cũng là đơn vị tiên phong nâng cấp cửa hàng tạp hóa truyền thống thông qua việc mở cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.op Smile. Những cửa hàng này có diện tích kinh doanh từ 20-200 m2, chủ yếu nằm ở các khu dân cư, trường đại học... Hàng hóa đa dạng từ hàng thiết yếu đến thực phẩm tươi sống.

Tập đoàn Aeon Việt Nam cho ra mắt mô hình trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị tinh gọn nằm trong trung tâm thương mại Crescent Mall. Hay Công ty cổ phần One Distribution thuộc Tập đoàn One Mount Group ra mắt ứng dụng VinShop. Theo đó, các chủ tiệm tạp hóa chỉ cần đặt hàng thông qua ứng dụng này, sẽ được giao hàng tận nơi với giá ưu đãi…

Chuyên gia thị trường Nguyễn Anh Dũng cho rằng: Nhiều nhà sản xuất hiện nay có xu hướng quay lại với kênh phân phối truyền thống như chợ, tiệm tạp hóa chứ không nhất thiết phải đưa hàng vào siêu thị.

"Tiệm tạp hóa vừa có khả năng bán sỉ và bán lẻ; vì vậy, nhà sản xuất muốn đầu tư nhiều hơn cho phân khúc này. Thực tế cho thấy, kênh siêu thị và đại siêu thị đang dần mất thị phần nhường chỗ cho các kênh tiện lợi, siêu thị nhỏ và các chuỗi bán hàng chuyên biệt", ông Dũng nhìn nhận.

Chuyên gia Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Nguyễn Văn Phượng nói rằng: Kết quả khảo sát của hội mới đây cho thấy, có tới 70% số người tiêu dùng chọn mua hàng tại tiệm tạp hóa, do sự hấp dẫn về giá, nhất là sự thuận tiện hay sự thân thiện của người bán. Nhiều tiệm tạp hóa hiện còn ứng dụng phương thức mới, kết hợp giữa trực tiếp, trực tuyến và chăm sóc khách hàng rất chuyên nghiệp. Do vậy, mô hình nâng cấp, chuyển đổi cửa hàng tạp hóa truyền thống trở thành hiện đại sẽ chiếm ưu thế hơn so với siêu thị, đại siêu thị.

Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Nguyên Phương đánh giá cao mô hình kinh doanh theo hướng hiện đại này do nguồn hàng tập trung, dễ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; đồng thời, khách hàng cũng có nhiều cơ hội mua hàng giá khuyến mãi, ưu đãi…

"Ðối với kênh bán lẻ truyền thống như các cửa hàng tạp hóa trước giờ kinh doanh theo cách cũ, với việc bắt tay của các doanh nghiệp bán lẻ lớn nâng cấp cửa hàng tạp hóa truyền thống thành cửa hàng hiện đại hoạt động rất hiệu quả, mô hình này rất đáng nhân rộng", ông Phương nói.

Mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Dũng đã khảo sát, tham quan một số tiệm tạp hóa truyền thống theo hướng hiện đại trên địa bàn thành phố. Ông Dũng đề nghị nên triển khai rộng rãi mô hình kinh doanh này và có thêm sự "đỡ đầu" từ nhiều hệ thống bán lẻ hiện đại.