Theo dự thảo nghị quyết, mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt có thể được nâng lên ngưỡng từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng/tháng; mức khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực trí tuệ từ 1% đến 5% tổng giá trị ngân sách đầu tư cho công trình khoa học, sản phẩm trí tuệ, thấp nhất 50 triệu đồng/người và cao nhất một tỷ đồng/người.
Lĩnh vực, phạm vi thu hút người tài cũng được mở rộng cho các quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Thành phố cũng sẽ có cơ chế đãi ngộ cho cá nhân đã có sẵn các sản phẩm, công trình phù hợp với nhu cầu của thành phố.
Đối với công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao, thành phố sẽ kế thừa và phát triển các chính sách theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời, mở rộng phạm vi, đối tượng thu hút là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có năng lực đặc biệt, nổi trội, có nhiều thành tích, đóng góp lớn cho hệ thống chính trị…
Việc sớm xem xét ban hành hai chính sách nói trên là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh thành phố đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội khóa XV về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố và Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo các chuyên gia, việc tuyển chọn người tài nên giao cho đơn vị thụ hưởng thực hiện và chịu trách nhiệm để người được tuyển phù hợp hơn với nhu cầu. Chính sách trọng dụng người tài cần bảo đảm yếu tố lâu dài, bền vững, xuyên suốt, để người tài thấy được cơ hội phát triển, yên tâm về tương lai và cống hiến tài năng.
Các chính sách, chế độ quản lý, đánh giá hiệu quả công việc, mức đãi ngộ cần minh bạch, rõ ràng, sòng phẳng hơn để tránh tình trạng so bì, thiếu hợp tác giữa những người bình thường và người tài, nguy cơ suy giảm động lực làm việc.
Để thu hút được nhiều sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ, cần mở rộng tiêu chí tuyển chọn so với quy định của Nghị định số 140/2017/NĐ-CP; đề cao năng lực công vụ và áp dụng chính sách đãi ngộ theo hiệu quả công việc. Thực tế cho thấy, dù chưa đáp ứng hết các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định nhưng không ít cán bộ, công chức, viên chức có nhiều thành tích học tập, lao động xuất sắc, có nhiều cống hiến, có nhiều sản phẩm, công trình thật sự có giá trị cao, mang lại lợi ích to lớn cho thành phố.
Việc mở rộng đối tượng và đa dạng hóa tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng sẽ giúp tăng số lượng nhân sự được tuyển dụng, vừa thu hút được nguồn lực chất xám thật sự có giá trị vào làm việc trong hệ thống chính trị.