Năm nay, sân khấu Sen Việt của đạo diễn Nguyên Đạt tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt vào tối 4/9, có sự tham gia của NSƯT Phượng Hằng, các nghệ sĩ Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Bình Tinh, Hoàng Quốc Thanh, Thái Vinh, Lệ Trinh... với trích đoạn từ các vở diễn. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức đêm tôn vinh và tri ân Tổ nghiệp vào tối 6/9 tại sảnh nhà hát, với nhiều trích đoạn, ca cảnh cải lương: “Lụy tình vương nữ”, “Khúc hát tri ân”, “Tằm vương tơ”, “Bay lên những ước mơ”, “Ngày thiêng liêng”,... do các nghệ sĩ được yêu thích như: NSƯT Lê Tứ, NSƯT Mỹ Hằng, NSƯT Tâm Tâm, NSƯT Lam Tuyền, NSƯT Lê Hồng Thắm, các nghệ sĩ Hoàng Hải, Võ Hoài Long... biểu diễn. Tại Nhà hát nghệ thuật Hát bội, sân khấu Idecaf, Hồng Vân, sân khấu nhỏ 5B... cũng đồng loạt tổ chức lễ giỗ Tổ với sự tham dự của đông đảo nghệ sĩ và khán giả mộ điệu.
Có thể nói, sau một năm đại dịch Covid-19 hoành hành, hoạt động sân khấu thành phố đã sôi động trở lại. Nhiều chương trình, vở mới được các nhà hát dàn dựng, biểu diễn phần nào gây dấu ấn trong lòng khán giả. Các chương trình tìm kiếm tài năng sân khấu đã bắt đầu khởi động, hứa hẹn nhiều yếu tố hấp dẫn từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, bức tranh sân khấu thành phố vẫn còn nhiều mảng trầm sau đại dịch Covid-19. Một số sân khấu xã hội hóa đã dừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng. Có sân khấu không còn biểu diễn hằng tuần mà thay đổi lịch diễn theo mùa. Một số sân khấu tập trung vào công tác đào tạo diễn viên trẻ, xây dựng lực lượng kế cận hơn là cho ra những vở mới.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sân khấu xã hội hóa nói riêng và sân khấu thành phố nói chung đang mất dần sức hút đối với khán giả. Theo nhận định của một bầu sô có tiếng, sân khấu thành phố đang ngày càng thưa khán giả là do thiếu kịch bản hay. Tình trạng thiếu kịch bản chất lượng là bài toán chưa có lời giải dù đã có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo phân tích về vấn đề này. Nhiều nơi phải dựng lại những kịch bản cũ để vở diễn bảo đảm chất lượng, thu hút khán giả. Ngoài ra, các vở diễn vẫn dàn dựng theo lối cũ, ít đổi mới để phù hợp nhu cầu khán giả hiện nay. Sự bùng nổ các chương trình giải trí trên truyền hình, các bộ phim chiếu trên internet (web drama) cũng khiến cho sân khấu mất dần khán giả...
Dù sân khấu thành phố đang rơi vào cảnh khó khăn, nhưng với những người làm nghề chân chính, niềm đam mê với nghệ thuật này vẫn rất mãnh liệt. Nhiều nghệ sĩ luôn tìm tòi, sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm có giá trị, vừa lôi kéo được khán giả. Có sân khấu tạm dừng hoạt động, đồng thời cũng có những nghệ sĩ vẫn “sống chết” với nghề đang rục rịch cho ra đời sân khấu mới. Sân khấu thành phố vì thế vẫn đang tự đổi mới để tiếp tục tồn tại, sáng đèn, luôn là “đặc sản” trong thưởng thức nghệ thuật của người dân và du khách khi đặt chân đến thành phố này.