Doanh nghiệp ngành thủy sản bứt phá xuất khẩu

Những khó khăn về thiếu nguyên liệu, cước vận tải (logistics) tăng; rồi xung đột, bất ổn về địa chính trị trên thế giới… gần như không làm khó được doanh nghiệp ngành thủy, hải sản nước ta đang bứt tốc tăng trưởng sau thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp ngành thủy, hải sản giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm quốc tế Thủy sản Việt Nam 2022.
Các doanh nghiệp ngành thủy, hải sản giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm quốc tế Thủy sản Việt Nam 2022.

Tại triển lãm quốc tế Thủy sản Việt Nam 2022 (Vietfish 2022) do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 24 đến 26/8 vừa qua, không ít doanh nghiệp hứng khởi khi kết nối được với nhiều đối tác, rộng cửa đưa sản phẩm xuất khẩu sang các nước.

Giới thiệu sản phẩm mắm tôm chà, đặc sản của Gò Công (Tiền Giang) đến khách tham quan, cô chủ trẻ Lê Ngọc Thảo thổ lộ kỳ vọng sớm đưa đặc sản quê mình ra thế giới. “Sau thời gian dịch bệnh, tôi tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm lên men của mình nhiều hơn, không chỉ đạt các chứng nhận trong nước mà còn đầu tư nhà xưởng, quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn nước ngoài nhằm hướng đến xuất khẩu. Mấy hôm nay, tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều khách hàng, doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu tìm kiếm sản phẩm mới tại Vietfish 2022. Họ khá ấn tượng với sản phẩm của tôi và hy vọng sẽ có nhiều tín hiệu vui sau triển lãm”, chị Thảo cho biết.

Chuyên xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ, có kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 triệu USD mỗi năm, Công ty cổ phần Xuất, nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX) đã chào giá một số đối tác mới tham quan tại gian hàng.

Phó Trưởng phòng bán hàng CASEAMEX, Võ Anh Hào phấn khởi cho hay: “Năm nay rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến thủy, hải sản Việt Nam. Công ty có sản phẩm trưng bày và cũng chào giá, khách muốn đến xem nhà máy, vùng nuôi… Nếu mọi chuyện thuận lợi, chúng tôi có thêm đơn hàng xuất khẩu với đối tác mới”.

Là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Trương Thị Lệ Khanh vui mừng cho biết, năm nay là năm thắng lợi nhất của Vĩnh Hoàn. Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng các hoạt động sản xuất, xuất khẩu, mở rộng nhà máy sản xuất... của công ty đều rất tốt, xuất khẩu tăng trưởng tại nhiều thị trường. Chỉ tính riêng trong tháng 7/2022, tổng doanh thu được 1.198 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng gần 13% so với tháng 6. Tất cả các thị trường xuất khẩu của Vĩnh Hoàn đều ghi nhận tăng trưởng; trong đó, mức tăng trưởng tại các thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và trong nước lần lượt là 32%, 19%, 60% và 41%...

Theo VASEP, lần đầu sau 20 năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản bảy tháng đạt kỷ lục 6,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy) với giá trị 8,9 tỷ USD trong năm 2021. Dự báo năm nay xuất khẩu thủy sản sẽ vượt mốc hơn 10 tỷ USD, tăng hơn 12% so với năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra và tôm chiếm 65% và sản phẩm hải sản khai thác từ biển chiếm 35% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng chịu tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, lạm phát tăng cao, sức mua giảm. Bên cạnh đó, hàng thủy sản đang giảm sức cạnh tranh do giá thành phẩm tăng theo chi phí đầu vào, nhất là giá thức ăn nuôi thủy sản.

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết thêm, sự phục hồi nhanh chóng của các thị trường nhập khẩu sau đại dịch Covid-19 cùng với biến động về nguồn cung cá thịt trắng từ Nga đã và đang mở đường cho ngành thủy sản Việt Nam tăng tốc phục hồi và chiếm được nhiều lợi thế trong những quý đầu năm 2022. Để tiếp tục gia tăng ưu thế cạnh tranh và phát huy những thuận lợi có được, thách thức lớn nhất cho ngành thủy sản Việt Nam là thiết lập được hệ cân bằng mới. Đó là cân bằng giữa khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường trọng điểm; cân bằng giữa sản lượng và chất lượng theo các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe trên thế giới.

Giám đốc truyền thông VASEP Lê Hằng cho rằng, sau hai năm diễn ra đại dịch Covid-19, một số xu hướng mới trong tiêu thụ thủy sản của thế giới đã được định hình, tác động tích cực đối với ngành thủy sản Việt Nam như mua bán trực tuyến, thúc đẩy bán lẻ. Lao động chế biến thủy sản có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác, đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng hoạt động gia công, chế biến. Bên cạnh đó, thương mại hai chiều giữa các nước thành viên của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương gia tăng giúp Việt Nam tận dụng được hiệu quả thuế quan ưu đãi.

Chia sẻ về ngành tôm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực nhìn nhận, ngành tôm cần tiếp tục phát huy lợi thế chế biến sâu ở một số phân khúc thị trường phù hợp, duy trì vị thế hàng đầu ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Australia; cố gắng tăng thị phần ở châu Âu và từng bước nâng cao sản lượng. Với Trung Quốc, là thị trường tiêu thụ khổng lồ nhưng rất khó để cạnh tranh ở phân khúc chế biến với các nhà chế biến nội địa ở đây, do đó cần tập trung duy trì thị phần tôm sơ chế.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân lưu ý, doanh nghiệp cần thích ứng linh hoạt để tranh thủ cơ hội thị trường hoặc điều chỉnh giá bán, mua phù hợp, đáp ứng sản xuất trong nước. Mục tiêu là nhà nhập khẩu bán được hàng để doanh nghiệp trong nước duy trì đà xuất khẩu trong năm 2022 và những năm tiếp theo...