Doanh nghiệp lương thực, thực phẩm trên đà hồi phục

Các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh đang trên đà khôi phục mạnh sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Hiện, tất cả đã trở lại sản xuất an toàn, đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch với 80 - 100% công suất.

Các đại biểu tham quan Triển lãm sản phẩm ngành lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh năm 2021.
Các đại biểu tham quan Triển lãm sản phẩm ngành lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh năm 2021.

Để giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) vừa phối hợp Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) tổ chức Tuần lễ “Triển lãm sản phẩm ngành lương thực, thực phẩm” năm 2021.

Chương trình quy tụ gần 85 doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm tiêu biểu của thành phố với 716 mặt hàng, 4.700 sản phẩm tham gia trưng bày tại triển lãm. Các sản phẩm đến với sự kiện đều có mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh, bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh các thương hiệu lớn, có uy tín trong ngành, ban tổ chức cũng thiết kế khu trưng bày dành riêng cho nhóm sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhỏ và siêu nhỏ để hỗ trợ kết nối với đại diện các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại và xuất khẩu.

Phó Giám đốc ITPC Nguyễn Tuấn cho biết: Ngành lương thực, thực phẩm được thành phố xác định là một trong bốn ngành trọng điểm, chiếm 13,78% giá trị sản xuất và đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp của thành phố. Hiện, phần lớn doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm có thương hiệu, uy tín của Việt Nam chủ yếu tập trung tại TP Hồ Chí Minh, và số lượng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này cũng tăng trưởng khá nhanh, bình quân 13,7%/năm trong 5 năm qua. Sau những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều đơn hàng bị hủy hoặc nhà mua hàng chuyển qua đặt hàng ở quốc gia khác dẫn đến tắc cả đầu vào lẫn đầu ra, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm gặp nhiều khó khăn.

Việc tổ chức Tuần lễ “Triển lãm sản phẩm ngành lương thực, thực phẩm” là để đồng hành cùng doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, khởi động lấy đà phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cụ thể hóa những chủ trương, chính sách trong “Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030” do UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành.

Theo các doanh nghiệp, ngành lương thực, thực phẩm, đứng trước những khó khăn hiện nay, việc khởi động lại các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp là hoạt động có ý nghĩa trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp có thêm cơ hội trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, thiết lập quan hệ, tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời kỳ vọng, thông qua các hoạt động kết nối trực tiếp sẽ mở ra nhiều cơ hội giúp doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu thương hiệu, qua đó đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thêm đối tác, thị trường, giúp doanh nghiệp nhanh phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Chủ tịch FFA Lý Kim Chi cho rằng: Tất cả doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm đã trở lại sản xuất an toàn với 80 - 100% công suất.

Thậm chí, thời điểm này các doanh nghiệp còn tăng công suất, tăng ca để tăng lượng hàng hóa, ổn định giá cả, bảo đảm cung cấp hàng hóa đầy đủ, nhất là chuẩn bị dự trữ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Thuận lợi của các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm trong bối cảnh sản xuất trở lại, phục hồi kinh doanh sau tác động nặng nề của dịch Covid-19 là nắm giữ lợi thế của ngành sản xuất hàng hóa thiết yếu cho nên bảo đảm được lực lượng lao động. Hầu hết doanh nghiệp đều được tạo điều kiện duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm giãn cách khắt khe nhất. Vì vậy, khi sản xuất trở lại, tình trạng thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm không nghiêm trọng như các lĩnh vực khác.

Cũng theo bà Kim Chi, thời gian tới, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn, nhất là nguồn vốn sản xuất. Sau các đợt dịch Covid-19 vừa qua, hầu hết doanh nghiệp đều hụt nguồn vốn tái sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm. Nguồn vốn dự trữ của các doanh nghiệp trước đó đã phải chi cho các chi phí phát sinh trong thời gian dài duy trì sản xuất, bảo đảm các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho thành phố trong thời điểm giãn cách cho nên rất cần vay ngân hàng.

 Tuy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng thực tế, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ về vốn, tín dụng còn thấp. Rào cản lớn nhất để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay là không đủ điều kiện về tài sản thế chấp theo tiêu chuẩn tín dụng bình thường của ngân hàng để vay vốn trong thời điểm thị trường, sản xuất khó khăn hiện nay.

KHÁNH TRÌNH