Nhiều năm qua, Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (G.C Food) đã liên kết với nhiều nông dân ở tỉnh Bình Thuận trồng nha đam. Trên vùng đất cát quanh năm nắng gió, bà Trương Thị Phượng (thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận) không giấu được niềm vui khi nha đam xanh mướt, bẹ mập ú chuẩn bị thu hoạch.
Mấy năm nay, bà Phượng không còn chạy đôn chạy đáo tìm thương lái lo đầu ra bởi đã được G.C Food ký hợp đồng lâu dài. "Trước đây cây nha đam sau khi thu hoạch phụ thuộc vào giá bán trôi nổi trên thị trường, thương lái ép giá… nhưng từ khi tham gia mô hình liên kết, chúng tôi không còn lo chuyện "được mùa, mất giá", chỉ yên tâm trồng trọt sao cho nha đam đạt chất lượng tốt nhất, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của đơn vị thu mua"-bà Phượng cho biết.
Bà Phượng có 5.000m2 trồng nha đam. Giá thu mua nha đam trung bình hơn 2.000 đồng/kg, mỗi sào (1.000m2) thu hoạch bốn tấn lá. Người trồng đạt doanh thu tám triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, nông dân thu lời hơn bốn đến năm triệu đồng/tháng. Thấy hiệu quả kinh tế, bà còn đứng ra tổ chức cho các hộ chung quanh trồng cây nha đam để cung cấp cho nhà máy. Tổng diện tích trong tổ liên kết của bà Phượng hiện có hơn 8ha, mỗi tháng thu hoạch từ 250-300 tấn lá.
Theo Tổng Giám đốc G.C Food Nguyễn Văn Thứ, để thuyết phục nông dân Ninh Thuận liên kết trồng nha đam, ngoài cam kết đầu ra sản phẩm, giá cả thu mua…, ông còn thường xuyên đưa chuyên gia đến hướng dẫn người dân trồng cây theo quy trình mới, ít bón phân và không phun thuốc, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt năng suất cao. "Nhà máy có nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất, nông dân không lo đầu ra, đời sống ổn định", ông Thứ cho biết.
Tính đến nay, G.C Food có vùng nguyên liệu rộng 130ha và liên kết với 200 nông dân ở Ninh Thuận. Nhờ đó, nhà máy chế biến nha đam của G.C Food luôn chạy hết công suất 35.000 tấn/năm, bán trực tiếp ra thị trường và cung cấp nguyên liệu cho nhiều công ty sản xuất hóa mỹ phẩm, xuất khẩu tinh chất nha đam đi 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ…
Giới thiệu tương ớt lên men ngay trong thời gian dịch Covid-19, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare Nguyễn Thanh Hiền (huyện Bình Chánh) cho biết: "Nhà tôi ba đời làm nông cho nên rất thấu hiểu nỗi khổ của nông dân. Nếu khâu chế biến không phát triển, không sâu thì giá nông sản vẫn thấp, đời sống nông dân vẫn khó khăn và "bài ca" giải cứu nông sản vẫn cứ hát mãi". Không chỉ đầu tư máy móc, dây chuyền hiện đại để chế biến tương ớt bằng phương pháp lên men, ông Hiền còn tham gia các hội chợ trong nước và nước ngoài, gửi thư đến 100 thương vụ nước ngoài để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Hiện tại, tương ớt lên men Chilica đã có mặt ở châu Âu, Hàn Quốc, sàn thương mại điện tử Amazon… "Thử nghĩ, một tấn ớt tươi chỉ sản xuất được 1,45 tấn tương ớt lên men, nếu Chilica chiếm 10-15% thị phần thì lượng ớt được tiêu thụ không cần giải cứu nữa. Giá tương ớt lên men Chilica đang bán 150.000 đồng/kg, giá ớt mua vào chưa khi nào dưới 25.000 đồng/kg. Nông dân được lợi. Ðây là giải pháp ổn định, căn bản cho đầu ra", lãnh đạo Chilica khẳng định.
Nhiều năm liên kết với nông dân và đã đưa nhiều loại trái cây như dừa, bưởi, vú sữa, sầu riêng… xuất khẩu sang những thị trường khó tính, Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Ðình Tùng cho rằng: Ðể đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả thì mọi thứ phải liên kết chặt chẽ. Người nông dân hiểu rõ mảnh vườn như "đứa con" của mình, hợp với loại cây gì, trồng như thế nào.
Còn doanh nghiệp hiểu rõ thị trường đang cần cái gì để đầu tư. Việc liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã sẽ tạo ra xu hướng minh bạch và tạo ra giá trị san sẻ lợi nhuận để tiếp tục đầu tư, phát triển bền vững. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Ngô Tường Vy cho rằng: Ðể thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông sản bền vững đòi hỏi tất cả đơn vị tham gia chuỗi liên kết từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nông dân đều phải chủ động thay đổi, tích cực vào cuộc thì mới có thể thành công.
Trong đó, người nông dân cần bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để đạt các chứng nhận về sản xuất mà thị trường yêu cầu. Về phía doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần thận trọng trong lựa chọn sản phẩm, tập trung bảo đảm chất lượng từng lô hàng… Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, để đầu ra cho nông sản bền vững cần xây dựng các hợp tác xã mạnh, liên kết các doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ, nông dân với nông dân, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, thành các chuỗi giá trị hướng đến chuyển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp ■