Chiều cuối tuần giữa tháng 7, trong căn phòng trọ nhỏ sau cầu Bà Tiếng (đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân), chị La Thị Hoài (37 tuổi, quê Nghệ An) đã chuẩn bị sẵn bữa cơm nóng hổi chờ chồng đi làm thêm về. Làm công nhân Công ty TNHH Kyung Rhim Vina chuyên may mặc quần áo xuất khẩu được ba năm, chị Hoài nhớ lại: “Cả hai vợ chồng đều có bằng đại học Luật nhưng cuộc sống khó khăn nên quyết định “nam tiến” làm công nhân.
Đến thành phố năm 2019, đúng thời điểm dịch Covid-19 nên tìm việc rất khó. May mắn, tôi được công ty may tuyển dụng, chồng cũng có việc làm tại một công ty khác. Nhờ vậy, vợ chồng dần ổn định cuộc sống, công việc tại miền đất mới”. Theo chị Hoài, khi hai vợ chồng đang bế tắc, công ty nhận vào tạo công ăn việc làm nên bây giờ công ty gặp khó, hai anh chị cố gắng bám trụ bằng cách tìm việc làm thêm. Chồng chị nhận thêm chân bốc dỡ hàng cho một công ty giao nhận. Nhờ vậy, vợ chồng anh chị vẫn đủ chi phí nuôi ba con ăn học, thuê trọ và chi phí sinh hoạt hằng ngày. “Gần đây công ty tôi đã tăng ca thêm 1-2 giờ mỗi ngày, thu nhập cũng ổn định hơn. Chúng tôi luôn cố gắng đồng hành vượt khó cùng doanh nghiệp, hy vọng thời gian tới, mọi chuyện sẽ tươi sáng hơn”, nữ công nhân kỳ vọng.
Đưa công nhân đi khám sức khỏe miễn phí, Chủ tịch Công đoàn Công ty Top Royal Flash Việt Nam Lê Thị Ngọc Bích tâm sự: Dù gặp khó khăn khi thiếu đơn hàng xuất khẩu nhưng doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách giữ lao động. Công ty đã giảm lương của lãnh đạo, cán bộ công đoàn để bảo toàn các chế độ cho người lao động với mức lương trung bình từ 6-10 triệu đồng/tháng; tìm cách giảm bớt chi phí quản lý, hàng sản xuất ra phải đạt chất lượng và hạn chế chỉnh sửa… “Nhờ đó, công ty vẫn duy trì phúc lợi cho người lao động như hỗ trợ nhà trọ 200.000 đồng/tháng, xăng dầu 50.000 đồng/tháng… Thậm chí, chúng tôi còn nhận thêm những lao động thất nghiệp của doanh nghiệp khác như Công ty Tỷ Hùng xuất khẩu giày da về đào tạo, dạy nghề… Hiện đơn hàng đã ổn định tới hết năm 2023”, bà Bích khẳng định.
Chia sẻ tin vui khi năm tháng đầu năm đã đạt 200% kế hoạch đề ra trong năm 2023, điều này sẽ giúp 1.400 công nhân, người lao động tại công ty có công ăn việc làm ổn định, có chi phí, ổn định cuộc sống, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Qui Phúc Trần Thái Nguyên cho biết, đó là sự cố gắng không ngừng của cả tập thể từ lãnh đạo tới nhân viên. “Chúng tôi phải tìm hiểu kỹ thị trường, nhu cầu khách hàng từng quốc gia để làm hài lòng họ. Hiện, mỗi tháng Qui Phúc đưa ra thị trường trung bình từ 4-5 triệu sản phẩm; xuất khẩu đến 20 quốc gia, trong đó, chủ yếu là Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Lào… Trong khi đó công nhân, người lao động cũng không ngừng sáng tạo, làm việc ngày đêm để góp sức cùng công ty vượt khó”, ông Nguyên cho biết.
Để giữ chân lao động, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thành phố Trần Quang Thắng cho rằng: Doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất luân phiên; đặc biệt, công nhân có tay nghề cần có chính sách hỗ trợ để giữ chân; cơ quan quản lý nhà nước cần xem rõ những ngành nghề nào đang bị tác động, ngành nào có nhu cầu tuyển dụng để điều phối thị trường; đồng thời, cần đào tạo nghề, nâng cao trình độ để chuyển việc hiệu quả hơn.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Nguyễn Phước Hưng, để có thêm nhiều trợ lực cho doanh nghiệp, Hiệp hội đề xuất Chính phủ tháo gỡ bằng cách đánh giá giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường, tăng tỷ lệ bảo đảm của tài sản thế chấp, cho phép thế chấp tài sản đất thuê hằng năm, thí điểm cho vay tín chấp và tăng giá trị thế chấp bằng đất nông nghiệp. Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vay lãi suất thấp để trả lương cho người lao động, kích thích sức mua, kích thích thị trường. Đồng thời, kiến nghị UBND thành phố thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi suất 2% của Ngân hàng Nhà nước…
Nhằm tiếp thêm động lực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh cho biết: Hiện ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước đã chủ động giảm lãi suất cho vay đối với tất cả các khách hàng với mức giảm từ 0,5-1,5%; đồng thời, ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp. Đây là cách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, về thanh khoản, về vốn; qua đó giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ vay, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn.
“Về phía doanh nghiệp, cần hoạt động minh bạch, hệ thống sổ sách kế toán rõ ràng và tuân thủ quy định pháp luật, đổi mới hoạt động quản lý, quản trị doanh nghiệp. Tạo lập uy tín và thương hiệu không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn là yếu tố quan trọng để tiếp cận thuận lợi các sản phẩm dịch vụ tín dụng: cho vay tín chấp, cho vay không có tài sản bảo đảm… Doanh nghiệp cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng từ chính nỗ lực và trách nhiệm của chính mình”, ông Lệnh lưu ý.