Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện Đông Anh có 877 cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập đã được kiểm tra. Trong đó có 38 cơ sở bị xử lý vi phạm, 7 cơ sở bị đình chỉ hoạt động với tổng số tiền phạt trên 600 triệu đồng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, đến tháng 5/2024, tổng số cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập trên địa bàn là 431 cơ sở, trong đó hành nghề y ngoài công lập có 105 cơ sở; hành nghề dược ngoài công lập là 326 cơ sở.
Đa số các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn huyện đều thực hiện tốt các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược và các quy định của pháp luật liên quan; có cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ hành nghề trình độ cao. Từ năm 2021 đến nay, hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn huyện không xảy ra tai biến chuyên môn nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.
Xử lý nghiêm các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ vi phạm
Tuy nhiên, theo báo cáo của chính quyền địa phương, công tác quản lý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ, spa, chăm sóc sắc đẹp còn nhiều khó khăn do chưa có quy định cụ thể, hiện nay theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 96/2023/NĐ-CP cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, spa, chăm sóc sắc đẹp, phun xăm đã không còn là cơ sở dịch vụ y tế (trừ các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ).
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà yêu cầu huyện chú trọng tuyên truyền từng hộ kinh doanh, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp... thực hiện đúng quy định về hành nghề, cam kết không thực hiện quá phạm vi chuyên môn. Đồng thời, khuyến khích người dân chủ động phát hiện các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc hoạt động không phép, quá phạm vi chuyên môn, quảng cáo không phép thông báo kịp thời cho các cơ quan quản lý. Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn. Đặc biệt, huyện cần chỉ đạo rà soát các cơ sở đã bị thu hồi giấy phép, xem các cơ sở này có tái hoạt động dưới hình thức, tên gọi khác hay không.