Coi thường tính mạng người bệnh
Sáng 9-1-2019, ông N.V.C, sinh 1959, trú xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương đến phòng khám nha khoa Hoài Giang ở khối 9, thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương làm răng. Trong quá trình làm, ông C ngất xỉu và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương vào trưa cùng ngày. Ngay lập tức ông C được chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An và tử vong sau đó...
Trước thời điểm xảy ra sự cố nghiêm trọng này, phòng khám nha khoa trên đã bị đoàn kiểm tra Sở Y tế Nghệ An lập biên bản và yêu cầu huyện Thanh Chương đóng cửa do hoạt động không phép.
Được biết, sau hơn hai năm triển khai CT03, huyện Thanh Chương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nên từ 87 cơ sở hành nghề không phép nay giảm xuống còn 19 cơ sở. Nhưng Phó trưởng Phòng Y tế huyện Thanh Chương Nguyễn Văn Thìn thừa nhận: Các cơ sở không phép đã được huyện yêu cầu đóng cửa, giao cho xã giám sát nhưng họ vẫn lén lút hoạt động. Huyện thì không có lực lượng ứng trực 24/24 giờ được. Cấp xã thì do nể nang đã không làm quyết liệt. “Ở huyện cũng có cái khó khi quy định xử phạt quá cao. Nếu phạt mà không thu được thì mất uy lực, hiệu quả của xử phạt hành chính” (!?).
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương Trần Văn Hưng biện giải: “Chúng tôi cũng kiểm tra, nhắc nhở, động viên cố gắng hoàn thiện thủ tục. Cơ sở hứa là vài ba tháng nữa sẽ thuê được người, được bằng. Về quản lý nhà nước, cơ sở không đủ điều kiện thì đóng thôi, nhưng thực tế khó khăn khi cũng là con em lao động mình cả. Thực tế chung ở nhiều địa phương đều thế”.
Những biện giải của các ông Nguyễn Văn Thìn và Trần Văn Hưng cùng một số cơ quan chức năng khác ở Thanh Chương đã cho thấy việc thực hiện CT03 ở huyện miền núi này là chưa nghiêm nên chưa thể đạt được kết quả như mong muốn. Sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng vẫn đang diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau ở các cấp cơ sở. Và không riêng huyện Thanh Chương, tại nhiều địa phương khác trong tỉnh, công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập cũng chưa được thực hiện tốt. Đặc biệt như huyện Đô Lương, khi có đến 72 cơ sở hoạt động không phép, chiếm gần một nửa số cơ sở vi phạm của cả tỉnh, mặc dù trước đó (tháng 6-2018) chỉ còn 15 cơ sở hoạt động không phép.
Đừng “đánh trống bỏ dùi”
Thực tế sau hơn hai năm triển khai thực hiện CT03, các cơ sở hành nghề y, dược có phép ở Nghệ An được quản lý chặt chẽ, chấp hành các quy định về chuyên môn tốt hơn. Công tác thanh tra, kiểm tra về hành nghề y, dược được tăng cường. Việc xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm và kịp thời hơn, khi đoàn liên ngành các cấp đã tiến hành thanh, kiểm tra gần 2.000 lượt cơ sở hành nghề, xử phạt hơn 2,5 tỷ đồng và thu giữ nhiều sản phẩm mỹ phẩm và thuốc chữa bệnh liên quan. Tuy nhiên, theo dược sĩ Lê Hồng Lĩnh, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược (Sở Y tế Nghệ An): Sau hai năm thực hiện CT03, số cơ sở hành nghề không phép giảm từ 685 cơ sở xuống còn 165. Dù vậy, việc chấn chỉnh hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập này đã không đạt yêu cầu mà CT03 đã đề ra. Năm 2019, đoàn kiểm tra của Sở đã phát hiện 40 phòng khám răng hàm mặt không phép đang hoạt động tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Yên Thành, Kỳ Sơn, Thanh Chương, Tương Dương. Điều đáng nói, cả 40 cơ sở hành nghề không phép đều nằm ngoài danh sách hành nghề không phép do các huyện báo cáo. Chưa kể đến các cơ sở không phép ở quy mô nhỏ vẫn hoạt động tại gia đình không treo biển hiệu rất khó phát hiện, kiểm tra...
Cũng theo Sở Y tế Nghệ An, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do UBND cấp huyện chưa thực hiện nghiêm túc CT03 của tỉnh; không thường xuyên tiến hành hậu kiểm, dẫn đến một số cơ sở đã bị đình chỉ, sau đó tái hoạt động lại. Chính quyền các cấp chưa thể hiện rõ vai trò trách nhiệm, còn buông lỏng và chưa có các giải pháp thích hợp để giải quyết triệt để hành nghề không phép trên địa bàn. Việc xử phạt vi phạm hành chính không nghiêm, chưa quyết liệt. Một số huyện Thanh Chương, Con Cuông, Kỳ Sơn kiểm tra hành nghề không phép, nhưng không xử phạt hành chính, nên các cơ sở hành nghề không phép vẫn có đất hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long đánh giá: Mặc dù CT03 đã đi vào cuộc sống, các cấp, ngành đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhưng vẫn còn có nhiều cơ sở hoạt động không phép, vi phạm tạo nên sự bất ổn xã hội, mất khách quan và công bằng đối với đơn vị thực hiện nghiêm túc. Việc phát hiện cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập không phép, vi phạm là rất dễ. Vấn đề là lâu nay các cơ quan chức năng, địa phương có chịu xử lý hay không. Trong lúc đó, yêu cầu thực tế đặt ra là Nghệ An phải lành mạnh hóa hoạt động y, dược ngoài công lập; khuyến khích các cơ sở đủ điều kiện hoạt động tốt; phải thật sự trách nhiệm, cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm, không để tình trạng hành nghề không phép, không đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn...
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương, cơ sở hành nghề phải tiếp tục thực hiện nghiêm CT03. Sở Y tế Nghệ An tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn đối với các cơ sở hành nghề, các địa phương trong tỉnh; phát hiện, xử lý nghiêm các cán bộ trong ngành vi phạm chỉ thị, đơn vị có cán bộ vi phạm chỉ thị. Công an tỉnh và Cục Quản lý thị trường Nghệ An tiếp tục thực hiện công tác phát hiện, xử lý vi phạm theo chức năng nhiệm vụ. Cần nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng tại các địa phương đối với công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập. UBND các huyện, thành phố, thị xã phải phân cấp rõ nhiệm vụ thực hiện CT03 cho từng ngành, từng xã, phường, thị trấn và các trạm y tế; phải đánh giá được đơn vị nào tốt và chưa tốt, cán bộ nào còn né tránh, không chịu làm để có giải pháp cụ thể. Phòng Y tế các huyện, thị xã tích cực nắm thông tin cơ sở vi phạm, cơ sở gặp khó khăn trong việc hoàn thiện giấy phép để tham mưu xử lý kịp thời. Người đứng đầu UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu trên địa bàn xảy ra vi phạm về CT03...