Triển khai giai đoạn 2 xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật dịch vụ khám, chữa bệnh

NDO - Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế vừa tổ chức tập huấn triển khai khảo sát định mức kinh tế-kỹ thuật dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh cho đại diện các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành để thúc đẩy nhanh việc xây dựng giá viện phí tính đúng, tính đủ
0:00 / 0:00
0:00
Triển khai giai đoạn 2 xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật dịch vụ khám, chữa bệnh

Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật có ý nghĩa rất quan trọng, là căn cứ để tính giá dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp với tình hình.

Chi phí được tính trong giá dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh bao gồm: Chi tiền lương; chi phí trực tiếp như thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế, điện, nước...; bảo trì bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; chi khấu hao cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; chi phí quản lý-điều hành.

Tuy nhiên, hiện nay các chi phí chi khấu hao cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và chi phí quản lý-điều hành chưa được tính trong giá dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh. Danh mục dịch vụ của Bộ Y tế đang có hơn 18.000 kỹ thuật, nhưng thực tế, nhiều dịch vụ bị trùng, do đó, Bộ Y tế phải “thu” lại còn 9.900 kỹ thuật.

Trước đó, ngày 29/6 tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế đã tiến hành tập huấn giai đoạn 1 cho các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế.

Theo ông Vương Ánh Dương, giai đoạn 1, các bệnh viện được tập huấn xây dựng quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật bao hàm các nội dung liên quan đến giá viện phí: Tiền lương; chi phí trực tiếp bao gồm thuốc hóa chất, sinh phẩm máu, dịch truyền, vật tư tiêu hao, điện, nước, phục vụ; liên quan đến khấu hao như bảo trì, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, nhà trang thiết bị; chi phí quản lý điều hành nhân viên không trực tiếp làm kỹ thuật.

Sau buổi tập huấn này, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã giao các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế xây dựng dự thảo quy trình kỹ thuật và khung biểu mẫu của hơn 9.000 kỹ thuật.

“Hiện bước này, cơ bản các bệnh viện đang trên quá trình hoàn thiện nhưng chúng ta không thể chờ toàn bộ giai đoạn 1 được phê duyệt mới ban hành mà tiến hành giai đoạn 2 song song. Theo đó, những bệnh viện nào đã xong giai đoạn nào, chương nào của việc xây dựng định mức kỹ thuật sẽ tiến hành luôn giai đoạn 2”, ông Dương cho hay.

Triển khai giai đoạn 2 xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật dịch vụ khám, chữa bệnh ảnh 1

Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế chia sẻ tại buổi tập huấn.

Tại buổi tập huấn ngày 8/12, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh giao cho các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc các bộ, ngành trên cả nước gồm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp, Bộ Giao thông vận tải xây dựng định mức kỹ thuật cho 9.900 dịch vụ kỹ thuật.

“Khi các bệnh viện đồng thời tham gia xây dựng định mức kỹ thuật sẽ phản ánh đúng tiêu hao nguồn lực của bệnh viện sử dụng cho kỹ thuật. Khi đó định mức Bộ Y tế ban hành sẽ phù hợp với bệnh viện của họ khi họ tham gia xây dựng. Đây là quyền lợi của các bệnh viện khi tham gia vào định mức kinh tế kỹ thuật”, ông Dương bày tỏ.

Việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật là sự sống còn của ngành y tế Việt Nam nói chung và các bệnh viện nói riêng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh

Theo ông Dương, khi các cấu phần được tính đúng, tính đủ vào giá dịch vụ y tế, người bệnh sẽ được hưởng nhiều lợi ích. Ông dẫn chứng: “Hiện nay có một số cơ sở y tế được Nhà nước cấp ngân sách xây dựng phòng mổ. Các kỹ thuật thực hiện ở phòng mổ có chi phí cao. Tuy nhiên, hiện giá xây phòng mổ chưa được tính vào trong bảng giá viện phí. Khi đưa cấu phần này giá viện phí, bảo hiểm y tế sẽ thanh toán chi phí này, Nhà nước sẽ không phải chi trả, người dân sẽ không phải bỏ tiền túi để trả cho các dịch vụ ngoài”, ông Dương lấy thí dụ.

Ông Vương Ánh Dương cho biết, khoảng quý 3/2024, trên cơ sở định mức dịch vụ kỹ thuật đã được ban hành, Bộ Y tế sẽ cập nhật tiếp giá dịch vụ khám chữa bệnh, đưa các cấu phần khấu hao như cơ sở hạ tầng, quản lý điều hành vào giá. Tuy nhiên, việc đưa cấu phần này vào giá tới đâu sẽ liên quan đến chỉ số CPI của cả nước.

Từ danh mục định mức kỹ thuật được ban hành, các bệnh viện tại các địa phương sẽ có giá tham chiếu để xây dựng giá khám chữa bệnh phù hợp với cơ sở y tế của mình.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật là sự sống còn của ngành y tế Việt Nam nói chung và các bệnh viện nói riêng.

“Các bệnh viện muốn tự chủ hoàn toàn, đầu tiên cần phải thu chi cân bằng, trong khi giá BHYT hiện nay mới thu có 4. Chúng ta phải chi 7 mà thu 4 thì làm sao tự chủ được. Chính phủ đã nhìn ra điều này và đã có nhiều văn bản chỉ đạo ngành y tế xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật tiến tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ kỹ thuật để tự chủ được. Do đó, muốn xây dựng giá viện phí tính đúng, tính đủ, chúng ta phải xây dựng định mức từng dịch vụ kỹ thuật mà trước hết là phải xây dựng danh mục kỹ thuật”, ông Khuê bày tỏ.

Triển khai giai đoạn 2 xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật dịch vụ khám, chữa bệnh ảnh 2

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại buổi tập huấn.

Tại hội nghị tập huấn, ông Lương Ngọc Khuê đề nghị các bệnh viện cố gắng nghiên cứu kỹ và tính giá dịch vụ của đơn vị mình để cùng đưa ra định mức từng dịch vụ kỹ thuật. Sau đó, Bộ Y tế sẽ có Hội đồng nghiệm thu gồm các nhà chuyên môn trong các lĩnh vực: tài chính, lao động đánh giá.