Đề xuất thực hiện ba dự án để phát triển logistics nông nghiệp

NDO - Ngày 25/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức hội nghị bàn tròn về “Thiết lập chuỗi logistics nông lâm thủy sản xuất khẩu”.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, trong 5 năm gần đây, ngành logistics của Việt Nam có bước phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 14-16%. Chất lượng dịch vụ, hạ tầng logistics được nâng cao, số lượng doanh nghiệp logistics phát triển nhanh.

Đối với ngành nông nghiệp, logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng cho nông sản Việt. Tuy nhiên, logistics nông sản chưa phát triển đồng bộ, chưa gắn kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu nông sản chủ lực. Một số vùng sản xuất tập trung, các đầu mối giao thương cho các vùng và cho cả nước thiếu các trung tâm logistics giúp liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản.

Ngoài ra, tại các cửa khẩu hay các cảng lớn, cơ sở hạ tầng kém, bãi tập kết hàng hóa nông sản không bảo đảm, thiếu hệ thống kho lạnh, dịch vụ kiểm dịch, công tác điều phối còn bất cập xảy ra tình trạng ùn tắc thường xuyên.

Theo thống kê, chi phí cho logistics nông lâm thủy sản vẫn chiếm tỷ lệ cao do trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin, cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

Cụ thể, chi phí logistics chiếm 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản; chiếm 23% giá thành đồ gỗ; chiếm 29% giá thành rau quả... Tỷ lệ tổn thất và thất thoát sau thu hoạch trung bình của nông sản Việt Nam lớn, khoảng 25-30%, trong đó thủy hải sản 35%, rau quả và trái cây có thể lên đến 45%.

Đề xuất thực hiện ba dự án để phát triển logistics nông nghiệp ảnh 1

Quang cảnh hội nghị bàn tròn.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, một trong những hạn chế của logistics nông nghiệp là ngành nông nghiệp Việt Nam chưa có chiến lược đề án tổng thể tích hợp về phát triển logistics nông nghiệp.

Cùng với đó, là chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển logistics nông nghiệp tầm nhìn dài hạn, cũng như chính sách hỗ trợ cho phát triển logistics phục vụ các vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp còn thiếu; chính sách phát triển các trung tâm liên kết nông sản, trung tâm đầu mối nông nghiệp mới chỉ trong giai đoạn thí điểm hoặc đề xuất xây dựng…

Để logistics là động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, các đại biểu cho rằng cần phải phát triển hệ thống dịch vụ logistics đồng bộ, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng Đề án “Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030” là rất cần thiết.

Trong khi đó, dựa trên các nghiên cứu và điều kiện thực tế hiện tại, ông Trần Chí Dũng, Trưởng Ban Công nghệ, đổi mới sáng tạo (Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam) đề xuất thực hiện ba dự án: Thiết lập chuỗi logistics nông lâm thủy sản đường bộ xuyên biên giới kết nối thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc; Thiết lập chuỗi hạ tầng logistics nông lâm thủy sản xuất khẩu tích hợp thương mại điện tử và vận tải đa phương thức; Thiết lập chuỗi logistics nông lâm thủy sản đường hàng không kết nối thị trường Asean, Trung Quốc, trong đó chú trọng ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới.