Chiến lược hình thành trung tâm logistics nông sản từ chợ đầu mối

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh đòi hỏi Thành phố Hồ Chí Minh phải thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, thành phố có nhiều lợi thế từ vị trí, khoa học, công nghệ sau thu hoạch… để “đưa” chợ đầu mối trở thành trung tâm logistics nông sản của vùng và cả nước.
0:00 / 0:00
0:00

Nhiều điều kiện thuận lợi

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có hơn 113.000 ha đất nông nghiệp, chiếm 54% tổng diện tích đất tự nhiên. Thành phố cũng là địa phương đầu tiên của cả nước có Khu Nông nghiệp công nghệ cao với diện tích hơn 88 ha và Trung tâm Công nghệ sinh học. GRDP ngành nông nghiệp vào năm 2015 đạt 4.462 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 5,51%/năm; năm 2020 là 5.268 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 3,38%/năm, cao hơn tốc độ tăng GDP nông nghiệp cả nước là 2,54%/năm.

Bình quân mỗi ngày, thành phố tiêu thụ khoảng 11.000 tấn lương thực, thực phẩm các loại gồm khoảng 2.000 tấn gạo, 660 tấn lương thực chế biến khô, 755 tấn thịt gia súc, 660 tấn thịt gia cầm, 236 tấn thực phẩm chế biến; 2,1 triệu quả trứng gia cầm; rau, củ, quả là 4.246 tấn; 236 tấn đường... Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Đinh Minh Hiệp cho biết: So với tiêu dùng hằng ngày, năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp thành phố chỉ cung ứng được khoảng 28% về nhu cầu rau xanh; sản lượng heo hơi đáp ứng khoảng 11%; sản lượng trâu, bò hơi đáp ứng khoảng 19%; sản lượng thủy sản đáp ứng khoảng 14%; sản lượng gia cầm chỉ đáp ứng khoảng 1,2%; còn lại phần lớn nông sản, lương thực và thực phẩm đều do các địa phương khác cung ứng.

Về tiềm năng và lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp, Tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cho rằng: Thành phố có bốn thế mạnh chính bao gồm: Gần nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú do tiếp giáp với đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam, đóng góp hơn 30% GRDP nông nghiệp của cả nước; thành phố là trung tâm kinh tế, tài chính, logistics, khoa học công nghệ... của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước; thành phố vừa là một thị trường tiêu thu nông sản lớn do dân số đông, vừa là trung tâm kết nối của toàn vùng với thị trường quốc tế; thành phố có nền tảng sản xuất chế biến, chế tạo tương đối mạnh.

Bắt đầu từ chợ đầu mối

Những năm qua, tỷ trọng của ngành nông nghiệp, công nghiệp tuy có giảm nhưng ngành nông nghiệp vẫn luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội, nhất là trong vấn đề an ninh lương thực, bảo đảm mảng xanh. Bà Đậu Thị Mai Liên cho biết: Thành phố cần xây dựng chiến lược hình thành trung tâm logistics nông sản từ việc chuyển đổi chợ đầu mối hiện hành và thúc đẩy phát triển ngành chế biến nông sản thông qua nghiên cứu, phát triển, đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao.

Trên thực tế, khó khăn lớn đối với người nông dân là sản phẩm không được quảng bá, không có thị trường tiêu thụ ổn định do thiếu kênh kết nối giữa người nông dân, người tiêu dùng trong và ngoài nước. Thành phố đáp ứng đủ mọi điều kiện để hình thành một trung tâm tiêu thụ nông sản cho vùng và cả nước, giúp người nông dân kết nối với thị trường tiêu thụ một cách bài bản và ổn định. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của không chỉ thành phố mà còn thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long và Nam Bộ nói chung.

Mô hình này đã được thực hiện ở chợ đầu mối của Thái Lan, Malaysia,... trong đó, phải kể đến chợ đầu mối Rungis của Pháp là một mô hình chợ đầu mối đang hoạt động rất hiệu quả. Để hướng tới phát triển thành trung tâm logistics nông sản cho toàn miền nam và cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh cần có chiến lược thúc đẩy phát triển công đoạn “tiêu thụ” và “chế biến” trong chuỗi giá trị của sản phẩm nông nghiệp; trong đó, tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm; hình thành sàn giao dịch nông sản với khối lượng; xây dựng, vận hành theo định hướng xanh, tuần hoàn từ sản phẩm đến phế phẩm là những tiêu chí quan trọng.

Trên cơ sở quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đinh Minh Hiệp chia sẻ: Trong những năm tiếp theo, thành phố tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm được hưởng các ưu đãi của Luật Công nghệ cao. Thành phố cũng sẽ công bố công khai quy hoạch để các doanh nghiệp kịp thời tiếp cận các cơ hội đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết với các doanh nghiệp cung ứng giống và tiêu thụ sản phẩm.