Tỉnh Ðồng Nai đang tập trung phát triển công nghiệp hiện đại cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ logistics. Mục tiêu đề ra đến năm 2030, Ðồng Nai sẽ trở thành cửa ngõ trung chuyển của cả miền nam, trung tâm logistics khu vực và quốc tế.
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Ông Surakij Kiatthanakorn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðô thị Amata Biên Hòa cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư vào Ðồng Nai từ năm 1994. Ngay từ đầu, Amata đánh giá vị trí của Ðồng Nai là một trong các tỉnh, thành phố tốt nhất của Việt Nam.
Từ Khu công nghiệp Amata Biên Hòa với diện tích hơn 500 ha xây dựng cách đây gần 20 năm, đến nay đã phát triển thêm Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành hơn 400 ha tại huyện Long Thành. Thời gian tới, khi Sân bay quốc tế Long Thành hoàn thành, tỉnh Ðồng Nai sẽ rất dễ thu hút thêm các nhà đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ logistics. Trong tương lai, Ðồng Nai hoàn toàn có cơ hội trở thành cửa ngõ logistics trong khu vực. Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh nên chú trọng thực hiện tốt hơn kết nối hạ tầng giao thông, trong đó, việc sẵn sàng kết nối hạ tầng cho nhà đầu tư được xem là điểm then chốt.
Tương tự, ông Hiroyuk Ishi, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Long Ðức đánh giá, khi Sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động thì lưu lượng người, hàng hóa thông qua tỉnh Ðồng Nai sẽ lớn hơn hiện tại rất nhiều. Ðây là cơ hội lớn, kéo theo là các nhu cầu về phát triển thương mại, dịch vụ logistics. Bên cạnh việc đầu tư phát triển Khu công nghiệp Long Ðức theo hướng ngày càng hiện đại, công ty sẽ nghiên cứu để mở rộng phát triển khu công nghiệp mới và lĩnh vực dịch vụ tại Ðồng Nai khi các cơ hội đang mở ra. Thời gian qua, chính quyền tỉnh Ðồng Nai rất quan tâm, giải quyết những vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp mong muốn các thủ tục được làm nhanh hơn để tận dụng thời điểm và thời cơ.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Nguyễn Hữu Nguyên cho biết: Ðồng Nai nằm ở trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có hệ thống giao thông thuận tiện, bao gồm các Quốc lộ 1A, 1K, 20, 51, 56, đường sắt bắc-nam, hệ thống đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Bến Lức-Long Thành, Dầu Giây-Phan Thiết. Ðiều này, giúp rút ngắn thời gian lưu thông từ các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam về Ðồng Nai tỏa đi các cảng và địa phương khác. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai có Sân bay quốc tế Long Thành đang được đầu tư xây dựng; hệ thống cảng biển, cảng sông cùng các dịch vụ logistics đồng bộ như cảng Ðồng Nai, cảng Gò Gầu, cảng Phước An. Với những ưu thế này, Ðồng Nai có điều kiện kết nối tốt hơn với các trục hành lang kinh tế trong khu vực Ðông Nam Á và quốc tế. Tỉnh sẽ tận dụng ưu thế của các điều kiện hạ tầng sẵn có, hạ tầng hình thành trong tương lai để kêu gọi các công ty, tập đoàn hàng đầu trên thế giới đầu tư vào Ðồng Nai.
Thực tế, dù Ðồng Nai có rất nhiều lợi thế để phát triển mạnh thương mại, dịch vụ logistics, nhưng ở những lĩnh vực này, tỉnh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; chưa có các dịch vụ cao cấp, hiện đại phục vụ các đoàn khách trong nước và quốc tế, thiếu các trung tâm tổ chức hội nghị, sự kiện tầm vóc để phục vụ cho các hội nghị lớn. Trong khi đó, chi phí vận tải và logistics của Ðồng Nai vẫn cao do hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, hoàn thiện, mức độ kết nối giao thông chưa tốt. Thời gian qua, việc triển khai các dự án giao thông lớn, trọng điểm gặp nhiều vướng mắc, dẫn đến chậm tiến độ.
Sẵn sàng đón làn sóng đầu tư
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhận định: Trong tương lai, Ðồng Nai sẽ trở thành cửa ngõ trung chuyển của cả miền nam với hệ thống hạ tầng đồng bộ, toàn diện, gồm đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy và kỳ vọng trở thành trung tâm logistics cho khu vực và quốc tế. Hiện nay, định hướng của địa phương là tập trung phát triển công nghiệp hiện đại cùng phát triển thương mại, dịch vụ logistics; đồng thời, đẩy mạnh lưu thông phân phối hàng hóa trong nội tỉnh, liên kết vùng, kết nối lưu thông.
Ðể đạt được mục tiêu trên, Ðồng Nai đã và đang triển khai hàng loạt các công trình phục vụ cho ngành thương mại, dịch vụ logistics. Ðặc biệt, tỉnh Ðồng Nai sẽ có hai sân bay, gồm Sân bay quốc tế Long Thành đang xây dựng và Sân bay lưỡng dụng Biên Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch cấp 4E; ngoài ra, còn có cảng biển, cảng cạn ICD và bốn trung tâm logistics, các tuyến đường sắt, đường cao tốc, bến xe... Ðây đều là những lợi thế để Ðồng Nai phát triển đồng bộ các lĩnh vực trong tương lai. "Chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư sẽ tiếp tục gắn bó, đồng hành và mở rộng sản xuất, kinh doanh; đồng thời, thu hút thêm các nhà đầu tư mới, nhất là các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ logistics. Về phía chính quyền tỉnh, cam kết luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại Ðồng Nai", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng: Ðồng Nai có nhiều tiềm năng lợi thế trong vùng Ðông Nam Bộ, khu vực phát triển năng động nhất cả nước. Hiện nay, Sân bay Long Thành đang xây dựng trên địa bàn và gần Cụm cảng Cái Mép là hai nhân tố quan trọng, tạo sức hút cho các nhà đầu tư, với dư địa phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics rất lớn. Lợi thế của Ðồng Nai cũng chính là lợi thế của doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh. Các ngành chức năng của tỉnh đã, đang chuẩn bị tốt các điều kiện để đón các doanh nghiệp đến đầu tư và mong muốn doanh nghiệp có thể phát huy lợi thế, phát triển ngành thương mại, dịch vụ logistics. Trước mắt, để có thể tận dụng những lợi thế, đón làn sóng các nhà đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành, địa phương cần cung cấp thông tin thu hút đầu tư đầy đủ, nhanh nhất đến với các doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục thực hiện cải cách hành chính; trong đó, các thủ tục đầu tư phải được giải quyết minh bạch, mang lại tiện ích nhất cho nhà đầu tư. Ðể kịp thời giải quyết các khó khăn, ngoài trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp định kỳ, lãnh đạo tỉnh Ðồng Nai và các sở, ngành sẵn sàng tiếp nhà đầu tư hằng ngày trong tuần để lắng nghe kiến nghị, tháo gỡ vướng mắc. Các ngành liên quan sẵn sàng tiếp nhận các doanh nghiệp đến đầu tư, nỗ lực nâng cao các dịch vụ dành cho nhà đầu tư và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao.