Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia

NDO - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của vùng Đông Nam Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu container lớn nhất thế giới cập cảng Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tàu container lớn nhất thế giới cập cảng Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo đó, xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia, đến năm 2030 cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức.

Bà Rịa-Vũng Tàu duy trì vững chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước; phát triển kinh tế hài hòa với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia ảnh 1
Thành phố Vũng Tàu sẽ trở thành khu vực nội thành, du lịch đẳng cấp quốc tế.

Đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tiền đề quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tỉnh phát triển dựa trên bốn trụ cột về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển dịch vụ hàng hải và logistics; phát triển du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển đô thị đồng thời có giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua việc xây dựng các cơ chế chính sách.

Trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ tập trung đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối, huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội phục vụ cho phát triển gắn với bảo vệ môi trường; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia ảnh 2 Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia ảnh 3

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương.

Tập trung phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng phát huy ý chí tự lực tự cường, nâng cao chất lượng tăng trưởng, khai thác và phát huy hiệu quả các nguồn lực; xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững dựa vào công nghiệp, cảng biển, du lịch và phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển đô thị, tiếp tục triển khai xây dựng các đề án được Chính phủ giao cho tỉnh tại Nghị quyết 154/NQ-CP, ngày 23/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về "Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Ðông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Để hiện thực hóa mục tiêu, giai đoạn 2023-2025, Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến sáp nhập huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ thành 1 đơn vị. Sắp xếp 9 đơn vị hành chính cấp xã gồm: sáp nhập các xã An Nhứt, An Ngãi và Tam Phước (huyện Long Điền); sáp nhập phường Phước Trung và phường Phước Hiệp (thành phố Bà Rịa); sáp nhập xã Phước Hội và xã Lộc An; sáp nhập xã Long Mỹ và Thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ).

Giai đoạn 2026-2030, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính giữa thành phố Bà Rịa và thành phố mới Phú Mỹ trên cơ sở các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và bảo đảm cả hai đơn vị đạt đầy đủ các tiêu chuẩn về quy mô diện tích và dân số theo quy định. Khu vực thành phố Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ, huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ được định hướng là khu vực dự kiến thành lập thành phố Bà Rịa-Vũng Tàu trực thuộc Trung ương (khu vực nội thành) đạt tiêu chí đô thị loại I.

Đến năm 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của vùng Đông Nam Bộ. Cùng với đó là phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế bảo đảm tính cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ và hiệu quả với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước thông qua hành lang kinh tế Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh-Biên Hòa-Vũng Tàu và vùng động lực phía nam.

Đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, để quy hoạch được thực hiện đúng tiến độ thì tỉnh cần tập trung phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Thị Vải-Cái Mép thành Cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế.

Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia ảnh 4

Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là dự án trọng điểm kết nối trực tiếp với các cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, sân bay Long Thành và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Phấn đấu, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) không tính dầu khí tăng trưởng bình quân thời kỳ 2021-2030 khoảng 8,1-8,6%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 khoảng 497 triệu đồng (tương đương 18.000-18.500USD).

Cơ cấu kinh tế (GRDP) của tỉnh đến năm 2030: công nghiệp-xây dựng khoảng 58-58,5% (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP khoảng 40-43%); dịch vụ 29-29,5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 6,0-6,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 6,5-6,7%.

Những con số đáng chú ý: Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng năm 2030 đạt khoảng 56%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7%/năm. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, đẩy nhanh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn; tỷ trọng kinh tế số chiếm 35-37% GRDP. Phát triển mạnh kinh tế biển để trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; tỷ trọng kinh tế biển bao gồm dầu khí khoảng 75% GRDP, nếu không tính dầu khí khoảng 60% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng trên 72-75%, các đô thị hạt nhân được “thông minh hóa”.

Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng năm 2030 đạt khoảng 56%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7%/năm. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, đẩy nhanh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn; tỷ trọng kinh tế số chiếm 35-37% GRDP. Phát triển mạnh kinh tế biển để trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; tỷ trọng kinh tế biển bao gồm dầu khí khoảng 75% GRDP, nếu không tính dầu khí khoảng 60% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng trên 72-75%, các đô thị hạt nhân được “thông minh hóa”.

Hiện nay, các dự án trọng điểm mang tầm cỡ quốc gia và khu vực cùng đi vào hoạt động sẽ tạo cho Bà Rịa-Vũng Tàu những xung lực mạnh mẽ về phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2035 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có nền kinh tế hiện đại, mức sống dân cư cao, xã hội ổn định, văn minh, bền vững.