Đề nghị bổ sung cơ chế, chính sách về xây dựng thiết chế văn hóa tại khu công nghiệp

NDO - Để chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động yên tâm làm việc, đại biểu Quốc hội đề nghị cần bổ sung và quy định thật cụ thể cơ chế, chính sách trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, sáng 19/6. (Ảnh: DUY LINH)
Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, sáng 19/6. (Ảnh: DUY LINH)

Từng bước khắc phục “lỗ hổng” trong xây dựng thiết chế văn hóa

Sáng 19/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) bày tỏ quan tâm đến vấn đề xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt là việc đầu tư các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp.

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp là mục tiêu chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước, bởi không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động mà còn tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Đề nghị bổ sung cơ chế, chính sách về xây dựng thiết chế văn hóa tại khu công nghiệp ảnh 1

Đại biểu Lê Thị Song An - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An. (Ảnh: DUY LINH)

Tuy nhiên, đại biểu Song An nêu rõ, trên thực tế, việc xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cho người lao động tại các khu công nghiệp vẫn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động.

Nữ đại biểu cho rằng, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do các doanh nghiệp phần lớn vẫn quan tâm đến sản xuất, hiệu quả kinh doanh mà chưa chú trọng nhiều đến nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động.

Một số doanh nghiệp thiếu quỹ đất, hoặc là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tiềm lực tài chính còn yếu, dẫn đến chưa có vốn để đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa...

Ngoài ra, cũng do người lao động thường xuyên phải làm việc tăng ca nên ít có thời gian thư giãn, giải trí...

Đề nghị bổ sung cơ chế, chính sách về xây dựng thiết chế văn hóa tại khu công nghiệp ảnh 2

Toàn cảnh phiên thảo luận của Quốc hội, sáng 19/6. (Ảnh: DUY LINH)

Vì thế, để từng bước khắc phục “lỗ hổng” trong việc xây dựng thiết chế văn hóa, tạo sân chơi dành cho người lao động, đại biểu Song An đề nghị cần bổ sung và quy định thật cụ thể cơ chế, chính sách trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp.

Theo đó, rất cần sự phối hợp giữa các cấp ngành và các doanh nghiệp trong việc đầu tư, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong khu công nghiệp; nâng cao chất lượng các hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của người lao động, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Nghiên cứu xây dựng thể chế về khuyến khích văn hóa đọc

Tham gia đóng góp ý kiến về chủ trương đầu tư chương trình, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) bày tỏ nhất trí với việc xem phát triển văn hóa đọc là một trong những mục tiêu quan trọng.

Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy các giải pháp phát triển văn hóa đọc trong dự thảo chương trình chủ yếu mới thiên về điều kiện cần, tức là điều kiện về khả năng tiếp cận với sách của người dân thông qua hệ thống thư viện.

Đề nghị bổ sung cơ chế, chính sách về xây dựng thiết chế văn hóa tại khu công nghiệp ảnh 3

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu nêu số liệu thực tế cho thấy việc phát triển hệ thống thư viện không phải lúc nào cũng đi kèm với sự phát triển văn hóa đọc. Theo thống kê hiện nay, Việt Nam đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số thư viện công cộng với hơn 6.000 thư viện, trong khi quốc gia đứng thứ 2 là Thái Lan có khoảng 2.000 thư viện công cộng.

Tuy nhiên, tỷ lệ số người có thói quen đọc sách ở Việt Nam chỉ khoảng 20%, còn ở Thái Lan là khoảng 86%, Singapore là khoảng 80%; trung bình mỗi năm người Việt chỉ đọc khoảng 4 cuốn sách thì số lượng này ở Singapore, Malaysia, Thái Lan là từ 10-15 quyển sách.

Vì vậy, đại biểu Hiếu cho rằng, để phát triển văn hóa đọc thì không chỉ cần phát triển hệ thống thư viện mà còn cần có những chương trình khuyến đọc hiệu quả, khuyến khích văn hóa đọc sách của từng cá nhân, từng gia đình, từng cộng đồng.

Từ đó, đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị bổ sung vào chương trình các mục tiêu cụ thể đến năm 2035 để đánh giá chính xác hơn về việc phát triển văn hóa đọc, như tỷ lệ người dân có thói quen đọc sách, số lượng trung bình số sách mỗi người dân đã đọc hàng năm, mức tăng số lượng sách được xuất bản hàng năm…

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để bổ sung một số chương trình khuyến đọc hiệu quả. Theo đại biểu, hiện nay đã có những chương trình như Ngày sách quốc gia, Tuần lễ đọc sách nhưng tác động của các chương trình này chưa tạo ra kết quả lâu dài, bền vững.

Vì vậy, cần nghiên cứu để có những chương trình khuyến đọc hiệu quả hơn, chẳng hạn có thể tham khảo các chương trình khuyến đọc đã được thực hiện thành công ở một số nước trong khu vực như các chương trình Phong trào đọc sách quốc gia ở Singapore, Thập niên phát triển văn hóa đọc của Malaysia, Chương trình khuyến khích hoạt động đọc sách cho trẻ em của Nhật Bản…

Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng thể chế về khuyến khích văn hóa đọc. Đại biểu nêu kinh nghiệm quốc tế có thể tham khảo, như Nhật Bản đã xây dựng Luật Khuyến khích trẻ em đọc sách, Luật Chấn hưng văn hóa đọc để phát triển văn hóa đọc toàn dân, trong đó xác định rõ văn hóa đọc là một lĩnh vực văn hóa tinh thần, có vai trò quan trọng trong nâng cao dân trí, xây dựng nhân cách con người.

Phát triển văn hóa cần đặt ngang hàng với kinh tế-chính trị

Đề nghị bổ sung cơ chế, chính sách về xây dựng thiết chế văn hóa tại khu công nghiệp ảnh 5

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Phát biểu giải trình, làm rõ thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 rất rộng chứ không phải chỉ là một chương trình đầu tư công. Do đó, cần cách tiếp cận phù hợp trong quá trình triển khai, đặc biệt cần đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế-chính trị về phát triển văn hóa.

Đi vào cụ thể các nhóm vấn đề các đại biểu đề cập, Bộ trưởng cho biết, chương trình mục tiêu này đã tiếp thu, kế thừa Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với các nội dung thành phần Quốc hội đã phê duyệt.

Ban soạn thảo cũng dựa vào Điều 3 Nghị định 27 hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư công để quy định dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình mục tiêu quốc gia.

Tuy nhiên, trước ý kiến đại biểu cho rằng cần phải có những danh mục dự án cụ thể để làm tốt hơn, chứ không đưa vào trong 9 nội dung thành phần đang trình, Bộ trưởng cho biết, vấn đề này Bộ sẽ tiếp thu và cùng làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban soạn thảo, Ủy ban thẩm tra để làm rõ hơn và sẽ báo cáo lại với Quốc hội.

“Nếu như có một danh mục cụ thể cho một số lĩnh vực thì đó phải là trách nhiệm của các địa phương cùng làm, trách nhiệm của các bộ, ngành mới đưa lên được danh mục, còn chúng tôi không thể tự vẽ ra danh mục cho từng địa phương hoặc cho từng đơn vị”, Bộ trưởng nêu rõ.

Đề nghị bổ sung cơ chế, chính sách về xây dựng thiết chế văn hóa tại khu công nghiệp ảnh 6

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình. (Ảnh: DUY LINH)

Bộ trưởng cũng cho biết, qua rà soát trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia không thấy có sự trùng lặp nào với các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, chỉ có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì có dự án số 6, nhưng dự án này thực hiện đến năm 2025, phần chuyển tiếp của sau năm 2025 đến 2030 thì sẽ kế thừa và chuyển giao thực hiện sau.

Theo Bộ trưởng, quy định trong dự án này nâng cấp, cải tạo, tôn tạo di tích quốc gia, di tích đặc biệt của đồng bào dân tộc, văn hóa thiểu số chỉ có định mức 6 tỷ đồng trong một trường hợp, không phải quá lớn và chuyển tiếp qua để thực hiện cũng không có vấn đề trùng lặp.

Về nguồn lực, Bộ trưởng cho biết, xây dựng chương trình cũng phải dựa trên số liệu của Bộ Tài chính, tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tính toán trong lộ trình, thí dụ các nguồn thu, bội thu ngân sách của Nhà nước trong những năm gần đây, tính toán về tổng nguồn để dự kiến có thể phù hợp và tương thích với các chương trình khác trong chương trình mục tiêu.

Về hoạt động của các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng cho rằng các trung tâm này hiện nay hoạt động rất tốt, là nơi dạy tiếng Việt, ngôi nhà chung của kiều bào Việt Nam, là nơi thể hiện văn hóa Việt.

Theo đó, chương trình không đề xuất xây dựng tất cả các trung tâm văn hóa ở nước ngoài mà chỉ tập trung ở nơi có cộng đồng người Việt Nam đông đảo nhất, tiến hành theo thứ tự và Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội các dự án cụ thể.

“Hiện nay, các trung tâm này hoạt động rất tốt, biên chế chỉ có 3 người và có nghệ sĩ luân phiên nhau sang hoạt động, còn chủ yếu dựa vào Hiệp đoàn, Liên đoàn, Hiệp hội và đồng bào, đội ngũ văn nghệ sĩ sở tại, rất gọn”, Bộ trưởng nói.