Rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật
Chiều 18/6, phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 13 về dự án luật trên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này có phạm vi tác động lớn, liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực, vì vậy phải tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật về di sản văn hóa với các luật khác như Luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…, đặc biệt là quy định về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này.
Đối với quy định về quyền sở hữu và các quyền liên quan, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật Di sản văn hóa hiện hành công nhận 5 hình thức sở hữu di sản văn hóa gồm: Sở hữu nhà nước; sở hữu tập thể; sở hữu chung của cộng đồng; sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa; đồng thời, quy định quyền và nghĩa vụ đối với chủ sở hữu di sản văn hóa.
Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã chuyển từ quy định “sở hữu nhà nước” thành “sở hữu toàn dân”. Đây là vấn đề cần được quan tâm thảo luận, cho ý kiến kỹ lưỡng.
Đồng thời, dự thảo luật chưa xác định thẩm quyền, tiêu chí công nhận loại hình sở hữu. Trên thực tế có khả năng xảy ra trường hợp cá nhân, tổ chức sở hữu di sản văn hóa là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia nhưng khi có tranh chấp về sở hữu lại chưa có chế tài xử lý.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13. (Ảnh: DUY LINH) |
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự thảo luật cần quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, thẩm quyền và trách nhiệm bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có), đồng thời phát huy tối đa vai trò của chủ sở hữu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Liên quan đến quy định về khu vực bảo vệ của di tích; phân cấp trong việc cho phép đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, luật hiện hành và dự thảo luật sửa đổi thống nhất về nguyên tắc: Khu vực bảo vệ 1 của di tích là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Điều 26, Điều 27 dự thảo Luật quy định khu vực bảo vệ 1 của di tích được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian đối với những yếu tố gốc cấu thành di tích.
Xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm chủ sở hữu trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản
Tuy nhiên, dự thảo luật lại quy định cho phép đầu tư, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ ở trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; đồng thời phân cấp, phân quyền cho địa phương (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định đối với dự án này ở các di tích được xếp hạng các cấp độ.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải có phương án để bảo vệ di tích nghiêm ngặt, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi đối với người dân đang sinh sống trong khu vực di tích.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc bảo tồn, tôn tạo đối với các khu di tích, các vấn đề liên quan đến xây mới, cấp phép phải được quan tâm, chú trọng bảo đảm phù hợp, đúng quy định.
Hài hòa giữa giữ gìn di tích và bảo đảm cuộc sống của người dân
Đại biểu Lò Thị Luyến - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 8. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Bày tỏ đồng thuận về nội dung trên, đại biểu Lò Thị Luyến - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng, khoản 2 Điều 27 dự thảo Luật đã quy định riêng về việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình đã có trong khu vực bảo vệ di tích và việc xây dựng nhà ở riêng lẻ tại khu vực nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích theo hướng đơn giản, thuận lợi hơn cho người dân.
Cụ thể, việc thực hiện quy trình dự án sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình đã có trong khu vực bảo vệ di tích thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và chỉ được triển khai thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo đại biểu Luyến, quy định này là phù hợp để bảo đảm hài hòa giữa giữ gìn yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hóa của di tích và bảo đảm cuộc sống sinh hoạt bình thường của người dân sinh sống tại khu vực có di tích.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về trường hợp được xác định là có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hóa của di tích đối với công trình nhà ở riêng lẻ, làm căn cứ để các hộ gia đình, cá nhân đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước để có căn cứ thực hiện quy định liên quan đến việc cho ý kiến theo quy định của luật, bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.
Đại biểu Quốc hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Liên quan đến quy định về di vật, cổ vật, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên) nêu thực tế, hiện nay chúng ta khuyến khích việc các tổ chức, cơ quan, cá nhân có những phát hiện và đem những cổ vật của Việt Nam từ nước ngoài trở lại quê hương - tức hồi hương cổ vật.
Đại biểu nhấn mạnh, chủ trương này hết sức ý nghĩa, cần thiết và quan trọng, đúng với tinh thần văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nhất là khi do hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh… nên hiện nay, nhiều cổ vật của nước ta vẫn nằm rải rác ở nước ngoài.
Để tạo thuận lợi cho công tác hồi hương cổ vật, đại biểu kiến nghị tháo gỡ vướng mắc liên quan thuế đối với cổ vật hồi hương, theo đó đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu, khuyến khích, động viên công tác này bằng cách miễn giảm các khoản thuế khi hồi hương cổ vật nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân cam kết không buôn bán, không kinh doanh cổ vật.
Đại biểu cũng bày tỏ nhất trí với Ban soạn thảo về việc thành lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa để kịp ứng xử với những vấn đề mà ngân sách không thể chi trả được.
“Nếu hồi hương cổ vật thì lại càng cần thiết lập quỹ này, bởi những phiên đấu giá cổ vật diễn ra rất nhanh, nếu cứ chờ phải duyệt các cấp rồi mới chi ngân sách để mua thì đã qua mất, mà nếu chúng ta có mong muốn mua bằng được thì lúc đấy giá lại lên rất cao, do đó có thể sử dụng nguồn từ quỹ bảo tồn di sản văn hóa này chi trả”, đại biểu nêu quan điểm.