Ðẩy nhanh đề án phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn

Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định được bảy khu vực có thể phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn theo định hướng khai thác hiệu quả giá trị sinh thái sông nước tự nhiên, tạo hành lang cảnh quan đô thị dọc hai bên bờ sông; đồng thời gắn với hạ tầng xanh đa chức năng và phát huy các loại hình kinh tế dịch vụ bền vững sinh thái mang đậm nét đặc trưng đô thị.
0:00 / 0:00
0:00
Ðô thị nhìn ra sông Sài Gòn.
Ðô thị nhìn ra sông Sài Gòn.

Đầu tiên là khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn liên xã Nhuận Ðức, Phú Hòa Ðông (phân khu 5) và một phần xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi (diện tích 95ha). Hiện trạng chủ yếu là đất trống, khu đất được Sở Quy hoạch và Kiến trúc đề xuất điều chỉnh thành khu đô thị sinh thái thấp tầng, bền vững, chức năng là đơn vị ở.

Tiếp đến là khu làng nghề hoa, cây kiểng, cá cảnh liên xã Trung An-Phú Hòa Ðông kết hợp với khu nông nghiệp sinh thái và dân cư nhà vườn liên xã Trung An-Hòa Phú, huyện Củ Chi (1.000ha). Hiện trạng chủ yếu là đất nhà vườn và một số công trình công cộng. Theo đề xuất, đây là khu đô thị xanh, làng nghề truyền thống và công viên sinh thái tập trung với chức năng là đô thị loại 3.

Thứ ba là khu dân cư phía bắc rộng 96ha tại phường Thạnh Lộc (Quận 12), chủ yếu là đất hiện hữu, khu vực cảnh quan ven sông chưa được đầu tư xây dựng. Khu vực này sẽ được điều chỉnh thành khu dân cư đô thị với chức năng là đơn vị ở đô thị.

Khoảng 30ha đất khu vực từ Phường 25 (quận Bình Thạnh) đến Công viên bến Bạch Ðằng (Quận 1) là vị trí thứ tư được xem xét. Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc đây là khu vực ven sông quan trọng cho nên việc thay đổi chức năng sử dụng đất là rất khó khăn. Do vậy cần tôn tạo, chỉnh trang tạo môi trường xanh, sạch, tăng cường mảng xanh, tạo khu vực nghỉ ngơi, vui chơi cho người dân.

Thứ năm là khu vực cảng Nhà Rồng-Khánh Hội, Quận 4, kéo dài từ cảng Nhà Rồng đến chân cầu Tân Thuận (86ha). Hiện trạng là đất cảng và công ty dịch vụ cảng được đề xuất tận dụng công viên dưới chân cầu Thủ Thiêm 3 để bố trí bến giao thông thủy ra bến Bạch Ðằng và khu Thủ Thiêm.

Thứ sáu là cảng Tân Thuận rộng 75ha tại Quận 7. Hiện trạng chủ yếu là đất cảng, kho bãi, bãi đậu xe và một phần dân cư hiện hữu, đề xuất thành khu giáo dục và đào tạo chất lượng cao và dịch vụ xanh.

Cuối cùng là khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi A, B rộng 45ha (thành phố Thủ Ðức). Hiện nay, tính chất khu này là khu công viên dọc hành lang cách ly ven sông được đề xuất điều chỉnh công viên chủ đề tập trung phục vụ du lịch, giải trí, sinh hoạt, văn hóa.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, sông Sài Gòn là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng. Sông dài 256km, có 80km chảy qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh. Ðiểm đầu của sông Sài Gòn thuộc địa phận thành phố là rừng tự nhiên ở Củ Chi và điểm kết là rừng ngập nước Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu sinh quyển thế giới.

Ðể gìn giữ bờ sông, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đề xuất, các địa phương cần xây dựng kè tạm, kè kiên cố, hạ tầng xanh. Trong đó ưu tiên triển khai các dự án đầu tư công trình công cộng, thương mại, dịch vụ, công viên cây xanh, khuyến khích nhà đầu tư đóng góp thông qua phát triển hạ tầng. Có phương án kết nối hệ thống giao thông thủy - bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế dịch vụ. Các tuyến xe buýt, xe điện, buýt đường sông sẽ được nghiên cứu theo hướng tích hợp hệ thống đầu mối hạ tầng, đáp ứng phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng.

Nhìn từ trên cao, sông Sài Gòn uốn lượn như một dải lụa mềm, nhiều chỗ bị bẻ cong tạo ra những doi đất lồi như ở Thanh Ða, Thảo Ðiền, Thủ Thiêm. Sông Sài Gòn hoàn toàn có thể trở thành dòng sông di sản, dòng sông văn hóa-lịch sử, dòng sông phục vụ cho đời sống, giao thông và kinh tế. Nếu khai thác tốt mặt nước, bờ sông, quỹ đất thì nó sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho thành phố và người dân.

Do vậy, theo ông Hòa, có 4 điều tuyệt đối không được làm là: bê-tông hóa bờ sông, phân lô bán nền, giao thông bộ nhanh và xây nhà cao tầng liên tục thành dãy tạo nên bức tường thành vây nhốt người dân sống bên trong, tách biệt với sông. Nếu làm khác đi là hủy diệt dòng sông và giết chết tiềm năng của nó.

Còn theo Giáo sư Lê Huy Bá, chuyên gia môi trường, sông Sài Gòn là nguồn sống của hàng chục triệu người dân thành phố. Do đó, khi quy hoạch, cần phải giữ được hệ sinh thái vốn có và giữ ổn định chất lượng nguồn nước. Ngoài ra, cũng cần xử lý triệt để các công trình lấn sông giúp tạo mỹ quan, bảo đảm an toàn đường thủy và cải thiện chất lượng nguồn nước sông.

Cùng với đó là rà soát, xử lý triệt để các nguồn xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm nước sông Sài Gòn. Chỉ có giữ ổn định chất lượng nước thì sông Sài Gòn mới phát triển bền vững và trở thành điểm nhấn của thành phố.

Kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, thành phố cần sớm có quy chế quản lý, sử dụng, khai thác hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, từ đó làm công cụ để tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, cần tận dụng quỹ đất dọc hành lang sông để quy hoạch và thực hiện tuyến đường từ trung tâm thành phố đến huyện Củ Chi nhằm giảm áp lực hạ tầng lên Quốc lộ 22 vốn đang quá tải hiện nay, đồng thời đánh thức tiềm năng vùng đất phía tây bắc. Kiến trúc sư Mười tính toán, nếu dành khoảng 20% quỹ đất cho giao thông và 20% cho các dịch vụ, 60% cho cây xanh, thành phố sẽ có khoảng 220 đến 600ha để xây dựng các công trình bảo tàng, khu ẩm thực, câu lạc bộ, sân thể dục, thể thao, khu vui chơi cho trẻ em, nhà văn hóa, cửa hàng bán lẻ, triển lãm ngoài trời, trung tâm biểu diễn, sinh hoạt lễ hội…

Ngoài ra, không gian ngầm dưới kè bờ sông có thể tận dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, vui chơi giải trí sôi động như bar, karaoke, beer club, bãi đậu xe ngầm ■