Nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan
Theo Ủy ban nhân dân thành phố, tổng số vốn đầu tư công năm 2023 của thành phố gần 68.500 tỷ đồng, gấp hai lần kế hoạch đầu tư công năm 2022 và tương đương 10% tổng mức vốn đầu tư công của cả nước năm 2023. Tính đến hết ngày 6/10, thành phố đã giải ngân được hơn 22.000 tỷ đồng, đạt 32% tổng số vốn đã giao. Tuy tỷ lệ giải ngân còn thấp nhưng xét về giá trị thì thành phố là một trong hai địa phương (cùng Hà Nội) có số vốn đầu tư công được giải ngân nhiều nhất cả nước. Có 8/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư và 5/22 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 51% (mức bình quân cả nước), với số tiền giải ngân hơn 2.400 tỷ đồng. Có 34/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư và 17/22 địa phương giải ngân thấp hơn 51%, với số tiền đã giải ngân hơn 19.100 tỷ đồng. Có 18/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân, số tiền phải giải ngân là hơn 5.900 tỷ đồng. Dự kiến, đến hết năm 2023, thành phố sẽ có khoảng 1.807 dự án đầu tư công đạt tỷ lệ giải ngân vốn từ 95% tổng kế hoạch vốn được giao (khoảng 27.700 tỷ đồng); 233 dự án giải ngân dưới 95% kế hoạch vốn được giao, với số vốn dự kiến không giải ngân được trong năm 2023 là hơn 19.500 tỷ đồng.
Ủy ban nhân dân thành phố chỉ ra các nguyên nhân là: Do khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chậm thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch; nhà thầu thi công không đủ năng lực; giá trị quyết toán thực tế dự án thấp hơn dự kiến đăng ký vốn của các chủ đầu tư; chậm thực hiện thủ tục quyết toán dự án; chậm thực hiện thủ tục khác có liên quan; nguyên nhân chủ quan từ các chủ đầu tư. Trong đó, có bảy dự án gặp phải khó khăn trong việc bàn giao, sửa chữa, cải tạo căn hộ tái định cư để bảo đảm tiến độ thực hiện của công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Có 79 dự án bị chậm thực hiện thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nên không có khả năng giải ngân cho phần vốn bố trí để thi công dự án, với số tiền dự kiến không giải ngân được là gần 5.700 tỷ đồng. Về nguyên nhân do lỗi chủ quan của các chủ đầu tư, thành phố còn 28 dự án dự kiến giải ngân dưới 95%, với số vốn dự kiến không giải ngân được là hơn 797 tỷ đồng. Còn do nhà thầu thi công không đủ năng lực tiếp tục thực hiện khiến cho chủ đầu tư 9 dự án phải xử lý các nhà thầu này, với số vốn không giải ngân được là hơn 416 tỷ đồng…
Nâng cao tinh thần trách nhiệm
Theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Thị Lệ, đã đến lúc phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác đầu tư công bằng nhiều biện pháp mạnh. Đó là, kiên quyết không giao nhiệm vụ chủ đầu tư, quản lý dự án cho các đơn vị không bảo đảm tiến độ giải ngân và hiệu quả dự án. Cần tập trung hơn nữa công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, trong đó, chú trọng việc chuẩn bị quỹ nền đất, căn hộ, đầu tư tốt cho hạ tầng (kỹ thuật và xã hội), các dịch vụ tiện ích... chung quanh khu vực bố trí tái định cư, để người dân yên tâm với nơi ở mới và sớm bàn giao mặt bằng cho dự án. Từ đó, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan sớm tham mưu trình Hội đồng nhân dân thành phố dự thảo nghị quyết cụ thể hóa các nội dung theo quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Nghị quyết này đã cho phép thành phố thực hiện chuẩn bị thu hồi đất của một số dự án tại thành phố và các nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy thành phố, cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo cụ thể từng nội dung, có kiểm tra tiến độ thường xuyên; bảo đảm nếu không đạt được tỷ lệ giải ngân hơn 95% thì cũng không được thấp hơn 80%. Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, cho ý kiến cụ thể đối với các dự án cụ thể. Đặc biệt từ ngày 1/9/2023, các quận, huyện đã được ủy quyền quyết định giá đất bồi thường, việc này mới nên có thể sẽ gặp vướng mắc hoặc lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Trong việc điều chuyển vốn, đồng chí đề nghị các địa phương có dự án đủ điều kiện giải ngân trong năm nay mạnh dạn đăng ký để bố trí vốn. Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc phê bình, xem xét thi đua đối với tập thể, cá nhân trong công tác đầu tư công trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố đề nghị các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư… cần nghiêm khắc kiểm điểm, đánh giá khách quan tình hình, không né trách hoặc đổ thừa. Phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặt ra quyết tâm cao, có cam kết rõ ràng về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và trách nhiệm cụ thể nếu không hoàn thành. Cải thiện, làm tốt công tác phối hợp, đôn đốc giữa chủ đầu tư và các đơn vị liên quan. Công tác lãnh đạo phải sâu sát, chỉ đạo bài bản, có trọng tâm, có phân công cụ thể, có kiểm tra, dự báo, giám sát, nhất là khâu kiểm tra tiến độ. Cuối năm nay, thành phố sẽ khen thưởng tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, đúng tiến độ công tác đầu tư công, đồng thời, phê bình, quy trách nhiệm, có chế tài nghiêm khắc đối với tổ chức, cá nhân thực hiện không tốt công tác này nếu nguyên nhân do chủ quan hoặc không triển khai thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo… Trong đó, tăng cường các biện pháp xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công mà nguyên nhân không do yếu tố khách quan. Đơn vị nào làm không tốt, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ xem xét thay đổi cán bộ nơi đó ■