Dấu hiệu khả quan với việc làm ngoài nước

Qua 5 tháng đầu năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã vượt mốc 59 nghìn người, đạt khoảng 54% kế hoạch năm. Con số này cho thấy dấu hiệu tích cực từ lĩnh vực việc làm ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. (Ảnh: Colab)
Lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. (Ảnh: Colab)

5 tháng, hơn 59 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 59.645 người, đạt 54,2% kế hoạch năm 2023.

Trong số này, có 20.585 lao động nữ, chiếm tỷ lệ gần 35%. Mục tiêu đặt ra trong năm nay là đưa được 110 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 59.645 người, đạt 54,2% kế hoạch năm 2023.

Cụ thể, Nhật Bản là thị trường lao động hàng đầu thu hút lao động Việt Nam, với 28.513 lao động. Tiếp đó là Đài Loan (Trung Quốc): 26.201 lao động, Hàn Quốc: 1.210 lao động, Trung Quốc: 729 lao động.

Trước đó, theo số liệu từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 5 năm 2023 đạt hơn 9.700 người.

Chia sẻ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 6/6, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài là một giải pháp tạo công ăn việc làm, tăng cường thu nhập cũng như tạo điều kiện cho thanh niên có nhu cầu có thể tiếp cận những công việc mới, công nghệ mới, tác phong làm việc mới.

Trong năm 2022, có 142 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung chủ yếu vào thị trường của Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc). Gần đây, đang thí điểm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở một số quốc gia phát triển như 6 nước ở khu vực châu Âu.

Về thu nhập bình quân hiện nay của người lao động, chỉ có 3 quốc gia có thu nhập cao hơn. Đó là Đức (khoảng 2.500 EUR), Hàn Quốc (khoảng 1.800 USD), Nhật Bản (khoảng 1.500 USD). Nhưng gần đây, tại Nhật Bản, do tỷ giá đồng yên thấp nên người lao động gặp khó khăn hơn. Còn bình quân, mức thu nhập của người lao động khoảng 600 đến 700 USD/ 1 tháng. Về chất lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhìn chung, các nước tiếp nhận lao động Việt Nam đều đánh giá cơ bản tốt, ý thức trách nhiệm tốt, kỹ năng nghề nghiệp tốt. Và quan trọng hơn là hiệu suất công việc cũng tốt.

Bộ trưởng cũng nêu hai điều cần lưu ý. Một là, ngoại ngữ của người lao động nước ta kém hơn so với một số quốc gia. Hai là ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận người lao động không tốt,

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định phương châm tập trung nâng cao năng lực của các đơn vị được thực thi nhiệm vụ theo luật. Thứ nữa là tiếp tục đàm phán, lựa chọn những địa bàn, những khu vực, những vùng miền và những đối tác có hiệu quả.

Ngành lao động-thương binh và xã hội tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu liên thông để quản lý người lao động đi ra nước ngoài và về nước, phát huy năng lực của họ sau khi hồi hương. Đồng thời, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp lợi dụng việc này để trục lợi chính sách, lạm dụng cũng như lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài để thoát nghèo

Thời gian qua, không tính tới giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19, số lao động Việt Nam đi nước ngoài chiếm xấp xỉ 10% chỉ tiêu việc làm cần giải quyết trong một năm.

Lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng là một ưu tiên trong mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

Chương trình nêu rõ, tối thiểu 9.500 người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đào tạo; trong đó, có khoảng 5.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (ít nhất 80% hộ gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài sẽ thoát nghèo). Hỗ trợ khoảng 1.200 người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận.

Chương trình cũng xây dựng một tiểu dự án 2 “Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” trong dự án 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững”.

Mục tiêu của tiểu dự án này tập trung vào một số nội dung. Đó là: Đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu có khoảng 5.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (ít nhất 80% hộ gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài sẽ thoát nghèo).

Đối tượng của tiểu dự án tập trung vào người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, cư trú trên địa bàn các huyện nghèo. Tuy nhiên, sẽ không bao gồm các địa bàn được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài quy định tại Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Cùng với đó là đối tượng người lao động ở xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo;

Chương trình cũng quy định cụ thể nội dung chính sách hỗ trợ.

Cụ thể, người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ: tiền đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở trong thời gian tham gia đào tạo (bao gồm cả thời gian tham gia giáo dục định hướng), trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu; chi phí khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp; giới thiệu, tư vấn cho người lao động và thân nhân người lao động;

Cùng với đó là một phần chi phí đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số, người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Tổng nhu cầu vốn thực hiện là 570 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương dành 270 tỷ đồng và ngân sách địa phương dành 200 tỷ đồng (cùng là vốn sự nghiệp), vốn huy động hợp pháp khác là 100 tỷ đồng.

Với tiểu dự án 2 nói trên, trong năm 2021, dành kinh phí 7,8 tỷ đồng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thực hiện tại trung ương để thực hiện trong năm 2022 do vốn bố trí vào cuối năm 2021.

Trong năm 2022, bố trí 28,166 tỷ đồng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương (thực hiện tại trung ương là 6,9 tỷ đồng, tại địa phương là 21,266 tỷ đồng). Kết quả giải ngân đạt hơn 15,8 tỷ đồng, chiếm 44,18% vốn phân bổ của Tiểu dự án và của năm 2021 chuyển sang.