Đáng lo rối loạn tâm thần trong học sinh, sinh viên

Trầm cảm, căng thẳng, lo âu đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực trong cuộc sống của nhiều người, nhất là với học sinh, sinh viên. Các bệnh lý thần kinh này đang khá phổ biến, biểu hiện với nhiều mức độ khác nhau và ở thể nặng, hầu hết người mắc chứng trầm cảm thường sẽ tìm hướng xử lý rất tiêu cực.
0:00 / 0:00
0:00

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các rối loạn tâm thần tuổi học đường, nhất là tại các đô thị lớn, như: Áp lực học tập, đặc biệt vào mùa thi; các bậc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng ở con cái; những thói quen sống không lành mạnh,… Điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như sức khỏe và khi kết quả học tập không tốt lại tạo ra áp lực lớn hơn, dẫn tới một vòng xoắn bệnh lý của các rối loạn tâm thần…

Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 10%-20% trẻ em và thanh, thiếu niên bị các rối loạn tâm thần. Đối với một đô thị lớn, sầm uất như Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi thành phố vừa trải qua rất nhiều đau thương từ đại dịch Covid-19, vấn đề về sức khỏe tâm thần cho giới trẻ lại càng cần được quan tâm, chú trọng.

Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mới đây về các vấn đề sức khỏe tâm thần của sinh viên cho thấy, trong tâm dịch, có 56,8% thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do.

Các chuyên gia cho rằng, hầu hết các em khi đã mắc các chứng ở thể nặng thường là do cả quá trình dài có vấn đề về tâm lý nhưng không được can thiệp, hỗ trợ kịp thời và khuyến nghị, việc đánh giá sức khỏe tâm thần của học sinh, sinh viên, nhất là rối loạn căng thẳng sau sang chấn lẫn rối loạn lo âu, là vô cùng cần thiết. Từ đó, gia đình, nhà trường và xã hội cần đưa ra những giải pháp giúp học sinh, sinh viên chủ động và tích cực hơn trong việc nâng cao sức khỏe tâm thần. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh, sinh viên cần được tăng cường thêm, nhất là giai đoạn hậu Covid-19.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các trường học thành lập và phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Tổ tư vấn hỗ trợ các vấn đề về sức khỏe tâm thần cho học sinh. Để tổ tư vấn này hoạt động đúng với chức năng, đạt hiệu quả, các trường cần đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục, định hướng, nắm bắt tâm lý của học sinh, nhất là trên môi trường mạng và đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên theo hướng tích hợp, lồng ghép thông qua các chuyên đề của môn học và hoạt động giáo dục. Để học sinh, sinh viên có điều kiện vui chơi, giải trí lành mạnh, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cũng cần đổi mới theo hướng tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tương tác với môi trường chung quanh,…

Cùng với đó, việc đối thoại giữa nhà trường với học sinh, sinh viên cần được tổ chức thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề khó khăn, bức xúc trong học sinh, sinh viên. Các bậc cha mẹ cần dành nhiều thời gian để lắng nghe, tâm sự, chia sẻ cùng con về các vấn đề học tập, cuộc sống, xã hội…