Chiến lược ngoại giao vaccine “rất tốt, rất nhanh và rất thành công”
Đại biểu đồng tình với đánh giá của Đoàn giám sát nêu, Quốc hội trân trọng sự chung sức đồng lòng của nhân dân và những cá nhân, tập thể đã đóng góp vào công cuộc phòng, chống Covid-19.
“Đây là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình thương”, đại biểu đoàn Hà Nội chia sẻ.
Thấu hiểu điều này, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị các cơ quan chức năng thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch cho các lực lượng, các địa phương, các đơn vị; làm tốt hơn nữa công tác biểu dương, khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân tham gia phòng chống dịch.
Đại biểu nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia đã khống chế thành công nhất đại dịch Covid-19. Trong đó, chiến lược ngoại giao vaccine “rất tốt, rất nhanh và rất thành công”, đã có đủ, kịp thời và có ngay vaccine để tiêm phòng cho nhân dân.
Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Tuy nhiên, đã có những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, thậm chí có những sai phạm xảy ra trong những lĩnh vực rất ít có sai phạm như nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ.
Đại biểu đồng tình với quan điểm, tham ô, tham nhũng trong hoạt động phòng, chống dịch cần xử lý thật nghiêm khắc nhưng cũng cần xem xét thật có lý, có tình thật công bằng với những ai nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch nhằm lợi ích của cộng đồng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị ngừng nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam vì đã là quá muộn, thay vào đó cần tìm mua loại vaccine tốt, với giá cả hợp lý và đủ để tiêm phòng cho nhân dân.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề xuất một số giải pháp liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật và y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị ngừng nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 tại Việt Nam. (Nguồn: Truyền hình Quốc hội) |
Cần nâng cao hiệu quả truyền thông về phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ nhất trí với Báo cáo của Đoàn giám sát về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Ghi nhận những kết quả đạt được, song nữ đại biểu đoàn Hải Dương phản ánh, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe còn hạn chế về nội dung, phương thức, nguồn lực thực hiện.
Theo đại biểu, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến công tác y tế dự phòng còn chưa đạt được kết quả đúng như tiềm năng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, muốn tạo lối sống lành mạnh, tích cực để đẩy lùi nguy cơ đe dọa của bệnh không lây nhiễm thì các giải pháp tăng cường truyền thông là vô cùng quan trọng.
Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung trong dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề vào Điều 2 khoản 4, mục b nội dung: y tế dự phòng tiếp tục tập trung hơn nữa, nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, không chỉ đơn thuần là y tế dự phòng tiếp tục tập trung các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm.
“Nếu không làm tốt công tác này thì sẽ gây ra áp lực dài hạn cho ngành y tế, an sinh xã hội, bởi gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm”, đại biểu nhấn mạnh.
Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến huy động, phân bổ, quản lý sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch; có cơ chế riêng để thực hiện việc mua sắm phục vụ phòng, chống dịch khi dịch xuất hiện, tránh bị động, bất ngờ, lúng túng.
Về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu cho rằng, bên cạnh mặt tích cực, lĩnh vực này vẫn chưa được đầu tư thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, cơ chế tài chính chậm đổi mới, điều kiện về thuốc, trang thiết bị chưa bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ được giao, nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp.
Đại biểu đề nghị cần nâng số lượng biên chế ở các trạm y tế cấp cơ sở để bảo đảm hoạt động hiệu quả phục vụ người dân, tăng cường đầu tư trang thiết bị ở tuyến cơ sở để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh tại các trạm y tế.