Bài toán giữ chân cán bộ y tế ở các cơ sở công lập

Làn sóng cán bộ y tế từ các cơ sở công lập chuyển ra cơ sở ngoài công lập đã, đang ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Dù muộn nhưng vẫn rất cần những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn sự dịch chuyển đó.
0:00 / 0:00
0:00
Khám bệnh cho người dân tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Khám bệnh cho người dân tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Với sự xuất hiện ngày càng nhiều đơn vị y tế tư nhân đã tạo ra nhiều cơ hội làm việc cho nhân viên y tế, nhất là những người có chuyên môn cao.

Ba nguyên nhân chính của sự dịch chuyển

Việc dịch chuyển cán bộ y tế từ khu vực công sang khu vực tư nhân không phải là chuyện mới, nó đã diễn ra từ nhiều năm, khá tự nhiên, phổ biến ở các thành phố, đô thị lớn. Những năm gần đây, nhất là sau khi dịch Covid-19 bùng phát thì việc cán bộ y tế xin nghỉ việc, xin chuyển tới cơ sở y tế tư nhân đã trở thành làn sóng. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, trong hai năm 2021-2022 đã có hơn 10 nghìn cán bộ y tế xin nghỉ, chuyển đơn vị làm việc.

Theo phân tích của Bộ Y tế, có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cán bộ y tế dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư nhân. Thứ nhất, đó là áp lực công việc trong khu vực công cao, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cán bộ y tế là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch; có cường độ làm việc lớn, hầu như không có ngày nghỉ. Có những thời điểm ở những địa phương có dân số lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam, cường độ làm việc của nhân viên y tế cao gấp hai, ba lần ngày thường. Mặt khác, do phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng… ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, động lực làm việc của cán bộ y tế.

Nguyên nhân thứ hai là thu nhập ở các đơn vị y tế công lập thấp hơn so với ngoài công lập, với cán bộ y tế làm việc tại đơn vị y tế dự phòng và y tế cơ sở thì sự chênh lệch càng lớn. Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì mức thu nhập mỗi tháng chưa tới 5 triệu đồng, chỉ bảo đảm một phần nhu cầu của cuộc sống. Trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần.

Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm, dẫn đến nguồn thu của nhiều cơ sở y tế bị giảm, kéo theo thu nhập của nhân viên y tế giảm mạnh, nhiều đơn vị được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên không có nguồn để chi, phải chậm trả lương, đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến việc nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc để tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn.

Tại một số tỉnh miền núi, hải đảo, chính sách thu hút nhân viên y tế chưa thật sự tạo được động lực để giữ chân họ và tạo sức hút để đội ngũ cán bộ, viên chức y tế trẻ, có trình độ và năng lực đăng ký tuyển dụng tham gia làm việc; một số cán bộ sau khi học nâng cao đã xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển công tác. Trong khi đó, hệ thống cơ sở y tế tư nhân tại các địa phương ngày càng phát triển, môi trường làm việc thuận lợi, hiện đại, thân thiện, có nhu cầu tuyển bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có trình độ cao, chuyên môn sâu và những người đã có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Các cơ sở tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế.

Nguyên nhân thứ ba là áp lực của xã hội, gia đình và người thân. Cán bộ y tế cũng như những người lao động khác đều có nỗi lo về cuộc sống gia đình, cần bảo đảm điều kiện về ăn, mặc, ở, các chi phí điện, nước, học hành của con cái… nên khi mức thu nhập thấp trong khi công việc lại quá tải, cường độ và thời gian lao động tăng càng trở thành những áp lực lớn. Mặt khác, do môi trường làm việc đặc thù, cán bộ y tế phải thường xuyên chứng kiến sự ốm yếu, đau đớn của người bệnh, cá biệt là bệnh nhân tử vong mà mình không thể cứu chữa được, đồng thời chịu áp lực rất lớn từ người nhà bệnh nhân, thậm chí một số nhân viên y tế bị người nhà bệnh nhân đe dọa, sử dụng bạo lực, gây tâm lý hoang mang, lo sợ khi hành nghề, giảm sự nhiệt tình trong hoạt động nghề nghiệp…

Cần kết hợp động viên Với tạo cơ chế, chính sách

Để giữ chân cán bộ, thời gian qua, các cơ sở y tế công lập đã tổ chức các diễn đàn chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của viên chức y tế; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, công tác phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với nhân viên y tế, tạo môi trường làm việc thân thiện, bố trí, sử dụng cán bộ y tế hợp lý, trong đó ưu tiên cho những lĩnh vực khó khăn và cho y tế cơ sở.

Nhiều đơn vị, địa phương quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp; huy động các nguồn lực khác của xã hội để hỗ trợ vật chất cho viên chức y tế nhằm giảm bớt khó khăn…, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm phục vụ lâu dài. Các địa phương cũng tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho viên chức y tế, nhất là cán bộ có trình độ chuyên môn cao; đồng thời xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập và công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Hiện nay, Bộ Y tế đang tích cực đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức y tế; thực hiện việc mua sắm đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc giúp cho nhân viên y tế có thể cung cấp các dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu của người dân; đồng thời, chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp cần tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, công khai, minh bạch, dân chủ, xây dựng văn hóa công sở tạo điều kiện cho viên chức y tế gắn bó, tự hào về nghề nghiệp và tự hào về đơn vị công tác.

Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, trong đó nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% lên mức 100%. Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp các bộ, ngành xây dựng, sớm ban hành khung giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ kể cả giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế.

Tại tọa đàm “Ngành y vượt khó” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng: Ngành y tế đang đứng trước hai thách thức cơ bản, đó là nguồn nhân lực thiếu và yếu; tiền lương, thu nhập và đời sống của thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động rất khó khăn. Hai thách thức này làm cho các thầy thuốc, đội ngũ cán bộ ngành y tế khó yên tâm công tác và gắn bó với nghề. Do vậy, trước mắt phải điều chỉnh phụ cấp, tiền lương cho ngành y tế càng sớm càng tốt; còn về lâu dài, phải cải cách chính sách tiền lương của ngành y tế, đồng thời cải cách chính sách tiền lương của cả nước.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nêu rõ, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc cho các cơ sở, ngành y tế cũng như chính quyền địa phương cần tạo cơ chế, tạo môi trường làm việc tốt hơn cho đội ngũ nhân viên y tế. Việc đầu tư về nhân lực, trang thiết bị chính là điều kiện tiên quyết để y tế cơ sở phát triển và là tiền đề tạo động lực, giúp nhân viên y tế yên tâm, gắn bó lâu dài với nghề và giúp người dân tự tin đến khám và điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Khi có đủ nguồn nhân lực chất lượng, các cơ sở y tế công lập thu hút được người bệnh, thì đội ngũ nhân viên y tế có điều kiện tăng thêm thu nhập và trau dồi trình độ chuyên môn.

Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ có chính sách chưa thực hiện giảm số lượng người làm việc (giảm biên chế sự nghiệp) của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; cho phép tăng định mức số lượng người làm việc tối thiểu tại trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã; điều chỉnh số lượng người làm việc tại trạm y tế xã theo quy mô dân số để các cơ sở có đủ nguồn nhân lực cần thiết.