Các đồng chí lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh và lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Mường Ảng kiểm tra tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, đời sống cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại Mường Ảng. |
Cùng cán bộ và một số bà con đi thăm vườn cà-phê mới trồng của nhân dân bản Bua 2, xã Ẳng Tở trong chuyến công tác về Mường Ảng vừa qua, chúng tôi đã thấy niềm vui hiển hiện trên khuôn mặt mỗi người nông dân ở nơi đây.
Trò chuyện với chúng tôi khi tay vẫn thoăn thoắt nhổ cỏ, vun đất dưới gốc cây cà-phê, ông Lò Văn Nuôi, vui vẻ cho biết, vườn cà-phê này của gia đình ông có diện tích gần 1ha; toàn bộ cây giống, phân bón chăm cây được xã hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài cây giống, phân bón, trước khi triển khai trồng cây chúng tôi còn được cán bộ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp huyện, xã về hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây theo từng giai đoạn sinh trưởng. Thực hiện đúng theo hướng dẫn và chăm sóc cây thường xuyên, sau gần 2 tháng trồng trên đất mới toàn bộ cây trong vườn của gia đình ông đều phát triển tốt; các cây rất đều thân, đều lá.
Cùng bản Bua 2 với gia đình ông Nuôi, trong năm 2024 có hàng chục gia đình cũng được hỗ trợ cây cà-phê giống để trồng mới. Ông Quàng Văn Hải, Trưởng bản Bua 2, cho biết, ở bản Bua 2 có một số gia đình đã trồng, chăm sóc cà-phê đem lại hiệu quả kinh tế, cho nên khi nghe cán bộ xã thông tin các chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 có hỗ trợ cây giống thì bà con bản Bua 2 đều có nguyện vọng được hỗ trợ cây cà-phê để bà con trồng trên các diện tích đất sản xuất. Riêng năm nay, bản Bua 2 đã trồng thêm hàng chục héc-ta cà-phê; hiện cây phát triển tốt lắm!
Chung niềm vui được hỗ trợ cây giống và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà-phê như hàng nghìn gia đình khác trong huyện, song với ông Lò Văn Lả ở bản Xuân Nứa, xã Mường Lạn, thì vụ trồng mới cà-phê năm nay niềm vui như nhân lên nhiều phần.
Ông Lả, cho biết, gia đình ông đã trồng cây cà-phê nhiều năm nhưng năng suất không cao, vì không biết cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho cây. Vừa qua, được tham gia đào tạo nghề trồng, chăm sóc cà-phê do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức, ông đã hiểu được đặc tính sinh vật học, chu kỳ sinh trưởng, phát triển trong từng giai đoạn của cây và ông còn biết cách nhận biết các loại sâu bệnh hại cây theo từng giai đoạn sinh trưởng, từng mùa theo năm. Sau khi học nghề, ông Lả đã có thêm kiến thức để thực sự yên tâm khi quyết định vay thêm vốn mở rộng diện tích cà-phê của gia đình.
Ông Nguyễn Phùng Thông, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết, thực hiện dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” và dự án 3 “Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng”, Mường Ảng đã giao nguồn, bố trí kinh phí cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện làm chủ đầu tư thực hiện 10 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo liên kết theo chuỗi giá trị trong cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm quả cà-phê Catimor và chè hữu cơ cho 529 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ làm kinh tế giỏi, hộ dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo...
Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững có 430 lao động là con em đồng bào các dân tộc thiểu số được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp nhu cầu; 33 lao động được hỗ trợ đào tạo, xuất cảnh lao động nước ngoài và hơn 45 nghìn lượt người là hộ nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số được tập huấn nghiệp vụ, thực hiện thu thập thông tin nhu cầu lao động…
Nông dân bản Bua 2, xã Ẳng Tở chăm sóc cây cà-phê trồng theo mô hình liên kết sản xuất. |
Không chỉ quan tâm chăm lo đời sống, đào tạo nghề, hỗ trợ nhân dân các dân tộc chuyển đổi sản xuất, huyện Mường Ảng còn chú trọng công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Bùi Đức Mùi, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Ảng, cho biết, trong năm 2023, huyện đã tổ chức hai lớp tập huấn cho 103 người có uy tín; đưa người có uy tín đi học tập kinh nghiệm; đồng thời tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2024 huyện đã tổ chức được 9 cuộc phổ biến pháp luật đến 323 người dân tộc thiểu số; tổ chức 5 hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân là đồng bào các dân tộc thiểu số tại 5 xã: Ẳng Cang, Ẳng Tở, Xuân Lao, Mường Đăng, Ngối Cáy…
Trao đổi thêm về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Mường Ảng trong năm 2024, ông Đinh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, cho biết, từ đầu năm đến nay, Mường Ảng tiếp tục triển khai dự án, hợp phần thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2023 đến nay đã đạt nhiều kết quả. Toàn huyện có 137 công trình hạ tầng (điện, đường, trường học, thủy lợi…) được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu dân sinh tại địa phương. Các dịch vụ xã hội cơ bản của huyện được đầu tư, hỗ trợ nhằm từng bước nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội để người dân thụ hưởng; thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng từ 25 triệu đồng/người/năm (năm 2020) nay tăng lên 34,5 triệu đồng/người/năm (tại thời điểm 2023).
Từ nguồn vốn đầu tư của các chương trình, vốn xã hội hóa huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, các tổ chức, nhà hảo tâm Mường Ảng đã hoàn thành nhiều công trình trọng điểm, như: đường nội thị trục 42m, trục 27m; kè bảo vệ khu dân cư và công trình hạ tầng kỹ thuật suối Tin Tốc thị trấn Mường Ảng; chợ Trung tâm Búng Lao, nghĩa trang nhân dân huyện, công trình Trường mầm non Hoa Hồng, Trung tâm hội nghị… Các công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần quan trọng hoàn thiện hạ tầng huyện, phục vụ dân sinh, chỉnh trang đô thị huyện đồng bộ, hiện đại; đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của nhân dân các dân tộc.