Quảng Ninh dành nhiều chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

NDO - Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số bằng việc thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, chính sách đầu tư nhằm phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nâng lên rõ rệt.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan ngôi nhà cổ của người Sán Chỉ ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh.
Du khách tham quan ngôi nhà cổ của người Sán Chỉ ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh.

Quảng Ninh hiện có 42 thành phần dân tộc thiểu số với gần 163 nghìn người, cư trú, sinh sống rải rác ở hơn 85% diện tích của tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên…

Tỉnh đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chính sách riêng có để vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Quảng Ninh dành nhiều chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1

Thi gói bánh Cốc mò tại Lễ hội Trà Hoa vàng của huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh.

Với quan điểm mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành hàng chục chính sách riêng có về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền.

Ông Đặng Văn Thanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên nhiều năm qua luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, đặc biệt đã làm tốt vai trò gắn kết cộng đồng dân cư, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến nhân dân; vận động bà con xóa bỏ các hủ tục, giữ gìn bản sắc và truyền thống văn hóa của dân tộc Sán Chỉ.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Thanh cho biết: “Thôn Khe Ngàn có 100% là người dân tộc thiểu số. Văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc đang có xu hướng mai một. Bám sát định hướng của tỉnh, địa phương, tôi thường xuyên đề xuất đưa nội dung về giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa đồng bào dân tộc vào các buổi sinh hoạt của chi bộ, của thôn, đồng thời lựa chọn, đăng ký thành lập câu lạc bộ hát Soóng cọ; câu lạc bộ Bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của thôn. Đến nay, các câu lạc bộ này đã thu hút đông đảo người dân trong thôn tham gia, duy trì sinh hoạt đều đặn hằng tháng, góp phần phát triển văn hóa dân tộc Sán Chỉ trong thôn Khe Ngàn nói riêng, xã Đại Dực nói chung”.

Quảng Ninh dành nhiều chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2

Thi làm bánh dày ở Lễ hội Trà Hoa vàng của huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh.

Cùng với giúp nhân dân phát triển kinh tế, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của người dân trong xã, Ông Thanh đã cùng với chính quyền địa phương vận động được 14 hộ gia đình tham gia phát triển mô hình du lịch cộng đồng, cải tạo nhà ở, sân vườn làm mô hình homestay, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo diện mạo mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những năm qua, bằng năng lực và sự nhiệt huyết tuổi trẻ, Hà Thị Mai, dân tộc Tày ở xã Dân Chủ, thành phố Hạ Long đã phát huy tốt vai trò Bí thư Đoàn Thanh niên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, chị Mai cùng Ban Chấp hành Đoàn xã triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế giúp người dân địa phương vươn lên thoát nghèo, tích cực xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa truyền thống, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền hội viên và nhân dân trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương giúp người dân gia tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Có thể thấy rõ hiệu quả của việc không ngừng nâng cao chất lượng cán bộ dân tộc thiểu số luôn được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm, coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quảng Ninh dành nhiều chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 3

Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh tặng ảnh Bác Hồ và cờ cho người dân xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố chịu tác động do sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh Quảng Ninh ưu tiên bố trí hơn 3.400 tỷ đồng vốn đầu tư công ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ nguồn vốn này đã thu hút hơn 6.100 tỷ đồng vốn tín dụng và vốn xã hội hóa cho thực hiện chương trình.

Các nguồn vốn đều được bố trí có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các mục tiêu của chương trình đã đề ra. Từ đó, tiếp tục tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về diện mạo, tạo ra tiềm lực và động lực mới cho sự phát triển bền vững của vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh đạt hơn 73 triệu đồng, tăng gần 30 triệu đồng so với năm 2020; cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số. Quảng Ninh cũng hoàn thành toàn diện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã và mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tiêu chí quốc gia của giai đoạn 2021-2025, về đích trước 2 năm so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo có 31/64 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 13/64 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; năm 2024, tiếp tục phấn đấu 7 xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu.

Quảng Ninh dành nhiều chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 4

Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh thường xuyên phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền nơi đóng quân tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân.

Anh Dường A Tài ở thôn Phật Chỉ, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu cho biết: “Những năm gần đây, được Đảng, Nhà nước quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều chính sách phù hợp với người dân đã thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhất là trường học được đầu tư xây mới khang trang nên trẻ em đi học yên tâm. Những hộ nghèo trong xã được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đời sống văn hóa tinh thần ngày càng được nâng cao, người dân chúng tôi rất phấn khởi”.

Quan điểm của Quảng Ninh không chỉ dừng lại ở việc lo cho đồng bào dân tộc thiểu số có cơm ăn, áo mặc, trẻ em được học hành, mà còn từng bước tạo dựng nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nền kinh tế phát triển bền vững, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống; đoàn kết yêu thương, đùm bọc nhau, gắn kết cùng cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng giữ vững quốc phòng-an ninh biên giới, quốc gia, dân tộc.

Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã phê duyệt 4 đề án và các kế hoạch thực hiện khôi phục, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, nghiên cứu, đề xuất công nhận các giá trị văn hóa phi vật thể của một số dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và xây dựng các thiết chế thể thao, văn hóa tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Quảng Ninh dành nhiều chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 6

Nhiều mô hình phát triển kinh tế đã mang lại hiệu quả cao cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Với phương châm lấy người dân làm trung tâm, mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển của tỉnh, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Bằng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, cũng như tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa, cách mạng, tinh thần yêu nước, chủ động, sáng tạo và ý chí tự lực, tự cường, vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.