Vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên

Chiều 12/7, Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mường Ảng đã có vốn mở rộng diện tích cây cà-phê, thoát nghèo bền vững.
Nhờ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mường Ảng đã có vốn mở rộng diện tích cây cà-phê, thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên, khẳng định: Việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại tỉnh Điện Biên đã huy động sự vào cuộc, sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội.

Sau 10 năm thực hiện thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tổng nguồn vốn và dư nợ tín dụng chính sách của Điện Biên tăng gấp ba lần so với năm 2014 (tổng nguồn vốn đạt 4.940 tỷ đồng; dư nợ đạt 4.931,6 tỷ đồng (tăng 3.314,4 tỷ đồng). Tỷ lệ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 20%.

Nguồn vốn cho vay từ ngân hàng chính sách xã hội Điện Biên chủ yếu tập trung vào các ngành, nghề trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, giúp hơn 220 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo sinh kế và việc làm ổn định, góp phần chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn, giúp người nghèo vươn lên; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm từ 3-4%/năm.

Cũng từ nguồn vốn chính sách xã hội, trong 10 năm qua, toàn tỉnh Điện Biên có gần 21 nghìn lao động, 296 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, 560 học sinh sinh viên vay vốn để học chuyên nghiệp. Tỉnh Điện Biên có thêm 41 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hợp vệ sinh được đầu tư xây dựng; 4.120 hộ được vay vốn hỗ trợ làm nhà ở...

Các kết quả đó góp phần quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh và biên giới và nâng cao niềm tin của nhân dân các dân tộc đối với chính sách của Đảng và Nhà nước.

Vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên ảnh 1

Cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Nhé về cơ sở hỗ trợ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số làm thủ tục vay vốn.

Để tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách, góp phần tích cực hơn nữa vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, sớm đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực, đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các cấp các ngành chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội, lồng ghép với phát huy vai trò của nguồn lực về vốn tín dụng ưu đãi. Triển khai thực hiện kịp thời các chương trình tín dụng chính sách xã hội phù hợp, góp phần tích cực hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình an sinh xã hội của tỉnh; bảo đảm các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.

Ghi nhận thành tích của các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tại hội nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tặng Bằng khen cho 15 tập thể, cá nhân; Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tặng Giấy khen cho 13 tập thể và cá nhân có đóng góp trong phối hợp thực hiện tín dụng chính sách xã hội.