Đà Nẵng di dời người dân đến nơi an toàn trước 17 giờ chiều nay

NDO - Đến trước 17 giờ chiều nay, 26/9, chính quyền thành phố Đà Nẵng yêu cầu tất cả các địa phương tổ chức di dời, sơ tán toàn bộ người dân tại các khu vực trũng, thấp, vùng ven biển có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét… đến nơi ở an toàn, trước khi bão Noru (bão số 4) đổ bộ đất liền.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội giúp dân khu vực thấp trũng tại quận Liên Chiểu chằng chống bão sáng 26/9.
Bộ đội giúp dân khu vực thấp trũng tại quận Liên Chiểu chằng chống bão sáng 26/9.

Ghi nhận tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), ngay từ sáng sớm 26/9, lực lượng chức năng đã đến tận nhà những hộ dân thuộc diện nhà tạm, không kiên cố… trên địa bàn để rà soát, vận động người dân đến nơi tránh trú bão an toàn.

Cũng trong thời điểm này, người dân sống tại ven biển phường Thọ Quang đang hỗ trợ lẫn nhau dùng những vật dụng như: dây thừng, bao cát… để gia cố tài sản. Các hộ cũng chuẩn bị nhu yếu phẩm để đến nơi trú bão an toàn.

Tại khu vực Suối Đá, hiện có 18 hộ gia đình đang sinh sống. Hầu hết các gia đình thuộc diện di dời nhà cửa đều tạm bợ, không bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ.

Người dân được lực lượng chức năng vận động ký cam kết chấp nhận sơ tán trước 17 giờ cùng ngày.

Ông Nguyễn Văn Hiệp (trú tổ 36, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, sáng nay đã xin nghỉ làm để cùng vợ con tỉa cây, gia cố mái nhà trước giờ đi di tản theo yêu cầu của chính quyền.

“Rất cảm ơn các cấp chính quyền đã quan tâm đến người dân. Nhà tạm bợ nên chúng đã chuẩn bị sẵn tinh thần để sơ tán đi nơi khác. Gia đình sẽ ở tạm nhà người thân trong 2-3 ngày tới”, ông Hiệp nói.

Đà Nẵng di dời người dân đến nơi an toàn trước 17 giờ chiều nay ảnh 1
Lực lượng chức năng phường Thọ Quang vận động, tuyên truyền đến 18 hộ dân khu vực sạt lở tại Suối Đá, sáng ngày 26/9.

Vừa ký vào biên bản chấp hành sơ tán và di dời trước 17 giờ chiều cùng ngày, anh Đinh Công Thành (trú tổ 36, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) chia sẻ: “Nghe trên báo đài dự báo đợt bão này mạnh nên gia đình tôi rất lo lắng. Mấy đứa nhỏ đã được gửi ở nhà người thân, tôi và vợ sẽ dọn dẹp, chằng buộc kiên cố tài sản trước 17 giờ hôm nay như đã cam kết”.

Ông Phan Hoàng Thủy, cán bộ phường Thọ Quang cho biết, nhận sự chỉ đạo của chính quyền hỗ trợ người dân ứng phó với bão số 4, ngay từ sáng sớm, lực lượng đã đến nhà người dân để thông báo, giúp vận chuyển những tài sản quý giá đến nơi an toàn trú bão.

“Mặc dù trời mưa nhưng anh em vẫn cố gắng đến từng nhà sớm nhất để hỗ trợ, vì đây là cơn bão rất mạnh. Trong quá trình vận động, người dân tuân thủ chấp hành theo chủ trương, mọi công việc sẽ hoàn thành trước 17giờ chiều nay.

Chính quyền sẽ lo ăn uống cho những hộ thuộc diện di dời, trường hợp không chấp hành sẽ cưỡng chế để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân”, ông Thủy thông tin.

Ngay trong tối ngày 25/9, nhiều lực lượng công an, bộ đội, thanh niên đã nhanh chóng hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng xung yếu chằng chắn mái tôn, cửa ngõ và di dời toàn bộ thuyền thúng, tàu cá vào bờ an toàn. Toàn bộ tàu du lịch trên sông Hàn đã được di dời vào khu vực tránh trú bão an toàn.

Trung tá Nguyễn Công Nhân, Chỉ huy phó Bộ Chỉ huy Quân sự quận Sơn Trà, cho biết, lực lượng vũ trang địa phương chia thành từng nhóm đến nhà dân tiếp tục chằng chống nhà cửa.

“Trước đó, lực lượng tại chỗ chằng chống nhà cửa của đơn vị, đồng thời cử lực lượng xuống phối hợp với 7 phường để đến giúp người dân ứng phó với bão Noru. Tại 4 phường giáp biển, lực lượng vũ trang đã chuyển hơn 100 thúng của ngư dân lên bờ an toàn. Ngoài ra, các lực lượng báo cáo lên nhà sập, xiêu vẹo là khoảng 40 hộ”, trung tá Nhân thông tin.

Đà Nẵng di dời người dân đến nơi an toàn trước 17 giờ chiều nay ảnh 2

Công an phường Thuận Phước hỗ trợ ngư dân di dời tàu cá lên bờ.

Trưa cùng ngày, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh quyết định cho toàn bộ học sinh thành phố gồm trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên nghỉ học từ chiều thứ hai ngày 26/9 đến khi có thông báo đi học lại của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố.

Các trường, trung tâm ở địa bàn thấp trũng, dễ bị ngập lụt hoặc được chọn làm nơi sơ tán dân đến tránh bão, thường xuyên theo dõi diễn biến mưa, lũ, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện, chủ động đề xuất phương án cho trẻ mầm non, học sinh, học viên nghỉ học phù hợp với tình hình thực tế.

Các trường đại học tư thục theo dõi tình hình bão, liên hệ với chính quyền địa phương nơi trường đóng chân, chủ động quyết định thời gian cho sinh viên nghỉ học để bảo đảm an toàn và các yêu cầu về phòng, chống bão.

Các cơ quan, công sở nghỉ làm từ trưa mai (ngày 27/9) trừ lực lượng làm nhiệm vụ và phòng, chống bão lụt. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng tổ chức 20 đội cơ động cứu hộ cứu nạn với 500 cán bộ, chiến sĩ, 3 xe bọc thép lội nước, sẵn sàng cứu dân ở bất cứ thời điểm nào, ở đâu trên địa bàn thành phố. Sở Y tế tổ chức 15 tổ cấp cứu lưu động, 15 xe cấp cứu, sẵn sàng cấp cứu người bị nạn do bão, lũ.