Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện số 17 yêu cầu các địa phương, cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ các phương tiện tàu thuyền ra khơi; tổ chức kiểm đếm theo dõi tàu, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến; bảo đảm an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội, an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo, ven biển, công trình đang thi công.
Khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các công trình cột tháp cao; bảo đảm an toàn các tuyến đê sông, đê cửa sông, đê biển, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt; chủ động thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch.
Theo báo cáo nhanh, mưa lớn gây ngập nước 36ha lúa ở huyện Nông Cống và các địa phương ảnh hưởng đã chủ động khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước đệm, vận hành công trình trị thủy.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty thủy nông sông Chu Lê Văn Thủy trao đổi: các đơn vị trực thuộc đang vận hành 60 máy bơm, công suất bơm 30 nghìn m3/giờ chống úng, chủ động tiêu thoát nước cho 6.000ha lúa cho các xã vùng 3 ở huyện Nông Cống và các xã ven sông Hoàng thuộc huyện Triệu Sơn.
Từ tối 23/9 đến thời điểm này, Ban quản lý hồ thủy lợi Yên Mỹ đã tiến hành xả 60m3 nước/giây; Ban quản lý các hồ thủy lợi Đồng Chùa xả 20m3 nước/giây nhằm hạ thấp mực nước trong lòng hồ, chủ động đón mưa lũ.
Theo báo cáo của Chi cục thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có 610 hồ chứa, trong đó có 191 chứa đã đầy nước, còn lại 419 hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường.
Hiện các doanh nghiệp quản lý, khai thác các công trình thủy lợi bố trí lực lượng thường trực, sẵn sàng, chủ động triển phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu.
Các địa phương, cơ quan liên quan chủ động kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, hướng dẫn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố theo phương châm “bốn tại chỗ”.