Cột mốc nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc

Di tích miếu Ông - miếu Bà là minh chứng của quá trình chinh phục tự nhiên khai phá vùng đất biên giới phía bắc Tổ quốc, cũng như công cuộc chống giặc ngoại xâm gìn giữ non sông, bờ cõi của các thế hệ cha ông ta. Di tích có giá trị như một “cột mốc văn hóa” trường tồn, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam nơi địa đầu Đông Bắc Tổ quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Miếu Ông tọa lạc bên bờ sông Ba Chẽ, thuộc xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh.
Miếu Ông tọa lạc bên bờ sông Ba Chẽ, thuộc xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh.

Chúng tôi lên thuyền đi về phía thượng nguồn của sông Ba Chẽ, dòng sông vẫn giữ nguyên được cảnh sắc hoang sơ và thiên nhiên kỳ thú. Nước sông trong xanh uốn lượn êm đềm, với nhiều thác ghềnh được bao bọc bởi những cánh rừng xanh ngút ngàn, với hệ động, thực vật phong phú.

Anh Hà Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ba Chẽ cho biết: Địa thế của sông Ba Chẽ có nhiều nhánh nhỏ thông nhau, rất thuận lợi cho việc bày binh bố trận thủy chiến trên sông. Riêng khu vực ngã ba sông, lòng sông sâu và rộng hơn các khu vực khác, có thể đi được tàu nhỏ hoặc thuyền độc mộc. Dòng sông Ba Chẽ cũng là nơi ghi dấu chiến công hiển hách của Tướng quân Lê Bá Đức cùng quân và dân nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên-Mông ở thế kỷ 13.

Theo các tài liệu được lưu giữ, miếu Ông thờ Đức thánh Phù Trần tả tướng quân Lê Bá Đức, người có công lớn cùng quân và dân nhà Trần đánh giặc Nguyên-Mông ở thế kỷ 13. Vào tháng 2/1285, trong cuộc hành quân chiến lược để tạo thế và lực chống quân Nguyên-Mông, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và Vua Trần Nhân Tông đã đi qua sông Ba Chẽ. Hộ giá có tướng quân Lê Bá Đức, ông không chỉ là người cầm quân giỏi, mà còn có những quyết sách đúng đắn.

Nhận định được sức mạnh của quân giặc, tả tướng quân đã cho người cùng hộ giá vua và Thái Thượng Hoàng rời thuyền đi bộ đến Thủy Chú để tiếp tục hành trình vào Thanh Hóa. Trong một lần đánh giáp lá cà với quân giặc, tướng quân Lê Bá Đức đã hy sinh. Cảm phục trước tấm lòng hy sinh vì nước, vì dân, nhân dân địa phương đã xây một ngôi miếu để thờ ông và phong là Thành hoàng của làng.

Đối diện với miếu Ông ở bên kia bờ sông Ba Chẽ là miếu Bà, là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn (tức Bà chúa của rừng xanh). Theo truyền thuyết, Mẫu là con gái của Sơn Tinh (tức Tản viên Sơn Thánh) và công chúa Mỵ Nương (con gái Vua Hùng thứ 18), bà đã có công dạy người dân miền núi cách trồng cây ăn quả, lúa nương, đắp ruộng bậc thang, dựng nhà cửa, hái cây thuốc để chữa bệnh.

Những người dân nơi đây vẫn luôn tin rằng Mẫu Thượng Ngàn và tả tướng quân Lê Bá Đức luôn dõi theo phù hộ cho đời sống của 10 dân tộc anh em trên địa bàn huyện Ba Chẽ được bình an, ấm no và hạnh phúc.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Chẽ Đinh Thị Vỹ cho biết: Đến nay, giá trị văn hóa, lịch sử của miếu Ông - miếu Bà đã được làm rõ. Là di tích có từ thời Trần, được tôn tạo và phục dựng, trở thành di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và là niềm tự hào của người dân Ba Chẽ, khẳng định vùng đất và con người từ hàng trăm năm trước đã đoàn kết, đứng lên chống giặc ngoại xâm, ghi dấu ấn lịch sử. Ngày nay miếu Ông - miếu Bà trở thành địa chỉ tín ngưỡng linh thiêng không chỉ của đông đảo người dân thuộc 10 dân tộc anh em trên địa bàn huyện Ba Chẽ, mà còn là nơi chiêm bái của du khách thập phương mỗi khi về với Ba Chẽ.

Lễ hội miếu Ông - miếu Bà được tổ chức vào ngày 1/3 âm lịch hằng năm, để tỏ lòng biết ơn những người có công với nước. Nét độc đáo của lễ hội là tục rước nước từ sông Ba Chẽ về để tế thần. Bên cạnh đó, có lễ rước bài vị tả tướng quân Lê Bá Đức, lễ mộc dục (tắm tượng), lễ dâng hương của nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ và du khách thập phương, bày tỏ lòng thành kính đối với bậc tiền nhân đã có công với nước.Trong khuôn khổ của lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian, như: thi gói bánh chưng, đẩy gậy, chọi chim, bắt vịt, chèo thuyền.

Quần thể miếu Ông - miếu Bà được ví như “cột mốc văn hóa” trường tồn nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, đang góp phần phát huy mạnh mẽ những giá trị văn hóa truyền thống, tạo sự gắn kết cộng đồng trong khối thống nhất của tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, đồng thời tiếp tục giữ gìn, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương vùng Đông Bắc.