Công bố kết quả khảo sát doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính

Sáng 3/11, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USADID) tổ chức Hội thảo công bố kết quả “Khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành năm 2021”.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Cuộc khảo sát được thực hiện với 2 nội dung chính: Việc thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia; việc thực hiện thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành.

Báo cáo kết quả khảo sát đã phân tích các ưu, nhược điểm của Cơ chế một cửa quốc gia, nêu ra các tồn tại, vướng mắc trong khâu thực hiện thủ tục của từng bộ, ngành liên quan trên Cổng thông tin một cửa cũng như các tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành; từ đó đề xuất các giải pháp để khắc phục những tồn tại hạn chế trong quy trình thủ tục, phương pháp thực hiện để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp cũng như trong thời gian tới.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường: Tổng cục Hải quan là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và là cơ quan đầu mối thực hiện Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.

Với mong muốn tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã, đang và sẽ nỗ lực phối hợp, hợp tác với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính và hiện đại hóa các khâu thực hiện thủ tục trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của cơ chế này cũng như sẽ tích cực đẩy mạnh triển khai Đề án, hướng tới mục tiêu cải cách toàn diện và thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan hy vọng, qua báo cáo đo mức độ hài lòng này các bộ, ngành và các bên liên quan có được một cái nhìn khách quan về thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc triển khai thủ tục hành chính của cơ quan mình tại Cổng Thông tin một cửa quốc gia, qua đó xác định được những tồn tại, vướng mắc để có những giải pháp cải cách đột phát hơn nữa.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết: Trong bối cảnh chịu tác động to lớn của dịch Covid-19 cùng những biến động khó lường của kinh tế-chính trị thế giới, song xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn là lĩnh vực có thành quả nổi bật của Việt Nam thời gian gần đây. Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 của Việt Nam đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, dự kiến cả năm có thể đạt hơn 700 tỷ USD.

Những con số này cho thấy nỗ lực vượt khó phi thường của các doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời, phản ánh những cố gắng to lớn của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và các bộ, ngành trong công tác cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.

“Tổng hợp kết quả khảo sát của hơn 3.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong năm 2022, đã phản hồi nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây. Trong đó, số đông các doanh nghiệp cho biết Cổng Thông tin một cửa quốc gia được vận hành tương đối tốt; quá trình thực hiện thủ tục trực tuyến trên Cổng thuận lợi hơn; việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua Cổng Thông tin một cửa quốc gia đã giúp giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng quan sát thấy những chuyển biến tích cực tương tự trong lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành…”, đồng chí Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đại diện VCCI, kết quả khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp tiếp tục mong muốn các bộ, ngành có thêm nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả của Cổng Thông tin một cửa quốc gia và đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.

Quyền Giám đốc USAID Việt Nam Bradley Bessire nhận định: USAID tin rằng đối thoại giữa các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với khu vực tư nhân sẽ mang lại sự minh bạch và các cải cách hiệu quả hơn. Nếu được thực hiện, các kết quả của cuộc Khảo sát sẽ giúp đẩy mạnh cải cách hơn nữa ngành Hải quan. Chúng ta cần phải chúc mừng cơ quan Hải quan Việt Nam vì những cải cách này đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, thương nhân và nhà đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.