Chống lao, đừng như chống lũ dưới nguồn

Ðể đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao còn rất nhiều việc phải làm, cần có quyết tâm chính trị và sự vào cuộc của toàn thể nhân dân cũng như những giải pháp cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức. Tại cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao mới đây, những khó khăn đã được chỉ rõ và các giải pháp cũng được “gọi tên”, thậm chí có ý kiến cho rằng, chống lao đừng như chống lũ cuối nguồn.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh HOÀI MINH)
Bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh HOÀI MINH)

Trong giai đoạn 10 năm qua, thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, Chương trình chống lao quốc gia phát hiện khoảng một triệu ca lao mới trên toàn quốc (khoảng 100 nghìn ca mỗi năm), với tỷ lệ điều trị thành công là khoảng 90% trên tổng số các ca được phát hiện. Chương trình chống lao có mạng lưới y tế từ trung ương đến địa phương tích hợp vào hệ thống y tế chung.

Mạng lưới chống lao đã phủ kín toàn quốc đến xã phường, thôn bản, cùng với sự phối hợp của hệ thống y tế công lập và y tế tư nhân. Chương trình đang triển khai các can thiệp toàn diện để tăng cường phát hiện sớm và điều trị thành công các thể của bệnh lao (lao thường, lao đa kháng, tiền siêu kháng, siêu kháng và lao tiềm ẩn)... Việt Nam cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong việc áp dụng nhanh và hiệu quả các công nghệ mới, can thiệp mới, đồng thời phối hợp triển khai nhiều nghiên cứu khoa học đột phá, từ thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu can thiệp dịch tễ đến nghiên cứu vắc-xin lao mới...

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh và gánh nặng bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm Việt Nam có thêm 172 nghìn người mới mắc lao và khoảng 13 nghìn người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông.

Mỗi năm, nước ta có khoảng 9.200 ca bệnh lao đa kháng thuốc mới mắc, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị. Ðáng chú ý, số bệnh nhân lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hằng năm mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân ước tính. Như vậy, vẫn còn gần 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị hoặc chưa báo cáo.

Ðể có thể đạt được các mục tiêu hướng tới cơ bản chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035, Chương trình chống lao cần phải khắc phục được khó khăn, thách thức. Ðó là tập trung hoàn thiện mạng lưới các cơ sở tham gia công tác phòng chống lao; khắc phục ngay tình trạng thiếu nhân lực (từ tuyến tỉnh xuống đến huyện, xã) trong công tác phòng chống lao. Nguồn kinh phí cho hoạt động phòng chống lao vẫn còn hạn chế.

Bảo hiểm y tế là một giải pháp bền vững cho các dịch vụ khám, chữa bệnh lao, nhưng mới có khoảng 32% tổng số xã, phường triển khai cấp phát thuốc lao bằng nguồn bảo hiểm y tế do chưa đáp ứng các quy định về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Nhận thức của một bộ phận người dân về bệnh lao vẫn chưa đầy đủ, còn tồn tại sự kỳ thị đối với bệnh nhân lao, dẫn đến nhiều người bệnh mặc cảm giấu bệnh, chậm trễ trong đi khám phát hiện, điều trị bệnh, làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Trên cơ sở Công điện ngày 25/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống lao quốc gia đề xuất Chính phủ và Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao phê duyệt Chiến lược phòng chống lao quốc gia trong giai đoạn mới, tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm nguồn lực, tăng cường đầu tư và triển khai các hoạt động phòng chống lao; chỉ đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành chính sách thu hút nhân lực làm công tác phòng chống bệnh lao; ưu tiên đầu tư và bố trí ngân sách cho hoạt động phòng chống lao.

Ðề xuất Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ công tác phòng chống lao cho các địa phương; hỗ trợ rà soát và kịp thời phê duyệt các hướng dẫn chuyên môn về phát hiện, chẩn đoán, điều trị và quản lý, dự phòng bệnh lao; hỗ trợ các cơ sở pháp lý và giải pháp để bảo đảm nguồn lực cho hoạt động phòng chống lao... Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố thông tin nếu đầu tư 1 USD cho phòng chống lao có thể đem lại cho xã hội 39 USD. Như vậy đầu tư cho phòng chống bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững của xã hội.

Nếu chỉ tối ưu hóa các hoạt động phòng chống lao như hiện nay, thực hiện bao phủ y tế toàn dân và bảo trợ xã hội, tỷ lệ mắc lao mới sẽ giảm nhưng không thể đạt mục tiêu đặt ra trong kiểm soát, tiến tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam. Do vậy cần phá vỡ “quỹ đạo” dịch tễ thường quy của bệnh lao thông qua đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ, áp dụng đồng bộ vắc-xin mới, thuốc mới, phác đồ điều trị mới. Việc chống lao phải như chống lũ, nhưng đừng chống lũ dưới nguồn.

GS,TS Ðinh Ngọc Sỹ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (tại cuộc họp Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao)

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Ðức cho rằng, cần tập trung nguồn lực mạnh mẽ, triển khai điều tra dịch tễ sâu trong cộng đồng để tạo chuyển biến căn bản trong công tác phòng chống bệnh lao.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ hàng đầu của Bộ Y tế là ban hành quy định, hướng dẫn chuyên môn về công tác dự phòng, phát hiện, điều trị bệnh nhân lao từ tuyến cơ sở đến trung ương. Ðây là căn cứ để phân công nhiệm vụ, xác định nhu cầu nhân lực trong các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, khu vực đặc thù… nhằm kiện toàn, củng cố bộ máy, tổ chức hệ thống phòng chống lao thống nhất, xuyên suốt trong phạm vi cả nước. Bảo đảm cung ứng đủ nguồn lực qua bảo hiểm y tế hoặc từ ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực xã hội dành cho các hoạt động phòng chống lao.

Ðể đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam như đã cam kết với thế giới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế cùng các bộ, ngành trung ương và địa phương tăng cường chỉ đạo công tác truyền thông về tình hình, các biện pháp phòng chống và khả năng tiếp nhận điều trị người mắc lao để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác phòng và điều trị bệnh lao.

Bộ Y tế phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tổng kết 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; cập nhật nội dung về thực trạng, các vấn đề về phòng chống bệnh lao vào báo cáo kinh tế-xã hội gửi Quốc hội để đề xuất với Quốc hội về nguồn lực, chính sách triển khai. Mặt khác, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để khuyến khích cán bộ, nhân viên y tế tham gia và bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng chống bệnh lao; nghiên cứu, đề xuất đề án mô hình tổ chức phòng chống bệnh lao phù hợp; xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống bệnh lao…

Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động và triển khai các nội dung tại Công điện số 25/CÐ-TTg ngày 25/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh lao; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần lồng ghép các chỉ tiêu về phòng chống bệnh lao vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm, bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng chống lao…