Người lính Điện Biên ở Phố Lu

Nhìn động tác tỉa cây, cho chim ăn, kiểm tra đàn ong nuôi, thậm chí bắt gà để chuẩn bị bữa trưa, điều khiển xe máy dễ dàng, chẳng ai nghĩ ông đã 92 tuổi, người cha của 8 người con và người ông của hơn 40 cháu, chắt. Nhưng đó lại là công việc thường ngày của người lính Ðiện Biên năm xưa đang sinh sống tại thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai - ông Nguyễn Công Sứ. Mặc dù sinh ra, lớn lên tại Hải Phòng, ông Sứ đã coi Lào Cai như quê hương thứ hai của mình, luôn cố gắng, nỗ lực xây dựng mảnh đất này như những ngày đầu lên Tây Bắc cách đây 62 năm.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Công Sứ chăm sóc vườn cây cảnh.
Ông Nguyễn Công Sứ chăm sóc vườn cây cảnh.

Việc gặp một người lính Ðiện Biên ở Phố Lu trong dịp cả nước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ thật sự là may mắn khi ý định ban đầu của chúng tôi tới Lào Cai chỉ để chuẩn bị cho cuộc trekking đỉnh Ngũ Chỉ Sơn cao 2.858m rồi tình cờ trò chuyện với một người bạn cũng leo cùng này và biết được chị là con dâu của ông Sứ.

Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu

Sinh năm 1932 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Sơn Ðông, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, ông Sứ bắt đầu cuộc trò chuyện về cuộc đời đã gắn với những thăng trầm của lịch sử dân tộc một cách rõ ràng, rành mạch, như thể mọi diễn biến chỉ mới vừa hôm qua. Những chi tiết cứ hiện dần lên như những mảnh ghép ký ức được chắp lại của quá khứ, chiến tranh và hòa bình, kéo dài từ Hải Phòng đến Ðiện Biên và Lào Cai.

Những ngày ở Hải Phòng, ông Sứ đã trải qua những ngày không quên phải chứng kiến nạn đói năm 1945, sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, cuộc Tổng khởi nghĩa đánh đuổi Nhật-Pháp, giành chính quyền và thành công của Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Thế nhưng khi ấy, thực dân Pháp vẫn không từ bỏ ý định xâm chiếm nước ta một lần nữa và ở quê hương ông Sứ chúng liên tiếp gây ra các cuộc thảm sát đẩy ba anh em ông vào cảnh mồ côi.

Căm thù giặc Pháp và tay sai, chàng thanh niên Nguyễn Công Sứ quyết tâm đi theo cách mạng. Năm 1951, bị giặc Pháp bắt và hai lần suýt chết; ở nhà một thời gian, đầu năm 1952, Nguyễn Công Sứ viết đơn xin đi bộ đội và gia nhập Ðại đoàn 304 (nay là Sư đoàn 304) ở Thanh Hóa, với vị trí của một người lính thông tin. Sáng học chính trị, chiều ra thao trường, ông Sứ đã tham gia các chiến dịch như Hòa Bình (tháng 2/1952), Thượng Lào (tháng 5/1953) và sau đó trở lại Ðiện Biên để chuẩn bị cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm 1954.

Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Ðại đoàn 304 của ông có nhiệm vụ kiềm chế các trận địa pháo binh của Pháp ở Hồng Cúm, chặn quân tiếp viện từ Hồng Cúm lên Mường Thanh và đánh quân nhảy dù ở chung quanh và phía nam Hồng Cúm. Trong đợt 3 của chiến dịch, Trung đoàn 57 của Ðại đoàn 304 được phối thuộc một tiểu đoàn của Trung đoàn 9, cử một tiểu đoàn chốt chặn trên đường đi Tây Trang không cho quân địch rút chạy sang Lào, siết chặt vòng vây chung quanh Hồng Cúm, tập kích trận địa pháo binh, tiêu diệt khu C Hồng Cúm.

Sau chiến dịch Ðiện Biên Phủ, ông Sứ được điều lên văn công Ðại đoàn nhờ chơi guitar giỏi, giọng hát tốt và thậm chí sáng tác được cả nhạc. Khi đó, ông nổi tiếng ở khắp các trung đoàn và bộ đội hầu như ai cũng biết ông.

Hòa bình lập lại nhưng ông Sứ gặp vấn đề về sức khỏe với những cơn sốt rét kéo dài liên miên. Ông được về Quảng Yên (Quảng Ninh) để điều trị và nghỉ ngơi. Nhờ những thành tích đạt được, ông Sứ vinh dự được tham dự Ðại hội Thi đua quyết thắng trong quân đội ở Hà Nội năm 1957. Sau đó, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, trước khi cuộc đời ông sang một ngã rẽ mới, ở quê hương mới.

Tháng 11/1961, tỉnh Kiến An (nay là thành phố Hải Phòng) và tỉnh Lào Cai tổ chức kết nghĩa toàn diện giữa hai tỉnh. Nhiệm vụ cách mạng to lớn mà hai tỉnh xác định là sẽ vận động hàng chục nghìn người dân Hải Phòng lên Lào Cai để xây dựng kinh tế, văn hóa.

Và như những câu thơ trong bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, rằng “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc/Khi lòng ta đã hóa những con tàu/Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu…”, ông Sứ với khát vọng cống hiến và xây dựng miền bắc xã hội chủ nghĩa đã xung phong lên Lào Cai năm 1962. Ký ức về những ngày gian khó đó vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của ông nhưng hơn 60 năm qua, ông và gia đình đều một lòng gắn bó với Lào Cai, với huyện Bảo Thắng và coi đây như là quê hương thứ hai của mình, như “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ/Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?/Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!” (Tiếng hát con tàu).

Dựng xây quê hương mới

Về phụ trách công tác tổ chức ở Xí nghiệp vật liệu Ty Kiến trúc được vài tháng thì ông Sứ lại lên đường đi tiễu phỉ ở xã Pha Long, huyện Mường Khương năm 1963. Thời điểm này, ông có những câu thơ để ghi lại hành trình gian khổ đó như: “Ðường mòn dốc đá chơi vơi/Mưa ngàn nắng núi đất trời Pha Long” hay “Mặc cho gian khổ bao ngày/Bao giờ diệt hết bọn mày mới thôi”…

Sau tiễu phỉ, ông Sứ về công tác ở Xí nghiệp vật liệu xây dựng, làm Phó Bí thư Chi bộ và Thư ký Công đoàn. Năm 1965, ông làm Bí thư Chi bộ Ty Thể dục Thể thao tỉnh Lào Cai. 10 năm sau, Quốc hội khóa V ra nghị quyết hợp nhất các tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Trong giai đoạn 1976-1991 cho đến khi Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Hoàng Liên Sơn để tái lập hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, ông Sứ có thời gian làm Ðoàn trưởng đoàn cán bộ tăng cường biên giới ở Lào Cai, ngay trước thời điểm chiến tranh biên giới nổ ra. Tưởng chỉ đi ba năm nhưng rồi thành sáu năm ông xa gia đình và sau đó, tưởng như ông sẽ về tỉnh công tác, cuối cùng ông lại gắn bó với huyện Bảo Thắng, làm Trưởng phòng Văn hóa huyện cho đến khi về hưu lúc 56 tuổi.

Về hưu được vài tháng, Ðảng ủy thị trấn Phố Lu lại yêu cầu ông giúp đỡ củng cố Chi bộ tổ dân phố Phú Cường 1, với vai trò Bí thư Chi bộ. Ở vai trò này, ông càng có điều kiện gần dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển và nâng cao đời sống cho gia đình. Nên nói thêm trong những năm cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, cho Lào Cai, ông không thể san sẻ trách nhiệm nuôi dạy 8 người con với bà Nguyễn Thị Lư, người đã trở thành hậu phương vững chắc và giúp ông yên tâm công tác. Vì thế, khi trở về gia đình, ông luôn suy nghĩ phải phát triển kinh tế để bù đắp những khó khăn, cơ cực mà người vợ đã trải qua.

Nhờ có tài, khả năng thích ứng nhanh trong mọi hoàn cảnh, ông Sứ xoay xở đủ nghề, từ vẽ tranh đến nuôi ong lấy mật, làm gương kính đến trồng cây cảnh, và lĩnh vực nào ông cũng thành công. Thậm chí, ông từng là một trong những người nuôi ong giỏi nhất ở Lào Cai và có lẽ là người đầu tiên làm gương kính quy mô lớn tại khu vực Lào Cai và Yên Bái.

Thú vị là ông Sứ cũng là người đầu tiên phát triển kỹ thuật trồng cây cảnh và làm chậu cây ở Lào Cai. Mặc dù thị trường giờ bão hòa, những hiểu biết về nông nghiệp và cây trồng đã giúp ông tạo nên một khung cảnh nên thơ quanh khu nhà lưng tựa núi, với rừng cây, ao thả cá, vườn hoa, cây cảnh, khu chăn nuôi… tại Phố Lu. Nhờ ảnh hưởng, uy tín trong cộng đồng và tinh thần sẵn sàng gánh vác mọi việc của một người lính Ðiện Biên, ông Sứ được bầu làm Chủ tịch Hội đồng hương Hải Phòng tại Bảo Thắng năm 1995. Từ đó đến nay, ông luôn giúp đỡ, động viên người Hải Phòng yên tâm công tác, chăm chỉ lao động sản xuất, đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc tại địa phương, cũng như gắn kết tình cảm quê hương giữa Hải Phòng với Lào Cai.

Hơn 60 năm trôi qua kể từ ngày Kiến An đưa đồng bào lên khai hoang ở Lào Cai, đã có ba, bốn thế hệ người Hải Phòng được sinh ra và lớn lên nơi biên cương Tây Bắc. Và tại Phố Lu, ông Sứ - người chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa, người đảng viên vừa nhận Huy hiệu 60 năm tuổi đảng có quyền tự hào khi nghĩ rằng, ông và gia đình đã và đang góp sức cùng cộng đồng các dân tộc xây dựng mảnh đất đầu sông, đầu núi của Tổ quốc giàu mạnh, làm rạng danh thêm truyền thống của quê hương Hải Phòng, của dòng họ Nguyễn Công ở làng Sơn Ðông.