Theo Văn phòng Chính phủ, quán triệt và triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, đến nay, cả nước đã có 59 địa phương tổ chức Trung tâm hành chính công; 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt, hầu hết các địa phương tỷ lệ giải quyết đúng hạn từ 90% trở lên.
Việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan, đơn vị đã góp phần đem lại nhiều kết quả trong cải cách thủ tục hành chính, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu giải quyết công việc tại các cơ quan hành chính nhà nước các cấp Trung ương và địa phương.
Việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (kể cả hồ sơ nộp trực tiếp) theo hướng phi địa giới hành chính đã được triển khai ở một số lĩnh vực có cơ sở dữ liệu tập trung (như Giấy phép lái xe) mang hiệu quả lớn đối với xã hội, nhất là khi chúng ta triển khai số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin được đưa vào vận hành và có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau.
Việc cho phép doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đã được giao thực hiện việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp theo quy định tại Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg cũng đã góp phần tối ưu hóa năng suất, chất lượng hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa…
Tuy nhiên, trên thực tế do nhiều nguyên nhân, nên việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông mới chủ yếu đơn thuần xử lý theo hướng thống nhất đầu mối, quy trình phối hợp thực hiện giữa các cơ quan. Hơn nữa, quy trình phối hợp này và việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống, hồ sơ giấy, nhất là ở các địa phương (với tỷ lệ khoảng tới 93,7%).
Thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức trong việc tham gia vào quá trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính chưa được làm rõ, trong khi chưa hình thành cơ chế giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính đồng bộ theo thời gian thực từ hệ thống một cửa các cấp; Đặc biệt, chưa có quy định về lưu trữ điện tử đối với hồ sơ thủ tục hành chính dẫn đến việc lúng túng, thiếu thống nhất, chậm trễ trong thực hiện số hóa.
Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ trong thực hiện thủ tục hành chính tại các “Bộ phận một cửa” các cấp trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Hệ thống một cửa điện tử để sử dụng lại các hồ sơ, giấy tờ điện tử, giảm các thủ tục kiểm tra, xác nhận,… chưa được thực hiện.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã khai trương, đi vào thực hiện, là nền tảng quan trọng hình thành danh tính số duy nhất của người dân, doanh nghiệp, nhưng việc triển khai sử dụng danh tính số trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông chưa có giải pháp cụ thể để bảo đảm thống nhất, hiệu quả trong triển khai thực hiện.
Ngoài ra, cũng còn nhiều hạn chế trong kinh phí đầu tư cho việc bảo đảm cơ sở vật chất kỹ thuật, diện tích và thiết bị làm việc (cả phần cứng và mềm công nghệ thông tin), năng lực cán bộ và trình độ dân trí trong hoạt động tác nghiệp của các Bộ phận một cửa…
Quá trình phối hợp giữa phường, xã, quận, huyện, tỉnh, thành phố thiếu đồng bộ… Tất cả khiến Bộ phận, văn phòng "một cửa" có nơi hoạt động còn hình thức; sử dụng biểu mẫu chưa phù hợp, xác định thời gian hẹn trả hồ sơ chưa đúng quy định.
Thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp, vừa thừa lại hay thay đổi, cho nên khó thực hiện "một cửa liên thông". Người dân, doanh nghiệp làm thủ tục hành chính còn bị gây nhũng nhiễu, tiêu cực, nhất là việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ về đất đai.
Những hạn chế trên không chỉ làm chậm trễ việc cung cấp thông tin cho chỉ đạo, điều hành, xử lý các bất cập, các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, mà còn làm khó cho việc tạo dựng, duy trì, phát triển và phát huy được hiệu quả của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, cũng như không khuyến khích được người dân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Một số nơi, lĩnh vực cho thấy có sự quá tải trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính…
Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số cần thúc đẩy đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng: Mở rộng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính; Gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tập trung gắn kết việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với quá trình tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa; Đổi mới tổ chức và xây dựng, kết nối, chia sẻ các kho dữ liệu quản lý (Bigdat) sống, sạch, đủ và chính xác; Coi trọng việc đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của Bộ phận một cửa theo thời gian thực, tạo sự chủ động nâng cao hiệu quả, năng suất lao động trong việc đơn giản hóa chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đặc biệt, cần gắn quá trình này với yêu cầu đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý nhà nước các cấp…
Trước mắt, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cũng như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng,hiệu quả hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện thông qua việc ứng dụng công nghệ mới, thực hiện giám sát theo thời gian thực.
Đồng thời, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp; Xác định rõ hơn nữa vai trò và trách nhiệm, tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch và công bằng của các cơ quan trong sự phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính liên thông; Có cơ chế kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính, xử lý nghiêm người vi phạm, khen thưởng kịp thời những người thi hành xuất sắc nhiệm vụ nhằm tiếp tục tạo bước chuyển căn bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau trong giải quyết và thực hiện các thủ tục hành chính; Đề cao và cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công tác cải cách hành chính; Lấy kết quả Chỉ số cải cách hành chính hàng năm, kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm đối với cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan đơn vị.
Thực hiện thí điểm các mô hình mới về thu gọn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành, các cấp, gắn với thực hiện chính sách tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh và chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm. năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao kỹ năng, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp; gắn kết quả, hiệu quả công việc của cá nhân, tổ chức với chế độ tiền lương, phụ cấp. Triển khai các quy định về khoán kinh phí quản lý hành chính và thúc đẩy xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công lập theo cơ chế thị trường…
Theo dự thảo Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (Đề án) của Chính phủ, năm 2021, sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đăng ký doanh nghiệp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, định danh và cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp. Hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 50%, 50%, 30%, 20% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để bảo đảm việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại 100% Trung tâm phục vụ hành chính công. Triển khai thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một số công đoạn trong quá trình tiếp nhận, giải quyết, số hóa hồ sơ thủ tục hành chính tại một số tỉnh có đủ điều kiện.
Năm 2022, sẽ mở rộng việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với các thủ tục hành chính về hộ tịch, cư trú, quản lý xuất nhập cảnh, bảo hiểm xã hội, thuế, làm cơ sở đánh giá và nhân rộng đối với các ngành, nghề, lĩnh vực khác vào năm tiếp theo. Hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, tăng tối thiểu 20% đối với kết quả thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để bảo đảm việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội và đất đai với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp. Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại 50% bộ phận một cửa cấp huyện và 30% bộ phận một cửa cấp xã. Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại bộ phận một cửa xuống còn tối đa 30 phút/1 lần đến giao dịch.
Năm 2023 - 2025, sẽ hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các Cơ sở dữ liệu quốc gia còn lại, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ cho việc cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp. Hợp nhất Cổng dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh để tạo lập Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất, liên thông giữa các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Tăng tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết tối thiểu mỗi năm thêm 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để bảo đảm việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Mở rộng triển khai tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với các thủ tục hành chính có đủ điều kiện. Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã theo tỷ lệ tăng mỗi năm tối thiểu 30% cho đến khi đạt 100%, trừ các xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2025...