Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chàng trai sinh năm 2001 đã lựa chọn cho mình chuyên ngành công nghệ thông tin theo xu hướng thời đại. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, anh nhận ra bản thân không thật sự phù hợp với lĩnh vực này. Thay vào đó, Hoài Nam đã tìm thấy niềm đam mê tìm tòi, khám phá những nét đẹp lịch sử, văn hóa của đất nước.
Hành trình tìm kiếm công việc phù hợp
Quyết định chuyển đổi ngành học sang lĩnh vực du lịch đúng vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã đặt chàng sinh viên vào thế khó: chương trình học chuyển sang hình thức trực tuyến, các buổi thực tế cũng không thể diễn ra để bảo đảm phòng ngừa dịch bệnh.
"Có những lúc, tôi tưởng như mình đã hoàn toàn mất phương hướng, băn khoăn lo sợ việc một lần nữa chưa tìm được ngành nghề phù hợp", Hoài Nam nhớ lại.
May mắn thay, với tính cách năng động, thích giao tiếp và chia sẻ, anh đã nhanh chóng thích nghi, bắt nhịp với phương thức học tập mới. Nhờ nền tảng kiến thức lịch sử vững chắc và kỹ năng mềm linh hoạt, khả năng thuyết trình thiên phú, Hoài Nam đã tự tin tiếp tục theo đuổi ngành du lịch.
Anh tìm đến các hội, nhóm trên mạng xã hội để tìm kiếm công việc liên quan đến du lịch, chủ động liên hệ các công ty, đoàn tour để được đi theo học việc trong vai trò "phụ tour". Đáng ngạc nhiên là, chỉ sau 2 lần học việc, Hoài Nam đã được các đoàn khách khen ngợi, đánh giá rất cao. Chính vì vậy, phía doanh nghiệp đã cân nhắc, quyết định để Hoài Nam trở thành hướng dẫn viên du lịch chính thức.
Hoài Nam (thứ 2 từ phải sang) cùng khách du lịch. (Ảnh: nhân vật cung cấp) |
Sau lần "thăng chức" đột ngột, chàng sinh viên không hề tự mãn, trái lại vẫn liên tục học hỏi. Đôi khi, anh còn tự bỏ tiền túi mua các tour du lịch mới để có sự so sánh với các tuyến tour cũ, đồng thời luôn chú ý tới chuyên môn của các hướng dẫn viên theo tour nhằm đúc rút kinh nghiệm cho bản thân.
Hoài Nam luôn tâm niệm: sự tận tình, luôn đặt trải nghiệm của khách hàng lên đầu là chìa khóa của nghề hướng dẫn viên du lịch. Nhờ đó, niềm tin của khách hàng và uy tín trong giới du lịch của anh đã được nâng cao nhanh chóng, giúp Hoài Nam ngày càng có thêm nhiều "đơn đặt hàng" từ các công ty du lịch.
Chỉ trong 2 năm ngồi ghế giảng đường, tổng số chương trình, sự kiện, tour du lịch chàng trai thuộc thế hệ Gen Z đảm nhiệm đã đạt con số xấp xỉ 100. Sau khi tốt nghiệp, vào mùa cao điểm, thu nhập của Hoài Nam là khoảng 70 triệu đồng/tháng.
GEN Z - NHÂN TỐ MỚI TRÊN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
Gen Z cần gì khi tham gia thị trường lao động?
Bàn về bức tranh toàn cảnh của thị trường lao động ngành du lịch hiện nay, chuyên gia Lê Trung Thu, giảng viên chuyên ngành Hướng dẫn du lịch (Trường Cao đẳng FPT Polytechnic) nhận định: đây là lĩnh vực hiện rất “khát” nhân lực ở nhiều vị trí như nhân viên bán sản phẩm, dịch vụ tour, điều hành tour, hướng dẫn viên, nhân viên buồng, phòng, bàn...
Theo đó, năm nay, du lịch đã bùng nổ trở lại ở cả 2 mảng quốc tế và nội địa, dẫn đến tình trạng khan hiếm nhân lực. Đây là cơ hội tốt cho ngành giáo dục mảng du lịch, đặc biệt là bậc cao đẳng với thời gian đào tạo ngắn.
Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm nêu trên thực tế lại là “chỗ thiếu thì thiếu, chỗ thừa thì thừa”: thừa vì nhân lực trình độ chưa cao, chưa tiếp cận và bắt nhịp được với công nghệ và đặc biệt là làm chủ ngoại ngữ.
Chuyên gia Lê Trung Thu. (Ảnh: nhân vật cung cấp) |
"Một vấn đề quan trọng khác là các bạn trẻ cần rèn luyện cho mình một thái độ tốt trước khi bước chân vào thị trường lao động tốt. Điều này đòi hỏi kỹ năng mềm cũng phải thật tốt, bởi một người có chuyên môn tốt nhưng thiếu kỹ năng mềm sẽ gặp vô số khó khăn khi làm việc", chuyên gia Lê Trung Thu cho biết.
Cũng theo chuyên gia Lê Trung Thu, ngay trong các kỳ học cuối ở trường đại học, cao đẳng, sinh viên cần chủ động tiếp cận với môi trường doanh nghiệp, tạo dựng các mối quan hệ công việc. Khi mới ra trường, bạn trẻ không nên "kén việc".
Nếu công việc có thu nhập chưa cao hoặc không có cơ hội thăng tiến, thì các bạn cũng sẽ có trải nghiệm, kinh nghiệm. Trước 25 tuổi, một bạn trẻ đi làm không nên đặt mục tiêu quá cao, thay vào đó nên tập cho mình sự chịu khó, kiên nhẫn, chăm chỉ, giữ thái độ cầu tiến, ham học hỏi.