Làng giữa biển khơi

Biển Ðông trong những ngày đầu hè, nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) mong mưa tới. Mưa đem nước sinh hoạt đến cho bộ đội, người dân, cho cả những cây ăn trái như: Ðu đủ, dưa hấu, thanh long… được đưa từ đất liền ra đảo để rồi, cây vượt khó, sống sót, đơm hoa, kết trái-cũng là minh chứng cho cuộc sống định cư của người Việt ta bao đời trên những ngôi làng giữa biển lớn quê hương.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường tiểu học Ðá Tây (đảo Ðá Tây A, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) trong giờ giải lao. (Ảnh HÀ MY)
Học sinh Trường tiểu học Ðá Tây (đảo Ðá Tây A, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) trong giờ giải lao. (Ảnh HÀ MY)

Hạn hán, bão tố… quanh năm chỉ là thói quen của tự nhiên, còn con người dù bé nhỏ giữa biển cả bao la, vẫn luôn nỗ lực, bền bỉ ngày qua ngày, vững vàng cải tạo cuộc sống khắc nghiệt, xây cầu nối gắn kết xuyên suốt giữa đất liền với hàng chục đảo chìm, đảo nổi, góp phần gìn giữ từng tấc đảo, từng sải biển của ông cha.

Vượt bão, vượt hạn

Trên tàu KN390 hiện đại của lực lượng kiểm ngư Việt Nam, những vị khách của đoàn công tác số 5 ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/2 nhiều lần trải qua từng cung bậc sóng cả. Lúc thì trời yên bể lặng, biển bình yên, sóng nhẹ nhàng uốn theo gót tàu như dải lụa dài mãi. Thế rồi cũng chỉ sau một chiều đổi gió, sóng xô vội vã, dồn dập, khiến người và tàu cùng nhau chao đảo. Sự thay đổi dữ dội, đột ngột của biển cả, của tự nhiên là thử thách đủ khó khăn, gian nan để thấy nể phục hàng bao con người, đời này qua đời khác, đang ngày đêm chung sức giữ biển đảo quê hương.

Những ngày này trên đảo Song Tử Tây, gia đình anh Hồ Hữu Trung (quê ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vẫn nỗ lực chăm sóc mảnh vườn nhà với những luống rau trổ lá xanh tốt. Ba tháng rồi chưa có mưa. Những đám mây đen đến rồi đi mà chẳng để lại nước cũng không phải cảnh tượng lạ gì giữa đỉnh hạn Trường Sa. Người nông dân trên đảo chẳng vì thế mà chạnh lòng bởi đã quen với việc tích trữ, vận dụng nguồn nước ngọt quý giá một cách phù hợp nhất. “Nếu tận dụng được nước, sử dụng hiệu quả thì dù thiếu thốn đến đâu, rau vẫn có thể vươn lên. Sống ở đảo xa, chúng tôi đã quen với thiên nhiên gian khó để phát huy thuận lợi, giảm bớt khó khăn”, anh Trung kể.

Năm 2021, một cơn bão nhiệt đới dữ dội đổ bộ qua Song Tử Tây và “hạ gục” hầu hết cây cối trên đảo. Một mầu xanh sau hàng bao năm trời được quân và dân nỗ lực tạo ra chỉ còn là quá khứ. Phó Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây Cao Văn Giáp, người gắn bó với Trường Sa từ năm 2008, kể: “Trước đây, đi qua những tuyến đường lớn trên đảo, cây rợp bóng, nắng chỉ đủ len lỏi qua kẽ lá. Ấy thế mà bão năm đó qua, dù đã được dự báo và phòng ngừa trước, vẫn chỉ có thể bảo vệ an toàn cho người, nhà cửa nhưng cây cối-tài sản tự nhiên quý giá nhất - lại thiệt hại rất lớn”. Những khu phi lao dày đặc trên Song Tử Tây, hàng chục cây xanh như bàng vuông, phong ba... đổ rạp. Một số ít còn gốc thì thân gãy làm đôi… Nỗ lực tạo mảng xanh suốt hàng chục năm thật sự rất khó khăn, ấy vậy mà cán bộ, chiến sĩ, người dân, thầy giáo, trẻ nhỏ... trên đảo lúc đó, phải động viên nhau làm lại từ đầu, từ những việc nhỏ nhất...

Ðảo trưởng Song Tử Tây Ðào Xuân Nam cùng đồng đội, người dân phải đi từng bước, tận tay nhặt, chọn từng cành phi lao khỏe mạnh để tái sinh. Những hàng phi lao đổ rạp dần được tìm cách thay bằng những thế hệ “con cháu”, nhỏ bé hơn với hy vọng tái tạo mong manh. “Chúng tôi lúc đó chỉ nghĩ đơn giản là cứu được một cây là góp phần cứu được cả một thành quả trồng, vun đắp suốt nhiều năm trời. Những cây vẫn còn gốc, quân và dân dùng ròng rọc kéo thân lên, đổ xi-măng làm cột trụ để đỡ dậy. Ngày qua ngày chăm sóc, rất nhiều cây sống sót, sinh trưởng trở lại trong niềm vỡ òa”, Ðảo trưởng Ðào Xuân Nam kể.

Thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng con người bé nhỏ không yếu ớt. Chỉ sau ba năm, hàng chục cây xanh tái sinh dựa vào cột trụ vươn lên vững chãi; tán phi lao, phong ba rậm rạp trở lại, đung đưa theo gió từng hồi đón khách đường xa.Vườn đu đủ trưởng thành bắt đầu sai quả, những hàng chuối trĩu buồng… đã trở thành hình ảnh quen thuộc giữa biển trời Trường Sa-để rồi người gắn bó hơn nữa với đảo, đảo che chở người và cây...

Không chỉ Song Tử Tây, trên hàng chục hòn đảo lớn nhỏ khác ở Trường Sa, thiếu nước, thiếu mưa cũng chỉ tô điểm cho tinh thần bất khuất, nỗ lực không ngừng nghỉ của những người Việt sớm rời đất liền sinh sống trên đảo, coi nhau như những người thân thuộc, xây dựng hồn làng giữa biển lớn từ đó.

Làng giữa biển khơi ảnh 1

Người dân xã đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) rạng rỡ đón đoàn công tác số 5 lên thăm đảo.

Dựng làng, gắn kết cộng đồng

Những cộng đồng quân dân Trường Sa cứ như vậy, cùng nhau xây dựng các ngôi làng mà ở đó, trẻ nhỏ được đi học, người ốm được thăm khám bệnh, tình làng nghĩa xóm hình thành như thể tự nhiên. Trên đảo Sinh Tồn, hòn đảo được bao phủ ngút ngàn mầu xanh của cây cối, anh Lê Văn Sáu, một người dân gốc Tây Nam Bộ, đang ướt đẫm mồ hôi sau khi tự mình chỉnh lại khu trữ nước của gia đình. Mùa hè thiếu nước nhưng nhà anh vẫn có một bể cá do hai cậu con trai cùng chăm sóc. Cậu cả Minh Trí đang học lớp 4, là học sinh xuất sắc nhiều năm trước khi cùng gia đình ra Sinh Tồn định cư. “Hồi đầu, Trí cũng rất nhớ các bạn cũ ở đất liền nhưng ở ngoài này, bạn mới chơi cùng, học cùng rất thân thiện cho nên cháu hòa nhập nhanh. Sống trên đảo, có bộ đội, có hàng xóm láng giềng, bạn bè... giúp đỡ tận tình như mối gắn kết thân thuộc, cùng nhau vượt mọi gian khó”, anh Sáu kể.

Ở Ðá Tây A, hòn đảo trù phú với số hộ dân sinh sống đông đúc cùng rất nhiều đơn vị, lực lượng tham gia xây dựng đảo, đã có cả siêu thị mini do Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Ðá Tây xây dựng, cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống. Anh Nguyễn Văn Tấn, nhiều năm phụ trách siêu thị cho biết: “Siêu thị có đủ từ dầu ăn, nước rửa chén... Ðiều đặc biệt nhất là có một kệ riêng, trang trọng bày bán cờ Tổ quốc để mọi người, dù ở trên đảo hay đất liền ra đều có thể lưu giữ trong tim hình ảnh đất nước, quê hương”.

Tình yêu Tổ quốc, biển đảo thân thương chính là chất xúc tác đưa người với người gần lại nhau hơn giữa biển cả bao la. Nhiều tháng trước, anh Tấn cùng đồng nghiệp ở trung tâm tham gia thi đấu bóng chuyền, kéo co, bóng bàn giao lưu với người dân, các lực lượng trên đảo. Phần thưởng chỉ là những lon nước ngọt nhưng tiếng cười nói râm ran cả Ðá Tây A. Không ai còn khoảng cách với nhau giữa đảo xa bởi trong họ luôn trọn một niềm tin và hạnh phúc với cuộc sống, nhiệm vụ được giao phó.

Từ những cộng đồng sống bền vững trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, dần dần, ngày càng nhiều ngư dân vào âu tàu trên các đảo để tránh trú bão, sửa chữa tàu cá; thăm khám, chữa bệnh... Ðại úy Nguyễn Văn Kiên, Ðội trưởng Dịch vụ hậu cần nghề cá âu tàu đảo Song Tử Tây (Hải đoàn 128, Vùng 4 Hải quân) chia sẻ: “Quanh vùng biển gần đảo, ngư dân ta câu cá ngừ rất nhiều. Ðông tàu thì sự cố cũng nhiều hơn, việc phải vào đảo để sửa chữa nhiều ngày không còn là chuyện lạ. Chúng tôi ngoài nhiệm vụ trực tiếp sửa tàu giúp dân còn hỗ trợ họ ăn uống trong những ngày lưu lại đảo”.

Trung tá Trần Như Huỳnh, phụ trách sửa chữa tàu, kể: “Sửa tàu không hề dễ dàng trong điều kiện thiếu thốn nhiều thứ nhưng quan trọng nhất là tình cảm của ngư dân, đồng bào mình dành cho nhau. Nhiều tàu được chúng tôi hỗ trợ, sau mỗi lần quay lại ngư trường Trường Sa lại ghé vào hỏi thăm, tặng “quà quê”. Những lúc đó thật sự cảm động”. Tàu cá ngư dân gặp nạn sẽ được cung cấp nước ngọt, sửa chữa tàu miễn phí ở âu tàu Song Tử Tây. Giá dầu được bán theo giá ở đất liền. Ngư dân gặp nạn thay vì trở lại làng chài quê nhà thì có thể chọn đảo làm nhà, để trở về, được đùm bọc, giúp đỡ để rồi vững vàng trở lại bám biển, bám ngư trường truyền thống quê hương.

Những ngôi làng trên biển lớn cứ dần thành hình bao năm qua trong sự ủng hộ rất lớn về vật chất, tinh thần từ đất liền. Trường Sa giờ đã có chín ngôi chùa trên các đảo. Trạm y tế, bệnh xá đều do các bệnh viện lớn như 108, 175... cử bác sĩ giỏi ra công tác để bảo vệ sức khỏe người dân và các lực lượng. Những ca mổ trên đảo ngày một nhiều, các ca cấp cứu nặng cũng xuất hiện... nhưng tất cả đều được xử trí bài bản, chuyên nghiệp. An tâm về sức khỏe, trường học cũng ngày một đông học sinh khi số hộ dân định cư trên các đảo tăng dần. Chị Nguyễn Thị Thư (quê Khánh Hòa), hội viên phụ nữ xã Song Tử Tây, những ngày này đang cùng chị em nô nức luyện tập văn nghệ để biểu diễn giao lưu cùng đoàn công tác. “Cuộc sống ở đảo bình yên, an toàn. Các hoạt động cộng đồng từ đó được nhân rộng.

Hội Phụ nữ xã thường tổ chức làm mâm cỗ vào dịp lễ để hàng xóm quây quần cùng nhau, nhà nào có gì góp nấy, như ở quê nhà vậy”, chị Thư chia sẻ. Anh Nguyễn Văn Tấn nhớ mãi trận bão năm 2017 khi có hàng trăm tàu cá tập trung vào âu tàu để tránh trú: “Quân và dân trên đảo hò nhau giúp sơ tán dân đảo, ngư dân trên tàu, tất cả vào hết nhà tránh trú bão, tuyệt đối không để ai ở lại dưới tàu. Lúc khó khăn đó, nếu không có sự đồng lòng của người với người, đồng bào với đồng bào thì rất khó điều khiển, di chuyển hàng trăm sinh mạng đến nơi an toàn”...

“Dẫu đã đến nhiều vùng, miền đất nước, nhưng mỗi lần cập đảo, ngắm nhìn nhà giàn thì cảm xúc lại bồn chồn khó tả. Tổ quốc ta thật hùng vĩ và thiêng liêng. Không chỉ trong tôi mà gần như tất cả mọi người, ai cũng hướng về đảo với những biểu cảm vui mừng, hạnh phúc”.

Ðồng chí Trần Hùng Nam, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), thành viên đoàn công tác số 5

Lá cờ Tổ quốc in hình con dấu của xã đảo Trường Sa sau lễ chào cờ trang nghiêm được Thành ủy Huế trân trọng lưu giữ ở phòng truyền thống. Ðiều đó cho thấy, mọi người con đất Việt, dù đang gian nan bám đảo, hay đang từng ngày xây dựng đất liền, hỗ trợ đảo xa… đều mang trong tim mình một tình yêu vô vàn với biển đảo quê hương.