Có một “Garage biệt động Sài Gòn”

Ngày tổ chức tọa đàm khoa học về di tích lịch sử nhà số 499/20, đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường 13, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2022 là thời gian đáng nhớ đối với nhiều người từng tham gia lực lượng biệt động Sài Gòn năm xưa.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Phạm Văn Được (Sáu Bầu, bên trái) người từng làm tại Garage Tự Lực của ông Dương Văn Đức.
Ông Phạm Văn Được (Sáu Bầu, bên trái) người từng làm tại Garage Tự Lực của ông Dương Văn Đức.

Đến tham dự buổi tọa đàm hôm ấy, các nhân chứng lịch sử đã mang đến những câu chuyện sinh động, giàu cảm xúc về những ngày gắn bó với căn nhà gỗ sau đó trở thành garage sửa xe cho lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Chủ căn nhà là ông Dương Văn Đức. Đại tá Trần Đức Thơ, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang biệt động Quân khu Sài Gòn-Gia Định cho biết, ông Dương Văn Đức, thường gọi là Diện, Hai Diện (sinh năm 1928), sinh ra và lớn lên tại khu vực cầu Bến Phân, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là khu vực ngã tư Ga, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh).

Năm 1946, ông Đức bắt đầu làm cách mạng, tham gia kháng chiến chống Pháp và là liên lạc viên Chi đội 6 Gia Định.

Đến năm 1947, khi địch càn quét khu vực cầu Bến Phân, ông đưa mẹ và các em đến đường Verdun (Lê Văn Duyệt) xây dựng căn nhà gỗ tại số 499/20 Lê Văn Duyệt, Sài Gòn (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường 13, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh).

Năm 1950, qua giới thiệu của ông Lê Văn Tỏ (cán bộ lực lượng biệt động Sài Gòn), ông Đức vào làm việc tại hãng xe Citroen (từ năm 1950 đến 1959).

Thời gian này, buổi chiều tối ông nhận xe của khách về để sửa chữa tại nhà số 499/20 Lê Văn Duyệt. Công việc sửa xe nhờ tay nghề và uy tín, xe của khách đến sửa chữa khá nhiều, ông xin nghỉ việc ở hãng xe Citroen, chính thức dùng nhà số 499/20 làm thành Garage Citroen Dương Văn Đức D’Indochine chuyên sửa xe Citroen Berlingo và Fourgonnette, Traction, Peugeot..., đồng thời, đóng mới thùng xe La Dalat, Citroen...

Từ năm 1963, ông bắt liên lạc với lực lượng biệt động Sài Gòn thông qua ông Trần Văn Lai, cán bộ biệt động Sài Gòn trong vỏ bọc tư sản, nhà thầu khoán Dinh Độc Lập, để nhận duy tu bảo dưỡng xe ô-tô của lực lượng biệt động Sài Gòn. Đồng chí Trần Văn Lai đã hướng dẫn ông Đức dùng văn phòng và căn nhà sát bên 499/20A để cho cán bộ cách mạng ra vào thành phố đến gặp nhau; liên lạc qua việc đưa xe đã sửa chữa xong chạy thử trong đô thành và một số tỉnh lân cận.

Từ đó, nơi đây chính thức trở thành là một cơ sở sửa chữa xe ô-tô mang tên Garage Tự Lực được lãnh đạo Biệt động Sài Gòn, lãnh đạo Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định giao nhiệm vụ bảo trì, thiết kế (thùng xe hai đáy chứa vũ khí, tài liệu để qua mắt địch) các phương tiện phục vụ công tác bảo đảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu của lực lượng biệt động Sài Gòn nói riêng và lực lượng cách mạng trong nội đô Sài Gòn nói chung.

Chính ông Đức đã trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng, giữ gìn các phương tiện phục vụ công tác bảo đảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu của lực lượng biệt động Sài Gòn. Ông đã nghĩ ra sáng kiến cải tạo, thiết kế các xe Citroen có hai đáy nhằm ngụy trang chứa vũ khí, thư từ, tài liệu, thuốc men... để biệt động Sài Gòn sử dụng vận chuyển an toàn từ nội thành Sài Gòn ra Chiến khu và ngược lại.

Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chỉ với gần 100 chiến sĩ, bằng lối đánh “xuất quỷ nhập thần”, lực lượng biệt động Sài Gòn đã đồng loạt tiến đánh cùng lúc năm mục tiêu chiến lược: Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy và Đài phát thanh.

Với tinh thần khẩn trương, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ cách mạng, đến cuối năm 1965, lực lượng biệt động Sài Gòn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng được một hệ thống kho hầm bí mật chứa vũ khí ngay cạnh các mục tiêu chiến lược mà dự kiến ta sẽ tổ chức tấn công. Mỗi mục tiêu tấn công đều được các chiến sĩ biệt động bố trí từ một đến ba hầm chứa vũ khí.

Trong đó, nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường 13, Quận 10 là cơ sở cách mạng bảo đảm chiến đấu của lực lượng biệt động Sài Gòn xây dựng chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Có mặt tại buổi tọa đàm, ông Dương Thái Hưng, người từng có thời gian làm tại garage của ông Dương Văn Đức, không khỏi xúc động. Ông Dương Thái Hưng cho biết, hơn 50 năm rồi ông mới trở lại địa chỉ này. Nhớ trước đây, ông và nhiều anh em thợ thuyền ở địa phương và các tỉnh khác được chú Hai (tên thân mật mọi người gọi ông Dương Văn Đức) cưu mang che chở, đùm bọc.

Trong số đó có con em gia đình hoặc cán bộ hoạt động nội thành trốn lính.

“Trong thời gian này tôi có cảm nhận chú Hai là người nhân hậu, có tình thương người, giữa lúc khó khăn dầu sôi lửa bỏng, chú đã chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ cho anh em thợ thuyền không phân biệt vùng miền, hỗ trợ nơi ẩn nấp cho số anh em đến tuổi đi lính”- ông Dương Thái Hưng nhớ lại.

Đối với bà Kiều Thị Hoảnh, sinh năm 1944, dù chồng mới mất lại đang bệnh nặng, nhưng khi biết có buổi tọa đàm về Garage Tự Lực của ông Dương Văn Đức, bà vẫn cố gắng tham dự. Bà kể lại, ngày xưa khi bị địch bắt, chính ông Hai Diện đã tổ chức giải cứu bà ra khỏi nhà tù, thoát được những đòn tra tấn dã man của địch.

“Nếu không có ông Hai Diện, chắc tôi không sống được đến ngày hôm nay”- bà Kiều Thị Hoảnh bồi hồi.

Anh Trần Vũ Bình, người con của Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai cho biết: Việc thu thập tư liệu, chứng cứ công nhận địa chỉ garage 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám là di tích lịch sử, là chặng đường hết sức gian nan.

“Tuy nhiên, mỗi lần tôi gặp các nhân chứng, nhìn những giọt nước mắt của các cô, các chú rơi xuống vì vui mừng khi địa chỉ này được “đánh thức” sau nhiều năm lãng quên, tôi như được tiếp thêm nghị lực để vượt qua tất cả”- anh Trần Vũ Bình chia sẻ.

Hy vọng “Garage Biệt động Sài Gòn”-499/20 Cách Mạng Tháng Tám, Quận 10 sẽ sớm được công nhận là di tích lịch sử, một địa chỉ trong chuỗi di tích và bảo tàng của lịch sử biệt động Sài Gòn.

“Việc hệ thống lại toàn bộ các di tích đã có và xem xét cần tiếp tục xây dựng những công trình tưởng niệm các chiến sĩ biệt động thành ở những nơi đã ghi dấu chiến công oanh liệt của họ, là lương tâm, trách nhiệm của thế hệ sau, thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta”- anh Trần Vũ Bình chia sẻ.