Cơ hội việc làm cho lao động từ Hàn Quốc, Nhật Bản về nước

Phiên giao dịch việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước đã kết nối ba địa phương phía bắc, với hơn 4.200 vị trí làm việc. Hoạt động này mang lại cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam về nước, là một trong những chính sách tích cực hỗ trợ lao động hồi hương.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên giao dịch việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước (Ảnh: Thủy Nguyên).
Phiên giao dịch việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước (Ảnh: Thủy Nguyên).

Hơn 4.200 vị trí việc làm cho người lao động

Ngày 17/11, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Văn phòng cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) tại Việt Nam, Văn phòng Tổ chức Đào tạo nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) tại Việt Nam tổ chức “Phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước”. Hoạt động được kết nối trực tuyến thêm tới 2 địa phương Bắc Ninh và Thanh Hóa.

Cơ hội việc làm cho lao động từ Hàn Quốc, Nhật Bản về nước ảnh 1

Khai mạc Phiên giao dịch việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước (Ảnh: Thủy Nguyên).

Hoạt động này cũng kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp với người lao động đi làm việc theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS) và thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan về nước có nhu cầu tìm việc.

Tổng hợp nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tham gia sự kiện này cho thấy, có 59 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với 4.235 vị trí làm việc trống.

Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tham gia sự kiện này cho thấy, có 59 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với 4.235 vị trí làm việc trống.

Cụ thể, trong tổng số 59 doanh nghiệp tham gia Phiên giao dịch việc làm, 28 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, chiếm tỷ lệ cao nhất 47,4%. Còn lại là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác: thương mại - dịch vụ, công nghệ thông tin, may mặc…

Những lĩnh vực ngành nghề của các doanh nghiệp đăng ký tham gia tại sự kiện này cho thấy, việc khan hiếm lao động đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Điều này tạo cơ hội cho người lao động, đặc biệt là các lao động trở về từ Hàn Quốc, Nhật Bản, đã có tay nghề trong sản xuất, có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và có tính kỷ luật trong công việc cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Về nhu cầu tuyển dụng của 3 sàn giao dịch việc làm, Hà Nội đứng đầu với 1.108 chỉ tiêu tuyển dụng. Tiếp đó là Bắc Ninh, với 1.778 chỉ tiêu; Thanh Hóa: 1.349. Sự kiện cũng thu hút 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc và 8 doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Nhật Bản.

Trong tổng số 59 doanh nghiệp tham gia sự kiện việc làm này, Sàn giao dịch việc làm Hà Nội có 39 doanh nghiệp tham gia. Nhu cầu tuyển dụng của họ tập trung chủ yếu ở các ngành nghề như: Kỹ thuật CNC, phiên dịch, thợ vận hành máy, công nhân sản xuất… Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng đa dạng cùng mức lương hấp dẫn, hoàn toàn phù hợp cho đối tượng lao động theo chương trình EPS và thực tập sinh của chương trình IM Japan về nước.

13 doanh nghiệp tham gia Phiên giao dịch việc làm tại sàn giao dịch việc làm Bắc Ninh tập trung các nhu cầu tuyển dụng ở các ngành nghề như: giày da, cơ khí, may mặc… Điển hình như, Công ty TNHH H&S Tech có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn công nhân sản xuất linh kiện điện tử và không yêu cầu cao về tay nghề. Đây là cơ hội lớn cho lực lượng lao động phổ thông trên địa bàn, cũng như các tỉnh, thành phố lân cận.

Sàn giao dịch việc làm Thanh Hóa có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí việc làm lớn dành cho lao động đã có tay nghề như: công nhân may, công nhân lắp ráp điện tử, công nhân giày da... với mức lương hấp dẫn đang chờ đón ứng viên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đòi hỏi ứng viên phải chăm chỉ, nhanh nhẹn, chịu được áp lực, có trách nhiệm với công việc và ý thức cầu tiến.

Với sự chuẩn bị tốt của đơn vị tổ chức, bám sát thông tin thị trường lao động năm 2022, Phiên giao dịch việc làm hôm nay được kỳ vọng nâng cao hiệu quả kết nối cung-cầu lao động, tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động ở địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa và các địa phương lân cận.

Cơ hội việc làm cho lao động từ Hàn Quốc, Nhật Bản về nước ảnh 2

Bạn Bùi Văn Hiếu (thứ 2 từ phải sang) giành giải Nhất cuộc thi “Lao động EPS hồi hương thành công năm 2022” (Ảnh: Thủy Nguyên).

Nhân dịp này, ban tổ chức cũng trao giải cuộc thi “Lao động EPS hồi hương thành công năm 2022”. Theo đó, giải Nhất của cuộc thi được trao cho bạn Bùi Văn Hiếu đến từ Thanh Hóa. Giải Nhì được trao cho bạn Vũ Văn Gió, đến từ Lào Cai. Ban tổ chức cũng trao 2 giải Ba cho bạn Ngô Huyền Trang (Nghệ An) và Lê Văn Lâm (Thanh Hóa).

Tích cực hỗ trợ việc làm cho lao động về nước

Cơ hội việc làm cho lao động từ Hàn Quốc, Nhật Bản về nước ảnh 3

Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, Thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 168,4 nghìn lao động, đạt 105,2% kế hoạch giao trong năm, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021.

Năm 2022, mục tiêu đặt ra của Hà Nội là giải quyết việc làm cho 160.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 72,2%.

Trong những năm qua, hơn 100.000 lượt người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản theo chương trình EPS và IM Japan về nước. Chương trình đã mang lại cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao, giúp cải thiện đời sống cho người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thành ủy, UBND Thành phố đã quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, ban hành nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới và dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội Thủ đô.

Trong những năm qua, hơn 100.000 lượt người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản theo chương trình EPS và IM Japan về nước. Chương trình đã mang lại cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao, giúp cải thiện đời sống cho người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Qua thời gian sống và làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản gần 5 năm, những người lao động này không chỉ có tay nghề cao, am hiểu tâm lý hai quốc gia phát triển, văn hóa doanh nghiệp nước ngoài, mà còn có ưu điểm về ngoại ngữ.

Bằng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích lũy được, nhiều lao động EPS và IM Japan sau khi về nước đã khởi nghiệp thành công, hoặc đảm nhiệm những vị trí việc làm quan trọng trong các doanh nghiệp. Đây chính là những gương mặt điển hình, đại diện cho những người lao động đi làm việc tại nước ngoài trở về, tạo động lực và nguồn cảm hứng cho những lao động trẻ khác noi theo.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều người lao động khác còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một việc làm phù hợp để phát huy khả năng và kinh nghiệm cá nhân. Điều này trở thành một trong những lý do khiến nhiều lao động Việt Nam ở Hàn Quốc lo lắng khi sắp hết hạn hợp đồng sẽ không tìm được việc làm ở quê hương. Vì vậy, hỗ trợ việc làm trong nước để người lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc ở Hàn Quốc có thể yên tâm về nước rất quan trọng.

Đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội nhấn mạnh, phiên giao dịch việc làm này nhằm tạo cơ hội cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh IM Japan của thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận tìm được việc làm sau khi về nước, có thu nhập để nhanh chóng ổn định cuộc sống. Đồng thời, động viên, khuyến khích người lao động yên tâm về nước đúng quy định khi hết hạn hợp đồng lao động, góp phần làm giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.