Cơ hội quảng bá sản phẩm nông nghiệp sạch

Gần đây, có thêm nhiều chương trình, sự kiện dành cho người làm nông nghiệp hữu cơ được mở ra tại TP Hồ Chí Minh. Người nông dân được gặp gỡ khách hàng, chia sẻ hành trình làm nông nghiệp sạch; còn khách hàng có cơ hội tiếp cận sản phẩm an toàn, biết rõ nguồn gốc với giá cả phải chăng…

Thực phẩm hữu cơ ngày càng được nhiều người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh ưa chuộng.
Thực phẩm hữu cơ ngày càng được nhiều người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh ưa chuộng.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, canh tác thuận tự nhiên vốn đã không dễ dàng, việc đưa sản phẩm sạch ra thị trường và được người tiêu dùng chấp nhận lại càng khó khăn hơn. Nhưng với những người nông dân tâm huyết với canh tác hữu cơ, đã bắt tay vào sản xuất là không bỏ cuộc.

Giữa tháng 12 vừa qua, lần đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh, hệ thống phát triển và phân phối thực phẩm hữu cơ Organica (quận 2) triển khai chuỗi chương trình Gặp gỡ nông dân, thêm yêu thực phẩm (Meet your farmer know your food). Tại đây, khách hàng có dịp gặp những nông dân làm nông nghiệp hữu cơ, hiểu thêm về hành trình ra đời sản phẩm sạch đầy thú vị.

Giới thiệu những quả cam Vinh vàng ươm bắt mắt tại cửa hàng Organica, chủ vườn cam sinh thái từ Nghệ An Trần Thị Tuyến bắt đầu câu chuyện của mình với niềm đam mê trồng trọt. Cách đây ba năm, vợ chồng chị Tuyến quyết định bỏ công việc đang ổn định tại TP Hồ Chí Minh trở về quê nhà làm nông dân. Chị kể, lúc bắt đầu, những người chung quanh thấy cách trồng cam của vợ chồng chị rất khác nên cho rằng "ngớ ngẩn". Chị không phun thuốc trên trái mà dùng những cách dân gian để trị bệnh cho cây. Khi cắt cành không đem bỏ mà vun dưới gốc. Cam hư thì đào hố chôn chứ không đem nơi khác đổ bỏ… Ðặc biệt là không dùng phân, thuốc hóa học khi canh tác. "Khó khăn là vậy nhưng nghĩ đến sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, mình lại có thêm động lực. Khi những lứa trái đầu tiên được chào hàng trên mạng, lúc đầu khách hàng còn dè dặt vì giá cao gấp đôi so với sản phẩm cùng loại, nhưng khi đã ăn thử và biết quy trình canh tác để cho ra sản phẩm sạch, khách rất hài lòng và đặt hàng lâu dài", chị Tuyến bộc bạch.

Từ vườn cam với diện tích 1,1 ha (năm 2018), đến nay đã tăng lên 2,3 ha, sản lượng đạt khoảng 8 tấn/năm. Ngoài ra, chị Tuyến còn trồng quýt với sản lượng khoảng 20 tấn/năm; chanh đào, mít…

Chủ vườn cây trái tự nhiên Nature farm Bùi Thái Sơn (Bình Phước) có 30 ha trồng cây ăn trái, trong đó, anh dành 5 ha để trồng ổi, chuối, đu đủ, mít, xoài… theo hướng thuận tự nhiên. "Mỗi lần về quê vợ ở Bến Tre, tôi thấy ở đó có nhiều cây trái không cần phun thuốc, bón phân hóa học mà vẫn khỏe mạnh. Tôi nghĩ tại sao mình không làm theo cách này để bản thân mình được ăn trái cây sạch, khách hàng cũng yên tâm khi sử dụng. Vậy là tôi thu hẹp sản xuất, không trồng đại trà nữa mà tập trung vào sản phẩm chủ lực và canh tác theo hướng an toàn cho sức khỏe", anh Sơn chia sẻ.

Còn quản lý vườn rau nhiệt đới của Organica Ðồng Nai Lê Văn Toàn cho rằng, trồng rau hữu cơ không quá khó nhưng do quy mô canh tác còn nhỏ nên giá thành cao. Nếu thị trường lớn hơn, canh tác hữu cơ trên quy mô lớn hơn, giá thành sẽ giảm và nhiều người tiêu dùng có thể tiếp cận được…

Trước đó, Công ty cổ phần VINAMIT cùng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) tổ chức chợ phiên "Organic Town - GIS Market" nhằm tạo không gian để người tiêu dùng trực tiếp trải nghiệm và mua sắm thực phẩm hữu cơ. Chia sẻ về câu chuyện làm nông nghiệp hữu cơ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VINAMIT Nguyễn Lâm Viên bộc bạch: "Từ những năm 2017 - 2018, VINAMIT đã đưa sản phẩm hữu cơ ra thị trường, lúc đó phải thuyết phục, đàm phán với nhiều siêu thị bán sản phẩm hữu cơ nhưng họ rất e dè. Chỉ có Co.opmart là đồng ý dù đi kèm với nhiều điều kiện ngặt nghèo. Thời điểm đó, chúng tôi chỉ nghĩ làm sao để người tiêu dùng tiếp cận được nông sản này nên chấp nhận tất cả các yêu cầu của siêu thị. Chúng tôi cũng không quan tâm đến chuyện lời lỗ mà chỉ cần khách hàng biết sản phẩm, dùng thử để cảm nhận được sự khác biệt". Ông Nguyễn Lâm Viên cho biết thêm, chỉ cần người tiêu dùng nhận ra được sản phẩm hữu cơ được nuôi trồng không dùng hóa chất, canh tác an toàn cho sức khỏe, khi nhận thức thay đổi thì giá nông sản hữu cơ có cao hơn nông sản thường vẫn sẽ được khách hàng chấp nhận…

Thực tế cho thấy, người làm nông nghiệp sạch không lẻ loi khi có nhiều chuyên gia, tổ chức sẵn sàng hỗ trợ, làm "bà đỡ" để sản phẩm của họ tiến xa, "bay" sang nhiều quốc gia trên thế giới. Thời gian qua, Hội DN HVNCLC đã hỗ trợ rất nhiều nông dân, hợp tác xã, trang trại… về quy trình xây dựng tiêu chuẩn Localgap (chuẩn cho nông trại cơ bản). Ðây là "bước đệm" giữa tiêu chuẩn VietGap (ứng dụng trong nước) và tiêu chuẩn quốc tế GlobalGap với mục đích nhằm tạo thuận lợi cho nông trại nhỏ (nhóm chiếm hơn 70% trong cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam) có thể tham gia xuất khẩu.

Mới đây, Hội DN HVNCLC cũng đã ký kết hợp tác với Bureau Veritas và ra mắt nền tảng "HVNCLC - Chuẩn hội nhập". Chủ tịch Hội DN HVNCLC Vũ Kim Hạnh cho biết, trên nền tảng này, Hội sẽ truyền tải các bài huấn luyện cho doanh nhân và nông dân về chuyển đổi số, viết kế hoạch kinh doanh, cách kinh doanh qua mạng, bảo đảm chất lượng - tiêu chuẩn, phát triển bền vững trong nền kinh tế tuần hoàn; chia sẻ thông tin về thị trường, cơ hội kinh doanh mua bán; khuyến khích cách làm ăn tử tế, có tiêu chuẩn, tuân thủ luật pháp…

Bài và ảnh: Phương Vy