Đây cũng là một cách tiếp cận sản xuất mới đa dạng hóa sản phẩm có tính công năng cao hy vọng mang đến sức sống mới và tạo nhiều cơ hội mới cho làng gốm bên dòng sông Cầu.
Những người trẻ và sự kế thừa truyền thống
Về Phù Lãng, dọc những con đường trong làng có 700 năm tuổi ấy đâu đâu cũng bắt gặp gốm, gốm ở sân nhà, gốm xếp ven ruộng... Bao năm nay, gốm Phù Lãng có sắc thái riêng biệt, mộc mạc, đặc trưng ở nước men da lươn, kết hợp kỹ thuật đắp nổi và điêu khắc, sử dụng màu men tự nhiên, với những sản phẩm truyền thống như chum vại, bình gốm, lư hương, đỉnh, đài thờ...
Là một người trẻ của quê hương Phù Lãng, được đào tạo nghề gốm bài bản tại khoa mỹ thuật truyền thống, chuyên ngành gốm của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Bùi Văn Huân luôn tâm huyết với đam mê và chọn cho mình một lối đi cho riêng.
Bên bàn xoay tay, Huân chia sẻ về thương hiệu Gốm Huân: “Tình yêu gốm trong tôi lớn dần qua từng sản phẩm. Và những sản phẩm gốm nghệ thuật độc bản vẫn sử dụng phương pháp truyền thống dùng củi để nung đốt. Gốm Phù Lãng nhờ sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những sản phẩm gốm rất riêng biệt vậy đó...”
Làng Phù Lãng có hơn 200 hộ sản xuất gốm. Không chỉ có Huân, mà những thợ gốm Phù Lãng giờ đây luôn tìm tòi, sáng tạo những mẫu mã mới từ kiểu dáng đến màu men. Ông Nguyễn Quy Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Phù Lãng chia sẻ: “Trước kia, các sản phẩm gốm rất thô sơ, không đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Giờ đây, hướng sản xuất chuyển sang làm đồ trang trí nội ngoại thất, sử dụng phương pháp đắp nổi, với hàng chục chủng loại như: Thác nước phong thủy, đèn, bình hoa, phù điêu, chum, vại, tranh gốm…”.
Các học viên háo hức với các sản phẩm mới ra lò. |
Gốm Phù Lãng được xếp hạng Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2016. Tuy nhiên, điều mà lãnh đạo chính quyền địa phương và cả người dân trăn trở, số lượng sản phẩm của làng nghề sản xuất nhiều nhưng nhìn chung mẫu mã sản phẩm đơn giản, có kích cỡ lớn, tiêu hao nguyên liệu nhiều. Hơn nữa, thu nhập của thợ gốm Phù Lãng hiện còn thấp so với các làng sản xuất gốm khác ở Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Quy Thành, việc sản xuất gốm truyền thống vì chưa tạo ra nhiều sản phẩm gốm tinh xảo và có giá trị kinh tế cao, tính công dụng của sản phẩm chưa đa dạng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Làng nghề đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí mặt bằng để tập kết nguyên vật liệu phục vụ sản xuất…
Trong bối cảnh đó, kể từ tháng 8-2021 đến nay, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Công ty Onimaru Setsuzan Kamamoto và Làng Toho của Nhật Bản đã phối hợp cùng Ủy ban nhân dân xã Phù Lãng và Ủy ban nhân dân thị xã Quế Võ thực hiện dự án "Phát triển nghề gốm tại xã Phù Lãng”.
Chuyên gia Tsuchimoto Amane, Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết: 80 học viên được lựa chọn tham gia khóa đào tạo do các nghệ nhân làng gốm Toho trực tiếp hướng dẫn về kỹ thuật làm gốm Nhật Bản kết hợp với kỹ thuật truyền thống của làng nghề Phù Lãng. Dự án có 3 khóa đào tạo và một khóa đào đạo nâng cao tay nghề cho 14 học viên tại Nhật Bản.
Mục tiêu của dự án hướng tới các sản phẩm gốm vừa tiết kiệm nguyên liệu, có giá trị thẩm mỹ, tính ứng dụng cao vừa mang lại giá trị kinh tế.
Trước hết, dự án mang đến việc đổi mới tư duy trong sản xuất để đa dạng mẫu mã và chất lượng sản phẩm, hướng đến là dòng sản phẩm gốm nhỏ gọn, có giá trị nghệ thuật, liên quan đến dụng cụ cắm hoa, dụng cụ ăn uống cao cấp...
Chuyên gia Tsuchimoto Amane, Văn phòng JICA tại Việt Nam đánh giá cao về tay nghề của thợ gốm Phù Lãng. |
“Tiếp sức” cho những sáng tạo ứng dụng mới
Hôm nay, các học viên của dự án tập trung ở khu nhà xưởng sản xuất với lò nung gốm theo mô hình truyền thống của Nhật Bản. Đây vừa là nơi đào tạo, thực hành vừa làm nơi trưng bày sản phẩm học viên, địa điểm gắn bó của thầy trò - các nghệ nhân Nhật Bản và các học viên Việt Nam từ 3 năm nay.
Ông Onimaru Yusuke - nghệ nhân gốm Nhật Bản, Giám đốc Dự án Phát triển nghề gốm tại xã Phù Lãng được các học viên gọi với cái tên thân mật “thầy Onimaru”.
Thầy Onimaru đón những sản phẩm đầu tiên còn ấm nóng từ mẻ lò mà thầy trò vừa hoàn thành quá trình nung, vừa làm thầy vừa chia sẻ: “Tôi trân trọng kỹ thuật làm gốm thủ công của người dân Phù Lãng. Lò gốm theo công nghệ Nhật nhỏ hơn lò truyền thống ở đây nên phù hợp với các sản phẩm nhỏ, kiểm soát được lửa tốt hơn”.
Cả nghìn sản phẩm lần lượt được thầy trò xếp gọn trong các khay gỗ. Điểm đặc biệt là không có sản phẩm nào giống nhau hoàn toàn về màu sắc lẫn tạo hình. Bùi Thanh Hà Nam, chàng trai trẻ tham gia khóa học từ đầu, vui mừng khoe: “Tùy thuộc vào ánh sáng chiếu vào sản phẩm mà từng chiếc bình lại ánh lên vẻ đẹp riêng...”.
Cả thầy và trò ai nấy đều vui vì cả mẻ mới này đều có chất lượng tốt. Từ khu nhà xưởng chung này, đã vài chục mẻ gốm như vậy được ra lò, mẻ sau thường đẹp và ưng ý hơn mẻ trước. Những thành công bước đầu ấy của thầy trò đến từ sự nỗ lực rèn luyện trong các khâu sản xuất, các bước tiến hành tỉ mỉ để bảo đảm yếu tố tinh tế, tiết kiệm và sạch sẽ. Yêu cầu kỹ thuật mà thầy Onimaru đưa ra, dường như đã được các học viên “nằm lòng”, tự tạo cho mình sự cẩn trọng cùng tình yêu, tâm huyết với gốm Phù Lãng trong các khâu, từ làm đất, chuốt gốm, trang trí hoa văn đến tráng men và nung.
Thợ trẻ Bùi Văn Huân cầm sản phẩm được ưa thích bên thầy - Nghệ nhân Onimaru. |
Dưới cái nắng mùa hè, thầy Onimaru quấn khăn bông lên vai, quệt quệt mồ hôi ngắm nhìn say sưa các tác phẩm của trò được trưng bày ngay trong khu xưởng.
Nghệ nhân Onimaru đánh giá cao về trình độ, sự khéo léo của các học viên - những thợ trẻ Phù Lãng kế thừa tinh hoa gốm truyền thống, kết hợp những tìm tòi, sáng tạo từ kiểu dáng, hoa văn, vân gốm đến hình khối, sắc men. Điều này giúp kỹ thuật thủ công giờ đây có tính ứng dụng cao, từng sản phẩm mộc mạc mà thật tinh tế, mang tính truyền thống mà vẫn có phong cách riêng của mỗi học viên.
Trong số nhiều sản phẩm của mình, cầm con cú - biểu tượng may mắn của Nhật Bản, Bùi Văn Huân nhớ lại những ngày đầu được thầy Onimaru hướng dẫn và chỉnh sửa. Từ những góp ý của thầy, không chỉ hàng loạt sản phẩm ấy đã được bán ra thị trường trong nước và Nhật Bản, mà nhiều con vật dễ thương được Bùi Văn Huân và vợ Trương Thị Hồng Thương sáng tạo và trở thành những món đồ lưu niệm yêu thích của khách du lịch.
Khi hỏi về lý do chọn Phù Lãng là điểm đến gắn bó 3 năm nay, thầy Onimaru vui vẻ cho biết: “Nghề gốm ở đây còn nhiều yếu tố thủ công. Phù Lãng có phong cảnh làng quê yên bình giống như làng gốm Toho của tôi, nơi có ít nhà cao tầng và cộng đồng người dân gần gũi. Đó là điều giúp tôi thích nghi với cuộc sống được nhanh chóng và thuận lợi. Hướng dẫn học viên Việt Nam lại cảm thấy có thuận lợi nhiều hơn khó khăn...”.
Được kế thừa nghề truyền thống của gia đình cùng một tình yêu đặc biệt với gốm, thầy Onimaru là nghệ nhân có tiếng không chỉ ở tỉnh Fukuoka mà còn ở Nhật Bản. Một trong những sản phẩm đặc sắc của thầy là cốc dùng trong trà đạo, được sử dụng trong nhiều chùa nổi tiếng ở Nhật. Một số sản phẩm cũng đã được dâng lên Thiên hoàng Nhật Bản. Những sản phẩm khác của thầy và gia đình hiện được bày bán tại các cửa hàng và trưng bày triển lãm ở Pháp.
Điều ấn tượng với các học viên, thầy Onimaru lại chính là người khơi gợi cho họ những ý tưởng sáng tạo từ hoa văn truyền thống của gốm sứ Việt Nam mà thầy dành thời gian tìm hiểu từ nhiều năm trước. Bảo tàng lịch sử Việt Nam còn lưu giữ và trưng bày một số sản phẩm gốm Phù Lãng có niên đại từ thế kỷ 17-19.
"Các bạn thật tự hào vì là người thợ của làng gốm cổ có tới 700 năm tuổi. Những kết quả của các bạn chính là động lực cho tôi và các nghệ nhân Nhật Bản luôn nỗ lực đồng hành trong suốt 3 năm qua”, nghệ nhân Onimaru chia sẻ.
Với các học viên, thầy lại chính là người “truyền lửa” nghề, một tình yêu với gốm Phù Lãng trong sự thích ứng mới cho những sáng tạo và phát triển. Phạm Văn Tuấn có nhiều sản phẩm được khách du lịch yêu thích, không giấu được niềm vui: “Việc được tiếp cận và tham gia khóa học gốm với sự dẫn dắt của các thầy nghệ nhân Nhật Bản, đối với tôi là cơ hội để thay đổi bản thân, cải thiện kỹ năng cũng như duy trì đam mê với gốm…”.
Lãnh đạo thị xã Quế Võ và xã Phù Lãng tham quan khu trưng bày các sản phẩm của học viên mới ra lò. |
Dự án "Phát triển nghề gốm tại xã Phù Lãng” dường như đã “tiếp lửa” nghề cho các học viên. “Nhờ dự án, nhờ thầy Onimaru mà tôi có góc nhìn rộng hơn, nhận được nhiều kinh nghiệm quý định hướng phát triển sản phẩm của mình. Biết được mục tiêu và nỗ lực tiến tới mục tiêu đó nhanh hơn, rút ngắn thời gian của những bước đi phải mày mò với không ít khó khăn”, Bùi Văn Huân cho biết.
Giờ đây, những thợ trẻ làng gốm Phù Lãng không chỉ tìm được hướng đi cho mình mà còn có những người bạn đồng hành cho những bước đường sắp tới. Bài học mà họ đã học và ứng dụng thành công, đó là tính công năng sử dụng của sản phẩm được đưa lên hàng đầu. Nghề gốm luôn cần sự đa dạng và sự sáng tạo không ngừng.
Những trải nghiệm trong những ngày tham gia khóa đào tạo ở làng gốm Toho cho đội ngũ học viên thêm kinh nghiệm về phương pháp nâng cao giá trị sản phẩm qua cách giới thiệu sản phẩm, cách chọn công năng và không gian sắp đặt, bài trí sản phẩm.
Có dịp tham quan các làng gốm cổ ở tỉnh Fukuoka và tỉnh Oita (Nhật Bản), những người thợ Phù Lãng còn học hỏi cách phát triển du lịch cộng đồng. Câu chuyện của gốm Nhật luôn hấp dẫn du khách vì những sản phẩm có giá trị cao, mẫu mã hiện đại phù hợp với thị hiếu nhưng vẫn tôn trọng yếu tố truyền thống, sử dụng nguyên liệu địa phương.
Hướng đi phù hợp phát triển du lịch làng nghề
Ông Nguyễn Bá Quân, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thị xã Quế Võ, Trưởng ban quản lý dự án phát triển nghề gốm tại xã Phù Lãng chia sẻ: “Dự án không chỉ giúp đào tạo và nâng cao kỹ năng làm gốm, áp dụng công nghệ và kỹ thuật Nhật Bản, tạo ra sản phẩm tinh xảo, mẫu mã chất lượng tốt hơn và bảo vệ môi trường, đồng thời quảng bá các sản phẩm gốm Phù Lãng ra thế giới”.
Những hỗ trợ của các nghệ nhân Nhật Bản, bước đầu đã tạo ra hướng đi mới trong chiến lược phát triển sản xuất gốm tại làng nghề gốm Phù Lãng, đồng thời góp phần tăng cường giao lưu văn hóa-kinh tế giữa tỉnh Bắc Ninh với tỉnh Fukuoka.
Minh chứng cho thành công của dự án thể hiện ở 2 triển lãm gốm Phù Lãng trong năm nay. Đó là triển lãm ở Tokyo vào cuối tháng 4 và triển lãm với chủ đề “Thủy cung gốm Phù Lãng” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) vào cuối tháng 6.
Đánh giá về triển lãm tại một trung tâm thương mại sầm uất ở Tokyo, nghệ nhân Onimaru cho biết: “Đó là nơi tập trung nhiều khách du lịch và nhiều cửa hàng gốm của các quốc gia. Du khách đến đây đều ngạc nhiên trước tài năng mà thợ gốm Phù Lãng trình diễn. Phần lớn các sản phẩm trưng bày và được bán hết. Điều này giúp những người thợ gốm tự tin rằng, sản phẩm tính ứng dụng cao có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày của người dân Nhật Bản và làm thủ công luôn được khách hàng đất nước chúng tôi ưa chuộng. Tại đây, cũng có một số đơn hàng được đặt sản xuất…”.
Dòng sản phẩm gốm Phù Lãng nhỏ gọn, có giá trị nghệ thuật và công năng cao ngày càng mang lại giá trị kinh tế. |
Nghệ nhân Onimaru bày tỏ tình yêu với làng gốm Phù Lãng bằng việc sẽ hỗ trợ hết mình để kết nối đa dạng các sản phẩm gốm Phù Lãng cho nhiều nhà hàng Nhật ở Việt Nam và Nhật Bản. Trong tương lai, ông còn muốn giới thiệu gốm Phù Lãng sang thị trường châu Âu.
Hiện không ít cơ sở sản xuất gốm trong làng Phù Lãng đã nắm bắt cơ hội, chủ động liên kết các doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch về địa phương tham quan, trải nghiệm. Tỉnh Bắc Ninh cũng đang chỉ đạo thực hiện đề án xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch đối với làng gốm Phù Lãng. Điều này mở ra cơ hội, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, những giá trị của gốm Phù Lãng sẽ được lan tỏa rộng rãi…
Hướng đi mới trong chiến lược bảo tồn và phát triển sản xuất gốm tại làng nghề gốm Phù Lãng phù hợp với định hướng phát triển du lịch làng nghề, hẳn sẽ có sự chung sức đồng lòng, sự kết nối của đội ngũ những thợ trẻ, những người có đam mê và tâm huyết với gốm truyền thống.