Ký ức làng gốm Bồ Bát

Trong ngôi đình hàng trăm năm tuổi ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội), hai bên hương án treo trang trọng đôi câu đối: “Bồ di thủ nghệ khai Đình vũ-Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần”. Có nghĩa là: Đem nghề nghiệp từ làng Bồ Bát ra đây để xây dựng đình miếu; Lòng dân thành kính tựa hương lan, dâng lên cúng thánh thần. Làng Bồ Bát được nói đến trong đôi câu đối xưa chính là thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình ngày nay.
0:00 / 0:00
0:00
 Nghệ nhân vẽ hoa văn trên gốm Bồ Bát.
Nghệ nhân vẽ hoa văn trên gốm Bồ Bát.

Theo sử sách ghi lại, làng gốm Bồ Bát nổi danh từ cách đây hàng nghìn năm, với những sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo. Thế kỷ thứ 9, thứ 10, những sản phẩm của làng gốm Bồ Bát rất thịnh hành. Những người thợ tài hoa, khéo léo ở Bồ Bát đã sáng tạo ra sản phẩm cao cấp gạch đất nung “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, chuyên dùng để xây thành; những sản phẩm tinh xảo, linh vật rồng, phượng, bát đĩa, đồ gia dụng dùng để cung tiến vua chúa, quan lại đương thời.

Khi triều đình nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, những nghệ nhân giỏi của làng Bồ Bát đã theo đó mà về định cư ở vùng ven sông Hồng, lập nên làng gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng ngày nay. Còn làng gốm Bồ Bát suy dần đi, rồi rơi vào thất truyền. Sau hơn 1.000 năm tưởng chừng quên lãng, gốm Bồ Bát hồi sinh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Mô, An Đôn Nghĩa cho biết: Người có công đưa gốm Bồ Bát quay trở lại là anh Phạm Văn Vang, người con của dòng họ Phạm (dòng họ tương truyền đã di cư tới làng Bát Tràng lập nghiệp). Sau nhiều năm miệt mài tìm tòi, học lại nghề cũ của cha ông ở Bát Tràng, anh Vang là người đầu tiên mở xưởng gốm mang thương hiệu Bồ Bát tại quê hương, với mong muốn cháy bỏng khôi phục nghề gốm đã mai một trên chính cái nôi nó đã sinh ra.

Trân trọng những giá trị lịch sử, mong muốn làng gốm cổ xưa không chỉ tồn tại trong ký ức, mà hiện hữu trong đời sống hôm nay, chính quyền tỉnh Ninh Bình, huyện Yên Mô đã quyết định công nhận làng Bạch Liên, xã Yên Thành là làng có nghề gốm cổ Bồ Bát. Tỉnh cũng hỗ trợ anh Phạm Văn Vang thành lập Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển Gốm Bồ Bát, tạo quỹ đất, hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà xưởng từ nguồn khuyến công. Anh Phạm Văn Vang cũng vinh dự được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Nhờ đó, nghề gốm, sản phẩm gốm nơi đây ngày càng phát triển, được nhiều người biết đến.

Nghệ nhân Phạm Văn Vang chia sẻ: Sản phẩm gốm Bồ Bát sở hữu những đặc trưng không nơi nào có được bởi mầu men trắng độc đáo, độ mịn cho đến các họa tiết được tạo riêng biệt. Đặc biệt, gốm Bồ Bát sử dụng duy nhất loại đất sét trắng quý hiếm được gọi là đất sét Bồ Di, chỉ riêng vùng này mới có; sản phẩm gốm được tạo ra không có độ chì, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dùng.

Qua bàn tay của những nghệ nhân còn rất trẻ, các sản phẩm được tạo hình đẹp, những danh thắng nổi tiếng của quê hương như: Cố đô Hoa Lư, bến thuyền Tràng An, chùa Bái Đính, Tam Cốc-Bích Động, được vẽ trang trí trên sản phẩm, tạo nên nét độc đáo riêng có. Vì vậy, gốm Bồ Bát không chỉ nổi danh trong nước, mà còn vươn ra những thị trường nổi tiếng “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản. Hiện nay, mỗi năm Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển Gốm Bồ Bát sản xuất được hơn 26 nghìn sản phẩm bát, đĩa, chuyên, chén, lọ hoa, bình phong thủy, tranh gốm sứ... mang phong cách gốm cổ; tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều chuyên gia nhận định, những nỗ lực của chính quyền tỉnh Ninh Bình và người dân nhằm phục hồi nghề gốm Bồ Bát là rất đáng ghi nhận. Gốm Bồ Bát đã từng hưng thịnh, thất truyền, rồi tái phát triển, định vị trên thị trường gốm sứ có ý nghĩa rất lớn trong việc hồi sinh những giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất cố đô cổ kính, góp phần bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của cha ông, trong đó có các giá trị văn hóa làng xã. Bên cạnh đó là mang lại cơ hội việc làm rất lớn cho những người dân địa phương, góp phần tích cực trong thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung, công nghiệp văn hóa, du lịch nói riêng. Vấn đề cần quan tâm là nguồn nhân lực, nguồn nguyên liệu dần cạn kiệt và chính sách đặc thù hỗ trợ, để sản phẩm gốm Bồ Bát đứng vững trong tương lai.