Tổ chức Festival gốm truyền thống Biên Hòa-Đồng Nai

NDO - Việc tổ chức Festival Gốm truyền thống Biên Hòa-Đồng Nai được kỳ vọng góp phần giữ gìn, phát huy giá trị quý của gốm Biên Hòa, vốn đang bị mai một những năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm dòng gốm đất đen truyền thống Biên Hòa-Đồng Nai.
Sản phẩm dòng gốm đất đen truyền thống Biên Hòa-Đồng Nai.

Ngày 8/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức buổi làm việc với các đơn vị liên quan về việc tổ chức Festival Gốm truyền thống Biên Hòa-Đồng Nai.

Dự kiến, Festival Gốm truyền thống Biên Hòa-Đồng Nai sẽ được tổ chức với các chuỗi hoạt động triển lãm giới thiệu các sản phẩm gốm nghệ thuật đặc sắc có giá trị thẩm mỹ và tính ứng dụng cao của các nghệ nhân trong cả nước.

Đây là dịp để đánh giá những thành tựu, thuận lợi, khó khăn của ngành gốm; đồng thời, liên kết các nghệ nhân gốm truyền thống, các làng nghề, nhằm thúc đẩy sự phát triển làng nghề gốm, hội nhập quốc tế.

Festival Gốm truyền thống Biên Hòa-Đồng Nai còn để người yêu nghệ thuật gốm truyền thống tiếp cận và thưởng thức những tác phẩm gốm nghệ thuật của Biên Hòa- Đồng Nai cũng như cả nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu các đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung, phần việc cụ thể để tổ chức Festival Gốm truyền thống Biên Hòa- Đồng Nai thành công.

Từng sở, ngành, Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng sự kiện để có sự chuẩn bị chu đáo, bảo đảm Festival Gốm truyền thống Biên Hòa-Đồng Nai bảo đảm chất lượng, mang lại kết quả tốt nhất.

Theo kế hoạch, Festival Gốm truyền thống Biên Hòa-Đồng Nai sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức vào tháng 4/2025.

Tổ chức Festival gốm truyền thống Biên Hòa-Đồng Nai ảnh 1

Gốm mỹ nghệ Biên Hòa với hoa văn, kiểu dáng truyền thống được phục chế.

Theo lịch sử ghi lại, từ thế kỷ 17, nghề thủ công gốm đã xuất hiện và hình thành tại Cù Lao Phố (Biên Hòa-Đồng Nai) do cư dân bản địa và người Việt, người Hoa vào khai khẩn.

Đến nửa cuối thế kỷ 19, nhiều lò gốm Tân Vạn hình thành do số thợ gốm người Hoa phải di chuyển qua bên kia sông sau khi Cù Lao Phố bị tàn phá những năm trước.

Sau đó, năm 1903, Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa (nay là Trường cao đẳng Trang trí Mỹ thuật Đồng Nai) được người Pháp thành lập và một trong những hiệu trưởng của trường là ông Robert Balick đã tạo được nét đặc trưng, hướng đi riêng của gốm Biên Hòa như ngày nay.

Đó là, những sản phẩm gốm trang trí nhiều mầu, chạm khắc chi tiết hoa văn. Cũng vì thế mà sau này, Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa đã đào tạo được nhiều thế hệ nghệ nhân gốm nổi tiếng, qua đó giúp nghề gốm mỹ nghệ Biên Hòa phát triển rất mạnh từ những năm 60 của thế kỷ 20.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai Vòng Khiềng, lịch sử hình thành và phát triển của gốm Biên Hòa-Đồng Nai xuất phát từ sự giao thoa của các dòng gốm Việt, Chăm, Hoa trên địa bàn, cộng với kỹ thuật tạo tác, pha chế men mầu của phương Tây.

Từ đó, đã hình thành một quy trình sản xuất gồm các công đoạn rất riêng như: phối liệu đất (tạo ra các loại đất in, đất xoay và đất rót), tạo hình sản phẩm, chạm khắc, chấm men và nung sản phẩm.

Tổ chức Festival gốm truyền thống Biên Hòa-Đồng Nai ảnh 2

Gốm mỹ nghệ Biên Hòa với hoa văn, kiểu dáng truyền thống được phục chế.

Đáng chú ý, men mầu xanh đồng trổ bông là đặc trưng tiêu biểu và tinh hoa của dòng gốm Biên Hòa-Đồng Nai nếu so với gốm hoa lam Bát Tràng, gốm đen Phù Lãng hay gốm xanh Bình Dương.

Thậm chí, trong nghệ thuật làm gốm ở Việt Nam, chỉ có mầu men tại Biên Hòa có danh xưng quốc tế là Vert de Bienhoa.

Thế nhưng, những hào quang quá khứ cũng nhanh chóng biến mất với gốm Biên Hòa trong hơn 20 năm qua.

Số lao động nghề gốm ở các cơ sở tại Biên Hòa đều đã lớn tuổi, chưa có lao động thay thế theo kiểu người đi trước truyền nghề cho người đi sau.

“Việc tổ chức Festival Gốm truyền thống Biên Hòa-Đồng Nai được kỳ vọng sẽ góp phần giúp các cơ quan chức năng nhìn nhận, hỗ trợ đối với các cơ sở sản xuất gốm ở Biên Hòa, thay vì chỉ tiếp sức như trên giấy những năm qua.

Cùng với đó, là nguồn động viên tinh thần đối với những người làm nghề gốm và doanh nghiệp sản xuất gốm tiếp tục gắn bó và quan trọng nhất là giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của gốm Biên Hòa”, ông Vòng Khiềng nói.