Công nhân khai thác than trong hầm lò.
Công nhân khai thác than trong hầm lò.

Cơ hội cho lực lượng lao động trong chuyển dịch năng lượng ngành than

NDO - Việt Nam đang trong hành trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, giảm phụ thuộc vào điện than và hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo bền vững. Điều này không chỉ là bài toán về môi trường và phát triển kinh tế mà còn đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho lực lượng lao động ngành than - vốn là trụ cột quan trọng trong nền kinh tế công nghiệp của đất nước.

Hiện nay, số lao động Việt Nam tham gia các hoạt động từ khai thác nhiên liệu hóa thạch đến vận hành nhà máy điện than ước tính gần 100 nghìn người. Trong đó, khoảng 78 nghìn lao động hoạt động khai thác than và 9.000 lao động được tuyển dụng làm việc tại các nhà máy điện than.

Tuy nhiên, cơ cấu này đang dần thay đổi khi ngành công nghiệp than phải đối mặt với xu hướng giảm quy mô khai thác và chuyển sang sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường.

Cơ hội cho lực lượng lao động trong chuyển dịch năng lượng ngành than ảnh 1

Chuyển dịch năng lượng ngành than đem lại cơ hội mới cho Quảng Ninh.

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam cho thấy lao động ngành than có xu hướng giảm về số lượng nhưng tăng về chất lượng, phù hợp với xu hướng chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững.

Bà Vũ Chi Mai, cố vấn cấp cao Dự án toàn cầu Chuyển dịch năng lượng tại các vùng than của Tổ chức Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI) đánh giá, lao động tay nghề thấp sẽ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Khi các thiết bị hiện đại, tự động hóa được áp dụng, nhu cầu về nhân công khai thác thủ công sẽ giảm mạnh.

Cơ hội cho lực lượng lao động trong chuyển dịch năng lượng ngành than ảnh 2
Bà Vũ Chi Mai, cố vấn cấp cao Dự án toàn cầu Chuyển dịch năng lượng tại các vùng than của Tổ chức Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI).

Trong khi đó, lao động trình độ cao, đặc biệt là các kỹ sư vận hành công nghệ sạch và chuyên gia môi trường, sẽ trở thành lực lượng chủ đạo trong giai đoạn tiếp theo.

Đặc biệt, tại Quảng Ninh – "thủ phủ" ngành than của cả nước, quá trình chuyển đổi này sẽ tác động trực tiếp đến hàng chục nghìn lao động và đòi hỏi những nỗ lực lớn từ chính quyền địa phương trong việc tái cấu trúc nguồn lực và hỗ trợ lao động chuyển đổi nghề nghiệp. Theo bà Mai, Quảng Ninh, với 90% sản lượng than khai thác trên toàn quốc sẽ cần chuẩn bị cho sự thay đổi cơ cấu lao động mạnh mẽ.

Cơ hội cho lực lượng lao động trong chuyển dịch năng lượng ngành than ảnh 3

Mỏ than tại Quảng Ninh.

Trong bối cảnh năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ, lao động ngành than có cơ hội lớn để chuyển đổi sang các lĩnh vực mới. Các dự án điện gió, điện mặt trời, và khí hóa lỏng (LNG) sẽ mở ra hàng chục nghìn việc làm mới, từ lắp đặt, vận hành đến bảo trì hệ thống.

Những người lao động có nền tảng kỹ thuật trong ngành điện than, nếu được tái đào tạo, hoàn toàn có thể đảm nhận các vị trí trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Thu nhập trong các ngành này không chỉ cao hơn mà môi trường làm việc cũng an toàn và thân thiện hơn so với khai thác than truyền thống.

Cơ hội cho lực lượng lao động trong chuyển dịch năng lượng ngành than ảnh 4

Quang cảnh nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả.

Không chỉ dừng lại ở ngành năng lượng, các lĩnh vực như phục hồi môi trường mỏ, phát triển kinh tế tuần hoàn và du lịch bền vững cũng hứa hẹn nhiều cơ hội việc làm cho lao động tại các địa phương phụ thuộc vào ngành than.

“Các ngành năng lượng mới đang phát triển mạnh, tạo ra nhu cầu lớn về lao động, từ thiết kế, lắp đặt, vận hành đến bảo trì. Đây cũng là cơ hội có lực lượng lao động từ các nhà máy điện than. Việc chuyển đổi sang năng lượng sạch có thể mang lại môi trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt hơn.

Ở diện rộng, với Quảng Ninh, cơ hội chuyển đổi hoàn toàn sang kinh tế xanh, tuần hoàn, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững sẽ biến Quảng Ninh là điểm đến hấp dẫn hơn nữa”, bà Mai nhấn mạnh.

Cơ hội cho lực lượng lao động trong chuyển dịch năng lượng ngành than ảnh 5

Bốc rót than tại Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả.

Chuyển dịch năng lượng ngành than không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững. Nếu thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ và tái đào tạo, lực lượng lao động ngành than có thể trở thành nhân tố chủ chốt trong việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mới, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội lâu dài của địa phương và đất nước.

back to top